Sunday, October 28, 2012

Trại Polei Kleng Lệ Khánh và Tác Phẩm Đại Úy

 Lệ Khánh


Polei Kleng


Kiều Mỹ Duyên


Polei Kleng là tên của một ngọn đồi lớn nằm về phía Tây Bắc của thành phố Kontum khoảng 22 cây số. Chung quanh Polei Kleng có những đồi thông nhỏ khác nằm rải rác, tạo nên một khung cảnh thật mơ mộng. Trên đồi Polei Kleng, có căn cứ hỏa lực do quân đội Mỹ thiết lập rất kiên cố. Doanh trại của căn cứ xây theo hình tam giác, hệ thống giao thông hào chìm, nổi 13 lô cốt bao chung quanh trại, từ trên máy bay nhìn xuống rất đẹp. Căn cứ này cũng mang tên là Polei Kleng, và tên Việt là Lệ Khánh.

Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút về nước, căn cứ này giao lại cho Việt Nam và hiện do Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân Biên Phòng trấn giữ. Phía Tây Bắc của Lệ Khánh, có một làng thượng chừng 100 nóc nhà, và hầu hết những đàn ông Thượng trong làng này đều là lính của Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân. Có thể nói hết hai phần ba quân số của Tiểu Đoàn là người Thượng. Đại đội I là đại đội nòng cốt của tiểu đoàn do Thiếu Úy Kchong làm Đại Đội Trưởng. Thiếu Úy Kchong từ lực lượng Dân Sự Chiến Đấu do Hoa Kỳ thành lập và huấn luyện, sau chuyển qua Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân Biên Phòng. Kchong mới 22 tuổi, anh là một sĩ quan can trường và hành quân rất giỏi.
Chỉ huy Tiểu Đoàn 62 là Đại Úy Bửu Chuyển, dáng người cao lớn, nước da trắng hồng. Một lần Tướng Lam Sơn đến thăm trại, gọi ông theo kiểu Huế: “Mệ Chuyển”. Tiểu Đoàn Phó là Trung Úy Phan Thái Bình, dáng người dong dỏng cao, rắn rỏi, đôi mắt linh động, và các sĩ quan khác của tiểu đoàn như Thiếu Úy Lê Văn Anh, Thiếu Úy Nguyễn Văn Tám… đều là những sĩ quan trẻ rất kiên cường.

Lệ Khánh được tổ chức như một làng nhỏ, có bệnh xá khám bệnh cho các gia đình Thượng ở chung quanh trại. Có trường học, thầy giáo là người Thượng. Có trại gia binh, không phải nhà, mà là những căn hầm như công sự phòng thủ, nhưng rộng rãi cho vợ con của một số quân nhân Thượng. Trại cũng có những vườn rau xanh, có câu lạc bộ nằm trên đồi rất thơ mộng, người trong trại gọi là câu lạc bộ Mây Trên Đồi.

Trong những ngày làm phóng sự chiến trường ở Cao Nguyên, hôm qua tôi xin tháp tùng theo một chuyến bay nào đó để nhảy xuống Lệ Khánh nhưng bị từ chối. Lý do từ chối là vì sau khi bị đẩy lui trong một cuộc tấn công đẫm máu vào Lệ Khánh, Cộng quân nhất định muốn san bằng căn cứ này, nên mỗi ngày tiếp tục pháo vào từ 3 đến 4 ngàn quả đạn đủ loại. Bởi vậy, trực thăng khó có thể đáp xuống được.

Tôi xin thẳng với Trung Tướng Ngô Dzu, đương kim Tư Lệnh Quân Đoàn II, nhưng ông cũng từ chối và hứa đợi đến lúc nào tình hình khả quan hơn. Tôi cảm ơn hảo ý của ông và trong lòng tự hứa, không đến được hôm nay, thì cũng sẽ đến một ngày nào đó để gặp và viết về những người chiến sĩ đã đánh những trận đánh để đời trong Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa.

Cộng quân đã pháo vào trại Lệ Khánh suốt tuần nay với hàng ngàn đạn 82 ly và hỏa tiễn 122 ly. Vào lúc 20 giờ 15 phút ngày 7 tháng 5, sau một đợt pháo dữ dội hơn những ngày vừa qua và kéo dài đến nửa đêm, liền sau đó Cộng quân đã ào ạt xung phong vào ba mặt: Đông, Đông Bắc và Đông Nam.

Ngay lúc trận chiến khởi đầu, Đại Tá Nguyễn Văn Đương, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân của Quân Khu II bay trực thăng vòng vòng trên trời, vừa đề quan sát trận đánh vừa để khích lệ tinh thần binh sĩ. Sau khi liên lạc với Tướng Ngô Dzu, Đại Tá Đương gọi máy cho Đại Úy Bửu Chuyển, Chỉ Huy Trưởng trại Lệ Khánh, đang chỉ huy trận đánh bên dưới:
- Tất cả Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đang theo dõi sự chiến đấu của anh em. Kể từ giờ phút này, anh đã được Quân Đoàn thăng cấp Thiếu Tá.

Suốt đêm đó, Tướng Dzu, Đại Tá Lê Quang Bình, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II và ông John Paul Vann, Cố Vấn Trường Quân Đoàn II bay trực thăng trên căn cứ để quan sát những diễn biến của trận đánh.

Từ nửa đêm cho đến 6 giờ sáng, Cộng quân xung phong trên 10 lần, quyết tâm tràn ngập căn cứ này, nhưng cuối cùng phải rút lui, bỏ lại hơn 300 xác rải rác trên khắp các hàng rào phòng thủ. Đến 7 giờ sáng, Cộng quân dội tiếp vào một trận mưa pháo kéo dài hơn một tiếng đồng hồ để mở đầu cho đợt xung phong lần thứ hai. Lần này có 20 chiến xa T54 dẫn đầu tràn vào các công sự phòng thủ của những chiến sĩ Biệt Động Quân Biên Phòng đang anh dũng chống trả từ lúc nửa đêm đến giờ chưa một giây ngừng nghỉ.

Một toán 5 chiếc T54 tiến vào từ hướng Tây Bắc đã lọt vào bãi mìn chống chiến xa. Cuối cùng, đợt tấn công thứ hai này, Cộng quân cũng bị thiệt hại nặng nề nên phải rút lui. Và theo những tài liệu tịch thu được tại chiến trường, Cộng quân đã chọn Lệ Khánh để đánh chiếm làm quà kỷ niệm cho ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Bởi vậy một tuần trước đây, địch quân đã gia tăng áp lực chung quanh căn cứ này một cách rõ rệt.

Buổi chiều cùng ngày, lúc 18 giờ 20 phút, Trung Tướng Ngô Dzu bay trực thăng trên trại Lệ Khánh để “gắn lon” cho Đại Úy Bửu Chuyển, Chỉ Huy Trưởng trại Lệ Khánh. Cặp lon Thiếu Tá mới toanh và hai chai rượu champagne được thả từ phi cơ xuống. Trung Úy Phan Thái Bình, Tiểu Đoàn Phó cùng 20 chiến sĩ Biệt Động Quân Biên Phòng khác cũng được thăng cấp và tưởng thưởng tại mặt trận.

Tôi nghĩ rằng trong lịch sử chiến tranh của nhiều quốc gia, chắc chưa bao giờ có một cảnh “gắn lon” độc đáo như vậy. Hai bông mai bạc từ trên trời rơi xuống, xuyên qua làn mưa pháo của địch quân, nở trên vai áo của người hùng biên trấn Tây Nguyên. Ông John Paul Vann là cố vấn quân sự Hoa Kỳ của Quân Đoàn II. Ông mang cấp bậc Đại Tá, nhưng vì giữ chức vụ cố vấn bên cạnh Tư Lệnh Quân Đoàn, nên Bộ Quốc Phòng Mỹ cho ông giải ngũ để khỏi trở ngại về vấn đề cấp bậc. Ông Vann là một cố vấn quân sự có một vị thế và cuộc sống riêng tư rất đặc biệt. Người ta đồn rằng ông là bạn thân của Tổng Thống Nixon, có uy tín ngang hàng với Kissinger, cho nên ông là cố vấn quân sự có nhiều quyền hạn đặc biệt trong những quyết định về sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ.

Nhưng miền Nam Việt Nam và cả Hoa Kỳ nói nhiều đến ông, không phải vì chức vụ cố vấn, mà vì đời sống tình cảm riêng tư của ông nhiều hơn. Trong thời gian ở Cao Nguyên này, một người con gái má đỏ, môi hồng đã thay đổi cuộc đời của ông. Sóng gió của mối tình muộn và đầy ngang trái này đã âm hưởng mạnh mẽ tận Hoa Thịnh Đốn, vì ông là nhân vật quyền thế đương thời.

Và một ngày, giữa lúc Cao Nguyên khói lửa ngút trời, ông Vann đã nói lên tâm sự của mình, sự thổ lộ cũng xem như là một chọn lựa:
- Sau khi tình hình ở Cao Nguyên sáng sủa, tôi sẽ làm đám cưới với nàng. Tôi sẽ ở đây với nàng cho hết cuộc đời, và Việt Nam sẽ là quê hương thứ hai của tôi.

Bởi vậy, bạn bè của ông thường nói rằng, ông đang phục vụ một cách hăng say cho quê hương Việt Nam của ông, chứ không phải đang làm cố vấn cho một quốc gia bạn.Tôi gặp ông John Paul Vann trong một buổi sáng tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II khi đến đây cùng với một ký giả người Anh của tờ Sunday Times để xin phương tiện ra chiến trường.

Ông Vann khoản chừng 50 tuổi, dáng người cao lớn, ông không nói tiếng Việt nhưng hình như hiểu tiếng Việt, bởi vì khi nghe một sĩ quan của Phòng Báo Chí nói với tôi sáng nay không còn chiếc trực thăng nào cho báo chí, ông Vann đã vui vẻ hỏi tôi có muốn dùng chiếc trực thăng của ông không. Ông vẫn được tiếng là người rất niềm nở với giới ký giả. Tôi đã có lần nhìn thấy chiếc trực thăng riêng của ông Vann trên bãi đáp. Chiếc trực thăng này sơn màu trắng, mũi nhọn, thân dài, có hình dạng khác hẳn với những chiếc trực thăng của quân đội thường dùng. Chưa quen biết nhiều, nên tôi không muốn nhận sự giúp đỡ của ông, cũng một phần tôi nghĩ rằng, một chiếc máy bay đặc biệt như vậy, chắc súng và hỏa tiễn phòng không của địch thích nhắm vào để lập chiến công.

Sau này, một lần về Sài Gòn, ông có đến tòa soạn báo Hòa Bình thăm tôi, nhưng lúc đó tôi đang về làm phóng sự ở miền Tây. Ông Vann trước là cố vấn quân sự của Vùng IV, nên ông gọi điện thoại về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV để nhờ những người quen tìm đến gặp và chuyển lời thăm tôi. Một thời gian sau, tôi nghe tin ông tử nạn vì máy bay bị bắn trong lúc bay thị sát mặt trận ở Cao Nguyên.

Trại Lệ Khánh vẫn anh dũng chống trả trước bao nhiêu đợt tấn công của địch quân ròng rã gần một tháng trời. Lần lượt Charlie, Tân Cảnh rồi Dakto thất thủ. Muốn tiến vào Kontum, địch quân phải san bằng Lệ Khánh. Khi mở đầu cuộc tổng công kích vào toàn vùng Cao Nguyên, giai đoạn đầu tiên là một chiến dịch mà Cộng quân đặt tên có tính cách kích động tâm lý là chiến dịch “Poko dậy sóng”. Poko là một dòng sông nằm phía Tây Quốc Lộ 14, cách Lệ Khánh khoảng 7 cây số vả cách Kontum chừng 20 cây số. “Poko Dậy Sóng” là chiến dịch đánh chiếm một loạt các căn cứ trong vùng Tam Biên, mà Lệ Khánh là điểm cuối cùng.

Một buổi sáng, khi nắng ban mai chưa đủ ấm để làm tan hết sương mù của miền rừng núi, trại Lệ Khánh lại một lần nữa rung chuyển vừa bởi đạn pháo, vừa bởi tiếng động cơ của một đoàn chiến xa T54 của địch quân. Pháo phủ đầu rồi khinh binh của địch theo chiến xa tiến và như thác lũ. Địch quân dùng cả những đại pháo cùa ta mà chúng lấy được ở Dakto như đại bác 105 ly, 155 ly đề bắn vào Lệ Khánh.

Thiếu Tá Bửu Chuyển và tất cả chiến sĩ của Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân không hề nao núng. Đã đội lên đầu chiếc Mũ Nâu, mặc bộ đồ trận màu ho rừng là đã sẵn sang chờ đợi những giây phút như ngày hôm nay. Và tiểu đoàn đã anh dũng chiến đấu, chiến đấu cho đến giây phút mà người chiến sĩ còn có thể chiến đấu.

Những ngày mở đầu, địch chỉ pháo từ 500 đến 1000 quả 82 ly và 105 ly. Những ngày về sau, cường độ pháo kích tăng lên đến mức khủng khiếp, từ 10 ngàn đến 15 ngàn quả, Đại Tá Nguyễn Văn Đương, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân của Quân Khu II, Đại Tá Nguyễn Bá Thìn, Tỉnh Trưởng Kontum và Tướng Lý Bá Tòng, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã thường xuyên bay trên Lệ Khánh, cố gắng đáp xuống nhưng không thể nào thực hiện được. Nhất là Đại Tá Đương, ông lo lắng cho các binh sĩ của mình đang ngày đêm chịu đựng từng đợt tấn công nặng nề của địch.

Ngày thứ 20, tính từ ngày đẩy lui địch quân đợt đầu, pháo của địch dội vào tới mức không thể đếm được nữa. Kho đạn đã bị cháy. Trung Tâm Hành Quân bị đạn 155 ly phá sập. Đạn dược, lương thực và nước chỉ dự trữ đủ dùng trong 3 tháng. Lệ Khánh hoàn toàn bị cô lập. Không tiếp tế, không tải thương được. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn hỏi trên máy:
- Các anh còn chịu được không?
Thiếu Tá Chuyển trả lời:
- Chúng tôi vẫn chiến đấu.

Mấy ngày sau, toán cố vấn quân sự liên lạc khẩn về Kontum. Một cuộc oanh kích dữ dội do máy bay của Không Quân Mỹ đảm trách để dọn một bãi đáp cấp thời ngay trong trại. Hai chiếc trực thăng loại nhỏ, từ bên ngoài luồng vào Lệ Khánh với một độ bay thật thấp để tránh pháo, và không một lời giã từ, toán cố vấn Mỹ vội vã lên trực thăng bay ra khỏi trại an toàn.

Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân vẫn tiếp tục chiến đấu. Những người bị thương nặng thì nằm ở bệnh xá. Những người bị thương nhẹ được băng bó rồi tiếp tục cầm súng trở lại phòng tuyến của mình. Vợ con của các binh sĩ cũng được phát súng, phụ giúp quan sát, canh phòng, trải đạn, tải thương…

Có thể nói gần một tháng trời, Lệ Khánh không có ban đêm. Mỗi ngày khi mặt trời khuất bóng, những trái hỏa châu được máy bay thả xuống liên tục soi sáng cả một vùng chung quanh trại. Tướng Lý Tòng Bá đưa một tiểu đoàn Pháo Binh nằm tại hướng Đông Lệ Khánh, bên kia sông Poki, để yểm trợ cho căn cứ này.

Pháo yểm trợ bắn trùm chỉ cách quân trú phòng có 20 thước. Xác của địch quân rải đầy chung quanh hàng rào phòng thủ đã hơn 20 ngày nay. Thây người chết sình thối và mùi thuốc súng pha trộn với nhau làm cho Lệ Khánh đầy đặc cả tử khí.

Từ ngày thứ 20 về sau, Quân Đoàn II cho lệnh Lệ Khánh được xử trí tùy theo tình hình. Liên lạc truyền tin khó khăn vì ăng ten dù không căng lên được. Các cao điểm chung quanh Lệ Khánh đã bị chiếm và đặt súng lớn. Ăng ten dù căn lên là bị pháo trúng ngay.

Ngày thứ 25, Thiếu Tá Bửu Chuyển và Đại Úy Phan Thái Bình bàn thảo với nhau. Cuối cùng Thiếu Tá Chuyển quyết định rút. Đại Úy Bình đồng ý nhưng cảnh giác:
- Ra là đụng nặng lắm.
Trong suốt thời gian này, Đại Úy Bình đã nhận xét kỹ và thấy rằng, trong 13 lô cốt chung quanh trại, chỉ có lô cốt số 13 là khu vực tương đối ít bị pháo nhất. Bởi vậy anh đề nghị, nếu có ra, nên ra hướng này.

Một hạ sĩ quan thủ kho đạn dược được lệnh kiểm xem còn có bao nhiêu đoạn Bangalo. Còn đúng 13 đoạn. Tất cả tiểu đoàn được lệnh chuẩn bị sẵn sàng, kể cả gia đình binh sĩ. Hành trang gọn và nhẹ, chủ yếu là súng đạn. Tất cả những tài liệu cần thiết đều được hủy.
Đúng 4 giờ sáng, 3 đoạn Bangalo nối thành một ống dài xuyên qua những lớp hàng rào kẽm gai chằng chịt ở hướng lô cốt số 3. Địch vẫn pháo như mưa vào trại.
Thiếu Tá Chuyển ra lệnh. Tiếng nổ của Bangalo chìm mất trong tiếng pháo ầm ầm của địch. Một ánh lửa xanh biếc chói mắt bừng lên, cả chục lớp hàng rào kẻm gai đã bị Bangalo xé ra một đường dài.

Thiếu Úy Kchong, Đại Đội Trưởng Đại Đội I được lệnh dẫn đại đội mở đường máu tiến ra trước. Thiếu Tá Chuyển cùng Bộ Chỉ Huy theo sau, tiến về hướng Đông. Đại Úy Bình dẫn một cánh với gia đình binh sĩ vừa tiến ra là đánh chiếm ngay một ngọn đồi nhỏ gần đó, phá được ổ đại liên của địch để yểm trợ cho cánh của Thiếu Tá Chuyển. Sau đó hai bên tách ra, cánh của Đại Úy Bình đi về hướng Bắc.
L19 vẫn bay quan sát trên cao. Người phi công gọi:
- Nam Bình, anh ở đâu trả lời.
Đại Úy Bình:
- Tôi vừa ra khỏi trại.
Máy bay L19:
- Tăng địch đã vào trại, đông như kiến.
Đại Úy Bình hét lên:
- Cho bom dập xuống.
Máy bay L19:
- Nhận rõ. Chờ xem.
Từng chiếc phản lực theo nhau bay đến. Lượn trên cao vì phòng không của địch như đan lưới. Những cánh chim bằng của Không Đoàn Biên Trấn đã từng vào sanh ra tử nên biết bao kinh nghiệm. Những chiếc phản lực nối đuôi nhau chúi xuống. Những tiếng nổ rung chuyển cả một vùng đồi núi. Lệ Khánh chìm trong biển lửa.

Đại Úy Bình gọi L19 nhờ dẫn đường. Không nghe trả lời, nhìn lên, thấy máy bay đã trúng đạn đang bốc cháy. Một cánh dù bung ra. Cầu cho anh đừng rơi vào tay địch. Ngày hôm sau, khoảng 4 giờ chiều, cánh của Thiếu Tá Chuyển và cánh của Đại Úy Bình gặp nhau. Họ mới rời Lệ Khánh được chừng 5 cây số. Địch bám theo sát, vừa đi vừa đánh. Đàn bà và trẻ con di chuyển rất chậm. Trẻ con khóc to nên bị địch theo hoài. Còn chừng hai cây số nửa mới đến sông Poko. Thiếu Tá Chuyển ra lệnh đi tiếp và nói với Đại Úy Bình:
- Anh vẫn theo hướng Bắc và giữ mặt Bắc cho tôi.
Hai cánh chia tay. Vừa đi chừng 500 thước thì Đại Úy Bình nghe bên cánh của Thiếu Tá Chuyển có tiếng súng nổ rền. Đại Úy Bình chụp máy hỏi:
- Anh đụng nặng không?
Thiếu Tá Chuyển:
- Tôi bị tụi nó vây rồi.
Đại Úy Bình:
- Cần tôi tiếp không?
Thiếu Tá Chuyển:
- Không. Dẫn anh em đi đi.

Sau đó Đại Úy Bình không còn liên lạc được với Thiếu Tá Chuyển nữa. Và bây giờ cánh của anh bị chận đánh. Hình như ở đâu cũng có địch. Anh dàn quân, vừa đánh vừa di chuyển. Ra tới bờ sông Poko, gặp lúc mùa khô, nước cạn ngang ngực. Cả đoàn người cố băng qua sông. Đại Úy Bình cùng với một toán còn đứng lại trên bờ đánh cản hậu. Một người đàn bà Thượng đai đứa con trước ngực trúng đạn nằm chết bên bờ sông, đứa bé vẫn còn ngậm vú mẹ mà bú sữa. Cái hình ảnh đó làm cho người chiến sĩ kiên cường như Đại Úy Phan Thái Bình cũng thấy tim mình se lại. Anh ra lệnh cho một người lính Thượng ẵm đứa bé đưa qua sông, tìm cách gửi vào một làng Thượng gần đó. Địch đuổi tới, dàn súng cối 61 ly trên bờ bắn như mưa xuống đoàn người đang vượt qua. Sông Poko không dậy sóng, mà nước sông Poko chỉ nhuộm đỏ bởi máu của đàn bà và trẻ con vô tội.

Bờ bên kia có căn cứ của Liên Đội 385 Địa Phương Quân. Đơn vị này yểm trợ cho đoàn người qua sông. Khi ra đi, cánh của Đại Úy Bình gồm có 360 người. Qua khỏi sông Poko, chỉ còn 97 người. Phần thất lạc, phần chết, phần bị địch bắt. Đại Tá Đương, Đại Tá Thìn và Tướng Bá đã đợi sẵn. Đại Tá Đương ôm chầm Đại Úy Bình an ủi và ngạc nhiên khi thấy anh vẫn mang lon Trung Úy. Đại Úy Bình giải thích:
- Cặp lon rơi giữa hàng rào nên không lấy ra được.

Đại Tá Thìn đích thân mở một lon nước ngọt cho Đại Úy Bình, và mọi người vào Trung Tâm Hành Quân nghe Đại Úy Bình thuyết trình diễn tiến trận đánh Lệ Khánh, cùng chỉ rõ những đường nào mà chiến xa của địch có thể tiến vào Kontum. Sau đó Đại Tá Đương gắn lon cho Đại Úy Bình và ra lệnh cho xe đưa 97 người về Kontum, nhưng Đại Úy Bình thỉnh cầu:
- Tôi và các anh em xin ở lại đây vài hôm nữa để chờ đón những người thất lạc. Tôi tin tưởng thế nào cũng có người trở về được.

Những ngày kế đó, bên bờ sông Poko, từ sang khi trời còn mờ sương cho đến tối khi sương mù lại xuống dày đặc, một người đứng bên này nhìn qua bờ bên kia để mong ngóng, mặc cho pháo của địch từ bên kia bắn qua. Đại Úy Phan Thái Bình vẫn kiên nhẫn đứng chờ trong sương lạnh. Đã ba ngày qua, nhưng anh tin rằng thế nào cũng đón được anh em. Khi bóng đêm buông xuống, Đại Úy Bình nghe có tiếng nước khua động, có người đang lội qua sông. Một, hai, rồi ba, rồi bốn… Đại Úy Bình nép mình sau gốc cây, chờ cho mấy bóng người vừa lên bờ, hỏi nhỏ:
- Biệt Động Quân?
Mấy cây súng châu lại định bắn, nhưng tiếng nói quen qua, một người hỏi lại:
- Đại Úy hả?
Đại Úy Bình bước ra. Hai bên chạy ào đến ôm nhau. Một người với giọng còn xúc động:
- Em tưởng Đại Úy chết rồi. Núp trong rừng, nghe tụi nó đi ngang nói chuyện với nhau: “Đã giết được tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó ác ôn rồi”.
Người này là hạ sĩ quan Truyền Tin của Thiếu Tá Bửu Chuyển. Anh kể:
- Thiếu Tá bị thương. Chúng bắt dẫn đi, ông không chịu đi, bị chúng bắn chết tại chỗ.
Khi địch lục ba lô trên xác một người lính, thấy bộ đồ trận có gắn lon và bảng tên của Đại Úy Bình và khuôn dấu của tiểu đoàn, nên tưởng tiểu đoàn phó cũng đã tử thương.
Gọi báo tin cho Đại Tá Đương ở Kontum, Đại Úy Bình nghẹn ngào:
- Bửu Chuyển chết rồi.
Đại Tá Đương sững sờ, ông hy vọng Bửu Chuyển sẽ về. Nhưng bây giờ ông biết, ông đã mất đi một sĩ quan ưu tú, gan lì nhất trong binh chủng.

Tháng 4 năm 1975, Đại Tá Nguyễn Văn Đương chung số phận với những đồng đội của mình. Sau 13 năm tù cải tạo, ông cùng gia đình đến Hoa Kỳ ngày 26 tháng 5 năm 1992 trong đợt HO10, hai tuần trước ngày tác phẩm “Dai Uy” đưa đến nhà in. “Dai Uy” là cuốn hồi ký dày gần 300 trang của Trung Tá hồi hưu James E. Behnke, viết về cuộc chiến đấu anh dũng của Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà hồi đó, Đại Úy Nguyễn Văn Đương là Tiểu Đoàn Trưởng, và Đại Úy James E. Behnke là cố vấn của tiểu đoàn. Cho đến năm 1992, hai người bạn cũ mới gặp lại nhau, hai người vẫn gọi nhau một cách thân mật là Đại Úy như ngày nào còn bên nhau, cùng vào sinh ra tử.











Thursday, October 25, 2012

Sơn Cowboy



Quen biết anh Sơn đã lâu, nhưng lại có cái duyên nợ vào lúc cuối đời, thập niên 80, vừa ổn định xong công ăn, việc làm và nơi định cư, thời gian này computer IBM mới bắt đầu xuất hiện, XT computer với hard drive 10 hoặc 20 megabyte và tốc độ 6 họăc 8 megahertz, computer được bán bằng nhiều bộ phận rời và người ta mua về gắn vào tùy theo sở thích và những công việc xử dụng thích hợp, mỗi tuần những phiên chợ trời bán những vật dụng này ở Los Angeles County Fairground gần Riverside, anh Sơn mua những surplus display lọai LCD phế thải, và những bộ phận rời của computer và mướn một cái bàn rồi đứng bán tại khu chợ trời này, vì trời nắng nóng gay gắt nên anh thường đội nón vành rộng lọai thường thấy trong những phim cowboy hoang dã miền tây của Hoa Kỳ, anh có bộ râu lãng tử và một nụ cười thật dễ thương, hầu như mỗi tuần, họặc cách tuần tôi đều ghé khu chợ trời này và hầu như lúc nào cũng gặp anh, phải nói anh là người cần mẫn và rất thưởng thức với lối kinh doanh mới mẻ này, một thời gian sau kỹ nghệ IBM Computer tiến triển nhanh và số người buôn bán càng ngày càng đông đảo và tạo thêm khó khăn cho việc cạnh tranh anh dọn về một nhà kho ở quận Cam và làm việc tại đây, bẵng đi một thời gian thật lâu, gặp lại anh trên khu Bolsa, nay anh đã trở thành một người vô gia cư (homeless) và vẫn nụ cười ấy, vẫn lối sống ung dung như ngày nào còn huy hoàng, trên vai lúc nào củng có một cái túi lọai backpack mà các em học sinh thường dùng, trong đó có nhiều đồ vật lỉnh kỉnh, nhưng không bao giờ thiếu một cái máy chụp hình, lọai đắt tiền ngày xưa và nay đã cũ đi và trầy trụa theo năm tháng, thấy tôi anh luôn mừng rỡ và ghé vào quán cà phê hút vài điếu thuốc hoặc uống một vài ly nước trà, có lần anh em mời cafe anh từ chối và xin một ly beer và từ giã ra đi, không biết anh đi đâu? và ở nơi nào?, tôi củng chẵng buồn hỏi thăm. 
Có khi một thời gian khõang chừng 6 tháng hay một năm mới gặp một lần, tôi hỏi anh đi đâu lâu nay? anh bảo: anh vừa San Jose về, anh ở với đứa con trai nhà có đầy đủ tiện nghi, nhưng anh lại thích sống cuộc đời lãng tử như thế này thoải mái hơn, rồi anh tiếp tục đi homeless.
Một hôm tôi nhận được điện thoại của một người phụ nữ, cô tự giới thiệu là bạn gái của anh Sơn và đồng thời cô cũng thông báo anh Sơn đã mất cách đây 7 tháng, xác anh được quàng ở County Laguna Beach và mãi đến hôm nay họ mới kiếm được người thân để thông báo cho cô vì trong túi anh Sơn có địa chỉ và số phone của cô, nhưng vì cô đã đổi địa chỉ từ lâu vì thế cho đến hôm nay họ mới tìm ra người thân.
Với tâm sự và lời nguyện ước lúc sinh thời, anh ước ao sau này anh mất đi, anh muốn có một tang lễ với lễ phủ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và anh mặc quân phục cho anh lúc mai táng, bộ Quân Phục của Quân Chủng không quân QLVNCH, chỉ vì muốn kiếm cho anh Sơn bộ quân phục và cô đã hỏi thăm anh em Cựu Quân nhân trong vùng cho số điện thoại, cô liên lạc với tôi, không ngờ tôi và anh Sơn đã quen nhau từ trước. Tôi hướng dẫn cô liên lạc với tiệm bán quân phục QLVNCH của anh Vũ Hưng để cô có thể mua cho anh một bộ đồ bay, nón. Tôi vội vàng post tin buồn thông báo trên các diễn đàn và trên internet, cũng như chuẩn bị làm tang lễ cho anh vào cuối tuần, sau khi post tin trên net chỉ trong vòng 24 giờ, các con anh đã liên lạc được và các cháu đã lo lắng mọi chi phí cho nhà quàn, khi biết tôn giáo anh Sơn là Phật Giáo và tôi liên lạc chùa Bát Nhã và được 2 sư Cô tình nguyện tụng kinh cho anh, trong tang lễ tại Peek Family Westminster, California.
Hôm Tang Lễ và Lễ Phủ Kỳ số người tham dự thật đông đảo và đặc biệt có rất nhiều nguời thành đạt tại Quận Cam đến tham dự đám tang, hỏi ra mới biết đa số những người này anh đã giúp đở trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến ra khỏi vòng lửa đạn hiểm nguy.
Trong những tháng ngày cuối tháng 3 năm 1975 trước khi Đà Nẵng thất thủ, anh giúp lập danh sách một số người di tản tại phi trường này và một tháng sau đó, chuyến di tản cuối cùng tại Sài gòn, anh cũng đã giúp thêm một số người khác nữa, di tản cuối cùng tháng Tư năm 1975 của cuộc chiến Việt Nam, ra khỏi Phi trường Tân Sơn Nhất và một số đã có mặt trong đám tang hôm nay, một số khác cùng là chiến hữu của anh, anh gốc là thông dịch viên và phục vụ trong quân chủng Không Quân, sau này anh làm việc với Air America (CIA) và về sau cơ quan này thuộc về Macv-sog và làm việc song song với Sở Không Yểm thuộc Nha Kỹ Thuật anh thường kể lại những chuyến bay quan sát cùng những nhân viên CIA vào những ngày đầu khi Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ với những công tác tại Nam Lào, những chuyến bay theo dõi những hoạt động Cộng Sản xâm nhập trên đường mòn Hồ Chí Minh dọc Trường Sơn và những lối sống bạt mạng vào sanh ra tử thời bấy giờ. 
Anh sống cuộc đời homeless và ít ai biết nơi sinh sống của anh, sau này mới biết anh sống trong một chiếc xe bus bỏ hoang trong khu vực phía sau đường Bolsa, tuy vô gia cư nhưng anh luôn có khí khái không bao giờ xin xỏ ai tiền bạc, họăc than vãn bất cứ điều gì, thậm chí đôi khi anh tự hào về cuộc sống của mình, anh cũng thường nói về cái "ngã" của cuộc sống, chính anh không ham muốn những vật chất và chấp nhận sống homeless vô gia cư và vì vật chất là những thừa thải không cần thiết đối với anh, đôi khi anh cười mĩa mai những hạng người mới có chút đỉnh tiền bạc hoặc địa vị giả tạo, khi chỗ đông người oang oang ta đây và chìa cho anh vài chục bố thí, anh không bao giờ nhận và luôn từ chối khéo, đôi khi trong quán cafe anh biết không có bán beer và chỉ nhắc khéo, nếu có beer cho 1 chai là vui rồi, có lần anh ghé tai tôi nói nhỏ, mấy đứa này tụi nó chỉ có bề ngòai, nợ nần thiếu tùm lum, lường gạt nhau để mà sống, lời nói nghe từ một người homeless thật chí lý.
Đám tang anh chúng tôi thực hiện đúng theo ước nguyện của người quá cố, nghi thức làm lễ phủ quốc kỳ VNCH và nghi thức tôn giáo thật đầy đủ và ấm cúng, thậm chí 2 sư cô tụng kinh cho anh lúc xong nghi lễ, cô cho biết lúc tụng kinh cô cảm nhận và truyền đạt đến người quá cố, cô cảm thấy toại nguyện vô cùng, mong anh được siêu thóat và các cô rất hân hoan tụng kinh cho một người vô gia cư và có một cuộc đời thật trầm luân, rất đông những chiến hữu những thân hữu và những người mang ơn của anh, mà giờ này có người đã là những người giàu có và nổi danh tại Hoa Kỳ.
Đám tang anh đầy đủ các con cháu, người thân, chiến hữu, thân hữu thật là ấm cúng trên đường về nghĩ đến cuộc đời phù du, anh nằm xuống một nơi nào đó không ai hay biết, không người thân, xác nằm trong phòng lạnh tại County Laguna hơn 7 tháng trời, đời sống, thế nhân, nhớ lại những gì anh hay tâm sự lúc còn sống, cái “ngã” chính anh cảm nhận và cái phù du của những người chung quanh. Đối với anh tất cả đều tầm thường và đi qua như một giấc mơ, riêng nụ cười hồn nhiên và nét mặt bình thản của anh đã hằn lưu lại trong tâm tưởng của những người từng biết và quen anh.
                                           biết em chờ nơi chùa cũ
                                        lắng tìm trong mỗi tiếng chuông
một cánh phù du đang ngủ
đem về hơ ấm mù sương

có tiếng chuông nào tím vọng một đời thương
chiều Thiên Mụ em núp vào mây khói
lời yêu chợt buồn như tiếng xưa ai nói
(sợ tình mình như cánh trắng phù du)


 
anh ngủ vùi trong tiếng chuông Thiên Mụ mùa Thu
tiếng kinh cầu cho đời thôi bớt khổ
em có về nhặt bông sứ trắng màu siêu độ
mai anh chết rồi ai đứng đợi với mưa ngâu?

 
Đức Phật chết rồi nên mình chẳng thể qua kiếp bể dâu
có được không cánh hoa rơi về cành cũ?
anh đếm từng hạt mưa biết mùa Đông xưa không ngủ
bông sứ rụng trải lối đưa em về cõi trắng hư vô

 
điệp khúc kinh cầu kinh khiếp đời cát bụi phai phôi
cố chấp với niềm đau anh không sao hiểu được
tình ngược Kim Long duyên nỡ xuôi về Đại Lược
thuyền anh lên ngàn thuyền em nỡ xuống bể khơi
 
anh tìm em như tìm câu hát à ơi
nụ tầm xuân nở xanh câu thề hư ảo
em như tiếng kinh cầu cuối cùng giữa cuộc đời giông bão
anh mê sảng rồi đành làm người đi vớt phù du...
 
(mai anh hóa kiếp chuông chùa
để em cánh trắng phù du ngủ vùi...)
             Tấn Nguyễn Hữu




Kẻ chiến thắng

 Vào thời võ sĩ Đạo tại Nhật, có một kiếm khách nổi tiếng với đường kiếm tuyệt luân của mình. Ngoài ra, Ông còn có tài đánh cờ thuộc hàng thượng thặng.

Sau một quãng đời tung hoành ngang dọc trong chốn giang hồ, vị kiếm khách này đã ngộ ra lý Thiền nên đã “rửa tay gác kiếm”, khoác áo tu hành.

Qua nhiều năm dài tu hành tinh tấn, Ông đã trở thành một Thiền Sư được nhiều người biết đến về đạo hạnh.

Trong suốt thời gian đó, Ông cũng đã đem hết tâm huyết ra để nâng khả năng về Kiếm và Cờ của Ông lên hàng Kiếm Đạo và Kỳ Đạo.

Vì vậy, tên tuổi của Ông ngày càng thêm lừng lẫy.
Nhiều người đã đến xin học đạo với Ông và do đó Ông đã có nhiều môn đệ.

Một ngày kia, có một chàng thanh niên đến ra mắt Ông để xin theo học Đạo. Vị Thiền Sư đã nhìn kỹ chàng thanh niên và nói :
- Ta chỉ nhận làm đệ tử những ai có đạo hạnh cao hoặc có khả năng khá về Kiếm hoặc Cờ. Ngươi tự xét thấy có khả năng nào trong các thứ ấy để có thể được ta thu nhận đây?

Sau một thoáng suy nghĩ, chàng thanh niên vội đáp :
- Con có khả năng chơi Cờ; mặc dù không phải là hạng cao thủ nhưng con cũng đã từng hạ nhiều tay chơi Cờ giỏi có hạng.

Liền đấy vị Thiền Sư lại hỏi :
- Vậy, bây giờ ngươi có muốn thi đấu về Cờ không?
- Dạ, thưa ! Con muốn thử. - Chàng thanh niên đáp.

Nghe vậy, vị Thiền sư vội đi vào phía sau Thiền viện và trong khoảnh khắc lại trở ra với một thiền sinh.

Đó là một nhà sư đã có tuổi vẻ mặt hiền lành, phúc hậu và là một trong những thiền sinh rất giỏi về Cờ trong Thiền viện.
Sau khi giới thiệu thiền sinh này với chàng thanh niên để thi đấu với nhau, ông đã nghiêm nghị nói:
- Trước khi bắt đầu cuộc đấu, Ta cần phải nói rõ: đây sẽ là một ván cờ “sinh tử”, người thua cuộc sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của ta. Các ngươi có đồng ý nguyên tắc này không?

Cả hai đều tỏ vẻ đồng ý và ngồi xuống chiếc bàn có đặt sẵn bàn cờ để bắt đầu thi đấu, trong khi vị Thiền sư đặt thanh kiếm trên chiếc bàn nhỏ trước mặt rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên để giám sát cuộc đấu.

Thoạt tiên, khi bắt đầu cuộc đấu cả hai đều rất thận trọng khi đi cờ như để dò ý và tìm hiểu về khả năng cũng như lối chơi cờ của đối phương.

Khoảng một lúc sau, với những bước vững chắc về thủ và linh động về công, vị thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào trạng thái bị động, phải lui về thế thủ.
Chàng thanh niên đã tỏ ra bối rối trước sự tiến công dũng mãnh của đối phương.
Chàng bỗng đâm ra lo ngại là không những sẽ bị thua cuộc và mất dịp được theo học Đạo mà còn bị mất mạng nữa. Do đó, chàng ta cố vận dụng trí óc để moi ra từ ký ức những thế cờ đã từng đánh và từng học được trước đây để mong chận bớt những nước cờ tấn công rất hiệu lực của đối phương.

Nhưng chàng ta chẳng nhớ ra được điều gì có thể xử dụng để thay đổi tình thế.
Trong cơn lo lắng miên man, bất chợt chàng có ý nghĩ: hay là xử dụng những nước cờ “liều”, biết đâu sẽ chẳng có kết quả tốt.
Nghĩ xong chàng liền áp dụng ngay.

 



Đang ở trong thế thủ, bỗng bất thình lình chàng vùng lên tấn công quyết liệt. Những nước cờ “liều mạng” của chàng vừa đánh ra chẳng có một quy tắc căn bản nào cả, chỉ toàn là những nước cờ “thí” không ai dám sử dụng hay nghĩ đến trong khi chơi Cờ, nhất là trong một ván cờ sinh tử như thế này. Chỉ trong vài nước, thế cờ liều đột nhiên có kết quả. Nước cờ đang ở vào thế thủ bỗng chuyển sang thành thế công, bắt buộc đối thủ phải lui về chống đỡ.

Người thiền sinh cao cờ giờ đây bị đưa vào thế bị động vì những bước đi cờ lạ lùng, kỳ dị không thể tiên đoán được của chàng thanh niên liều mạng này.
Chàng thanh niên đang ở vào thế “thượng phong”, chàng tấn công tới tấp để mong chiến thắng. Trong lúc hăng say để đạt chiến thắng đó, từ trong nội tâm của chàng bỗng nổi lên ý nghĩ:
“Hôm nay, đến nơi này để xin học Đạo, phải đánh ván Cờ “sinh tử” để được nhập môn, rồi trong lúc nguy khốn vì bị tấn công dồn dập đã phải dùng thế cờ “liều mạng” để chuyển bại thành thắng, đưa đối phương vào thế thúc thủ. Trong chốc lát đây ván cờ sẽ kết thúc, người thiền sinh phúc hậu kia sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của Thầy. Người Thiền sinh đã mất gần suốt cuộc đời để học Đạo, tu hành tinh tấn, có được đạo hạnh cao; nay lại phải trở thành “cây thước” để đo tài người đến xin học Đạo, để rồi phải bỏ mạng vì kết quả của ván cờ. Thật là oan uổng...”

Trong khi những ý niệm đó hiện ra và đưa chàng thanh niên vào suy tư thì nước cờ của chàng đang đi bỗng nhiên có vẻ chậm lại và mất phần kiến hiệu.

Và vì vậy, chỉ trong năm, ba nước cờ nguời thiền sinh đã tiến dần đến thế quân bình, rồi trong khoảnh khắc đã nắm lại được thế chủ động.
Bây giờ đến lượt chàng thanh niên mất thế “thượng phong”.

Chỉ thêm vài nước, người thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào thế gần như không có lối thoát.

Nhưng bất chợt, đột nhiên thế cờ của người thiền sinh bỗng như chậm lại và có vẻ hòa hoãn, ngập ngừng trong khi thế cờ của chàng thanh niên lại có phần chần chừ, bất định.

Do đó, ván cờ đang ở vào giai đoạn sắp kết thúc bỗng nhiên như dừng hẳn lại.
Nhưng cuối cùng, dù muốn dù không, ván Cờ cũng phải đi đến chỗ kết thúc. Vì vậy, người thiền sinh nhân hậu kia bắt buộc phải ra tay hạ thủ để kết thúc ván Cờ. Thế thắng, bại đã hiện ra trước mắt.

Đột nhiên, vị Thiền Sư bỗng vụt đứng phắt dậy, hét lên một tiếng thật to và rút kiếm ra khỏi vỏ.

Mũi kiếm được chĩa ngay vào đỉnh đầu của chàng thanh niên. Nghe tiếng hét của Sư phụ, người thiền sinh vội cúi đầu, chấp tay niệm Phật.

Với một đường kiếm tuyệt luân và thần tốc không thể ngờ được, thoáng một cái lưỡi kiếm của vị Thiền sư đã cạo nhẵn mái tóc trên đỉnh đầu của chàng thanh niên.

Giờ đây, trông chàng thanh niên chẳng khác nào một người vừa được “thí phát” để “quy y”.
Và vị Thiền sư đã cất tiếng nói với chàng thanh niên:
- Hôm nay, ta chính thức nhận con làm môn đệ.

Ván Cờ đã kết thúc trước khi nước cờ cuối cùng được đánh ra để quyết định việc thắng bại mà chiến thắng đang nằm trong tay của vị Thiền sinh nhân hậu.
Là một bậc Thầy về Kiếm và Cờ, vị Thiền sư trong khi ngồi giám sát cuộc thi đấu đã thấy và hiểu rõ khả năng và lối chơi Cờ của đôi bên.

Ngoài ra, là một Thiền sư đắc đạo, Ông đã đọc được từng tâm niệm khởi nghĩ của hai kẻ ngồi trước mặt, nên hiểu được tánh ý, đức hạnh của người môn đệ của mình và thấy rõ tâm hạnh của người thanh niên xa lạ kia; sau cùng Ông đã đi đến quyết định. Dưới mắt vị Thiền sư: ván cờ đang sắp sửa được kết thúc mà phần thắng lợi đang nghiêng về phía người thiền sinh, môn đệ của Ông, nhưng chàng thanh niên lại là kẻ chiến thắng.

Chàng trở thành kẻ chiến thắng vì đã đánh bại được cái ước vọng nhiều tham muốn và lòng háo thắng của chính mình, dẹp bỏ được cái “ngã” riêng tư để nghĩ đến người mà không màng đến sự an nguy của chính bản thân.

Chàng đã tự chiến thắng mình bằng lòng nhân ái.

Chàng thực sự là một kẻ chiến thắng trong một chiến công vô cùng oanh liệt và quả cảm đúng như lời dạy của Đức Phật: “Chiến thắng oanh liệt và dũng cảm nhất mà không gây đổ máu và thù hận là tự chiến thắng bản thân mình”.

Chàng thanh niên thật vô cùng xứng đáng được thu nhận để bái sư học Đạo và có cơ duyên để trở thành huynh đệ với người thiền sinh nhân hậu kia

Monday, October 22, 2012

Lính Biệt Kích


Nguyen ngoc Hanh

Hồi mặt trận An Lộc, báo chí có nói tới hai câu thơ của cô giáo Pha viết trên bức tường của một ngôi trường bị bom đạn đã làm đổ xụp:

-An Lộc địa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân
Tôi tuy cũng là quân nhân đối diện với cái chết thường xuyên, nhưng với những Binh chủng oai hùng như BĐQ, Nhảy Dù hoặc TQLC thì lòng rất ngưỡng mộ; còn về Biệt Cách Dù thì cũng từng nghe thấy báo chí đề cập tới Liên Đoàn 81, nhưng cũng không biết đơn vị này thuộc lực lượng nào và do ai chỉ huy, đóng quân ở đâu v v...
Hồi qua núi Sơn Chà, Đà Nẵng đi đổ toán thì chỉ biết tại đây có trại Lôi Hổ, họ ăn mặc quần áo kaki Nam Định của lính chính quy BV, trang bị AK báng xếp, những toán viên mặt lạnh như tiền, ngồi im lìm không hề gợi chuyện với ai, kể cả với phi hành đoàn.

Rồi cách đây gần 10 năm, khi tôi đang đổ lại miếng cement đằng trước nhà, thì thấy có ba người trạc bằng tuổi tôi, mà lại đi với mấy bà vợ, nhòm nhòm ngó ngó như muốn tìm nhà để mướn, nên tôi chào hỏi. Họ cũng đứng lại nói dăm ba câu chuyện và tỏ thực là dân HO mới qua, giờ sống chung trong căn Apartment chật chội quá, muốn đi thuê căn nhà cho thoải mái hơn.
Tôi hỏi các anh bị tù bao lâu. Họ đáp có người 20 năm, có người 30 năm. Tôi ngạc nhiên hỏi vặn, vậy chớ các anh cấp cao lắm hay sao mà ở lâu vậy? Họ nói là bị ở lâu là vì bị bắt ngoài Bắc hồi năm sáu mấy mà đến gần cuối thập niên 90 mới ra.
Sau cùng tôi mới vỡ lẽ là họ thuộc toán nhảy ra Bắc.
Vì công việc cũng đang cần người, nên tôi có nhận một anh đi làm chung. Nghe nói về quá khứ của anh, người bạn tôi cũng kể là hồi xưa anh ta là HSQ đi học lớp Truyền Tin, trong đó có một Nữ Quân Nhân, sau này cô ấy nhảy toán ra Bắc và bị bắt ở ngoài đó.
Anh Bạn Biệt Kích trầm ngâm rồi nói rằng:
-Không có đâu anh. Nhiều người thuộc lực lượng khác, có khi họ chỉ nhảy trong nội địa hoặc qua bên kia biên giới Miên, Lào. Những toán nhảy Bắc tôi biết tên hết vì bị nhốt chung với nhau khá lâu, mà khi huấn luyện ở căn cứ Long Thành thì cũng biết nhau nữa. Nữ toán viên không có người nào đâu, và nếu có cũng không có ai bị bắt.

Sau này tôi đọc bài viết của ông Phan Lạc Phúc, có đề cập tới Người tù Kiệt Xuất Đ/uy Nguyễn Hữu Luyện cũng nhảy toán ra Bắc rồi bị bắt.
Tôi tìm hiểu qua anh bạn tôi, nhưng anh chỉ là một toán viên thường nên kiến thức tổng thể về đơn vị không có nhiều, vì thế tôi vẫn còn mù mờ về lính Biệt Kích.
Cho đến hôm nay, nghe anh Lôi Hổ Nguyễn Hữu Thọ kể lại, tôi mới biết nhiều về lực lượng này.
Lực Lượng Đặc Biệt được thành lập thời cố TT Ngô Đình Diệm, mang một cái tên rất hiền lành là Sở Khai Thác Địa Hình do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy, nhưng đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của TT hoặc ông Ngô Đình Nhu. Trong cơ cấu tổ chức của sở thì có phòng E hay phòng 45 đặc trách nhiệm vụ tình báo bên kia vĩ tuyến 17 thường được gọi là Sở Bắc. Toán ra Bắc thường là ba bốn người, nhưng cũng có những toán một người về qua ngả chính thức từ Lào, Miên hay Pháp ... dưới vỏ bọc là Việt Kiều.

Đầu năm 63, Sở Khai Thác đổi thành Bộ Tư Lệnh LLĐB với hai Liên Đoàn 77 và 31. Sở Bắc vẫn duy trì và phối hợp với Toà Đại Sứ Hoa Kỳ.
Chính biến 1-11-63 xẩy ra và Đại Tá Tung bị giết chết vì không chịu phản bội TT Diệm. Sau đó Bộ Tư Lệnh LLĐB bị chuyển ra đóng ở Nha Trang.
Sở Bắc được tách ra khỏi LLĐB lấy tên là Sở Khai Thác đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu. Chỉ Huy Trưởng là Đại Tá Trần Văn Hổ và các Cố Vấn Mỹ của MACV.
Cùng thời gian này Sở Liên Lạc được thành lập với nhiệm vụ hoạt động xâm nhập ngoại biên trên đất Lào và Campuchia. Các toán Thám Sát được gọi là Lôi Hổ (Thundering Tiger). Chỉ Huy Trưởng của SLL là Đại Tá Hồ Tiêu và đơn vị đóng gần sân banh Quân Đội cạnh bộ Tổng Tham Mưu.
Tóm lại, Sở Bắc (Sở Khai Thác) là toán Biệt Kích nhảy ra ngoài Bắc, Sở Liên Lạc là toán Lôi Hổ nhảy qua Lào và Miên. Cả hai Sở này thuộc Nha Kỹ Thuật, Bộ TTM.
Còn Biệt Kích Delta cũng là toán LLĐB, nhưng nhảy trong nội địa.

Lôi Hổ (Sở Liên Lạc) có 3 chiến đoàn:
-CĐ1 Xung Kích CCN đóng tại núi Sơn Chà ngay cửa biển Đà Nẵng gần đài Kiểm Báo Panama .
-CĐ2 CCC (còn gọi là B15) đóng tại Kontum, bên kia sông Dakbla.
-CĐ3 CCS (gọi là B50) đóng tại Ban Mê Thuột.
Mỗi Chiến Đoàn chỉ có 1 Đại đội Thám Sát với 10 hay 12 toán, 1 ĐĐ An Ninh, 3 ĐĐ Trừ Bị.
Toán Thám Sát có 10 hay 12 người gồm 1 SQ Toán Trưởng, 1 HSQ Toán Phó và 10 Biệt Kích Quân. Ngoại trừ SQ và HSQ cán bộ là quân nhân QLVNCH, có số quân đàng hoàng, với Chứng Chỉ Tại ngũ, còn Biệt Kích quân là dân địa phương, có khi là hồi chánh viên đầu quân vào mà người ta thường hay gọi là Biệt Kích Mỹ, vì họ không thuộc QLVNCH và do Mỹ trả lương.
SQ và HSQ lãnh theo bảng lương tương đương với lính Nhảy Dù vì có thêm phụ cấp Bằng Dù và mỗi lần nhảy toán thì có lãnh Công Tác Phí, tôi nhớ là gộp chung lại thì khoảng gấp hai lương người cùng cấp bực bên Bộ Binh.
Ngay cả Phi Hành Đoàn KQ như máy bay quan sát O1, O2, L17 hay Trực Thăng H34 của PĐ 219 cũng đều lãnh công tác phí 3000$/1 lần vượt biên giới. Như vậy PHĐ Trực thăng vừa thả và bốc toán thì được 6000$. Chính vì vậy mà họ sống rất đế vương, binh xập xám không cần đếm tiền mà đo bằng lóng tay, và nói "Thời giờ là cờ bạc".
 

Đến năm 1971 thì sự yểm trợ của Mỹ giảm bớt rất nhiều nên LLĐB giải tán
TT Thiệu ra lệnh cho Nha Kỹ Thuật gom lại thành những sở sau đây:
-Sở Liên Lạc
-Sở Không Yểm (liên quan đến KQ)
-Sở Phòng Vệ Duyên Hải (HQ và Biệt Hải)
-Sở Tâm Lý Chiến (Đài Phát Thanh Mẹ VN và Đài Gươm Thiêng Ái Quốc)
-Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng (Long Thành)
-Sở Công Tác gồm Đoàn 11 và 68 đã có từ trước và khi LLĐB giải tán thì lập thêm Đoàn 71, 72 và 75.

Bây giờ tôi xin nói về Biệt Cách Dù:
-Trước Mậu Thân 1968 LLĐB có 1 Tiểu Đoàn mang tên là 81 Biệt Cách để yểm trợ hành quân cho các toán Delta. TĐ này hoàn toàn là lính QĐVNCH chứ không có CIDG (Dân sự chiến đấu do Mỹ trả lương). Khi các toán Delta đi nhảy toán khám phá ra sự chuyển quân, nơi đóng quân hay kho tàng của VC thì thường gọi KQ đến thanh toán, nhưng cũng đôi khi cần đến lực lượng bộ chiến thì đã có đơn vị Biệt Cách Dù này. Họ chiến đấu dũng mãnh còn hơn Tổng Trừ Bị nữa.
Hồi Mậu Thân, vị TĐ Trưởng BC 81 là Th/t Tú đã tử trận.
Sau 1970, LLĐB giải tán, các căn cứ LLĐB dọc biên giới đổi thành Tiểu đoàn BĐQ Biên Phòng, còn các căn cứ sâu trong nội địa chuyển qua Địa Phương Quân trực thuộc Tiểu Khu của Tỉnh sở tại.
Các SQ và HSQ kỳ cựu danh tiếng hầu hết được rút về Phòng NKT, hoặc BĐQ còn thì về BCD hết.
Lúc này TĐ 81 BCD đã tăng quân số và trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, đổi huy hiệu của LLĐB từ con cọp nhảy qua dù thành con chim ưng lồng trong hình tam giác. Họ vẫn giữ bê rê nồi màu xanh, có dù màu đỏ. Những chiến sĩ này vì nhớ tới nguồn gốc đơn vị cũ nên vẫn còn mang trên vai áo huy hiệu LLĐB còn bên kia là BCD.
Như vậy LLĐB chính là tiền thân của BCD.

Bây giờ trở lại với các Chiến Đoàn Xung Kích của Lôi Hổ:
-CĐ1 thường nhảy qua vùng thượng Lào, từ Đông Hà theo đường số 9, bay ngang Khe Sanh mà vượt biên giới. Nơi đây đồi núi chập chùng nên khi đã nhảy xuống đất rồi thì di chuyển rất khó khăn. Các máy bay H34 cổ lỗ sĩ của Phi Đoàn 219 lại tỏ ra rất hữu hiệu, nhất là khi bốc hay đổ toán. Nó có động cơ nổ 10 máy nên chịu đạn "chì" hơn loại UH bán phản lực sau này. Thường thì sau khi đã có SQ Tiền Không Sát đi chụp hình bãi đáp ngày hôm trước bằng phi cơ quan sát, cả toán Lôi Hổ, CHT và Trưởng Phi cơ đã vào phòng thuyết trình Hành Quân, và khi đầy đủ TT Võ Trang hay khu trục hộ tống, thì 3 chiếc H34 sẽ vào vùng, họ bay rất cao và chiếc chở toán sẽ cúp ga, làm một cú lá vàng rơi xoắn ốc cho đến gần mặt đất mới tăng ga để đáp.
Làm Auto Rotation như thế thì mới tránh khỏi bị bắn rơi, nhưng tay Pilot phải rất giỏi và kinh nghiệm đầy mình.
Đổ quân vùng này thì ngoài sự đối đầu với cán binh BV, còn đôi khi phải chơi luôn cả phe Pathet Lào nữa.


Trong đó chỉ một số cách sinh tồn khi lạc vô rừng như phải nhận biết suối, trái rừng nào ăn đuợc, đủ thứ cách như hướng đạo cũng có.

KQ cũng có những khoá Mưu Sinh Thoát Hiểm và học y như Biệt Kích, khoá này học ở Nha Trang. Nó bao gồm cả việc bẫy thỏ, câu cá, ăn con cào cào, nhền nhện; cách làm sao nhúm lửa trong khu rừng ẩm ướt; làm sao giữ hơi ấm trong mưa lạnh để mình còn thân nhiệt.
Khi bị địch quân bắt thì phải làm thế nào, khi bị giải đi thì làm sao để trốn thoát; những thế võ cận chiến chỉ cần ra tay bất ngờ là địch chết liền, như đánh vào hạ bộ, chọc thẳng hai ngón tay vào mắt hắn, nghĩa là những thế võ không có tinh thần thượng võ hay Hiệp Sĩ gì nữa, mà chỉ làm sao hạ ngay đối thủ để thoát thân mà thôi.

Thí dụ một tên VC dẫn đầu, người bị bắt đang đi thứ hai và thứ ba, sau cùng là một tên VC nữa. Mình phải giả vờ bị trặc chưn đi chậm lại, thì người bạn mình đi phía trước sẽ có cơ hội trốn thoát bởi vì thằng đi đầu cứ chăm chú phía trước mặt mà thôi, lọt vào khoảng giữa thì chỉ việc vọt ngang mà thoát, mấy tên đi sau khi rượt lên tới tên đầu hàng thì mới biết. Lúc đó phe ta đã chạy xa rồi.

Cú lá vàng xoắn ốc là sao ? là bay chậm, vòng vèo ? rồi làm sao tăng ga khi gần đất, hay quá vậy ? vì tui tưởng gần đất, bắt buộc phải hạ ga chứ không đâm đầu xuống đất chết sao ?

Máy bay có cánh khi động cơ bị trục trặc mà không bị cháy hay nổ, nó có thể nương theo vận tốc mà lượn xuống như con diều hay máy lượn gliding, (dĩ nhiên rất nguy hiểm) còn trực thăng khi bị bắn trúng máy hay động cơ ho khục khặc, pilot phải làm cho động cơ rời nhông hộp số ra để cánh quạt trên lưng có thể quay tự do nên rớt xuống từ từ chứ không rơi như cục đất.
Tuy gọi là loại máy bay có thể lên hay xuống thẳng được, nhưng cứ đáp hay cất cánh tà tà kiểu đó trong mật khu thì Vẹm nó bắn cho bể đít. Khi còn tuốt trên mút mây xanh, ta cúp ga như thể cho máy tắt vậy, cánh quạt trên nóc (rotor) sẽ giảm sức nâng nên máy bay lượn xoắn ốc rơi vào LZ bãi đáp một cách êm ru không tiếng động Phuạch phuạch, nhưng nếu không lên ga mà hãm độ rơi thì chắc chắn là banh càng, xụm bà chè luôn.
Những toán Biệt Kích ra Bắc bằng Dakota C47 thì nhảy dù ra khỏi máy bay, còn Lôi Hổ, toán Delta thì nhảy "tay vo" nghĩa là còn cách đất vài thước là họ đã phóng ra hết trọi, nhanh như sóc. Vùng cây cối chớn chở thì họ du giây toòng teng, và khi đầu giây gần chạm đất là họ buông móc khoá cho tuột dần xuống, mau hay chậm là do bàn tay chỉnh độ nghiêng của sợi giây trước bụng.
Theo thường lệ thì toán Lôi Hổ chỉ có 6 người, có khi chỉ 4 người vì họ là thám báo, ghi nhận hoạt động của địch; phá hoại bằng mìn chứ không phải để chiến đấu nghênh cản. Lỡ mà có "tao ngộ chiến" thì họ cũng nổ súng trước rồi dọt liền.
Trong QLVNCH, họ là Binh chủng có số thương vong thấp nhất cũng vì lý do trên, cho dù nhiệm vụ rất nặng nề.
Ngoài ra họ còn là những người gan dạ, thông minh và được huấn luyện rất kỹ và cam khổ.
Trong quân đội Mỹ, Green beret, Navy Seals cũng là những chiến binh ưu tú nhứt.


Kontum: The Battle to Save South Vietnam


Nhân đọc cuốn sách: Kontum: The Battle to Save South Vietnam* của Thomas P. McKenna.

Song Vũ

(LTS. Song Vũ là bút hiệu của cựu Trung Tá Ngô văn Xuân, tốt nghiệp khóa 17VBQG, nguyên là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44BB. Đơn vị đã chiến đấu lẫy lừng để giữ vững thành phố Kontum mùa hè 1972)

Mới đó mà chiến trường Kontum cũng đã tròn 40 năm (1972-2012 ). Những ký ức về một cuộc chiến xưa thỉnh thoảng vẫn còn lẩn quất trong ký ức tôi mỗi khi gặp lại một đồng đội cũ hoặc đọc được một bài viết có liên quan đến địa danh này. Thật bất ngờ, tôi nhận được e-mail của nhà văn Phạm Tín An Ninh cho biết có một cố vấn Mỹ từng tham dự trận đánh Kontum viết lại trận đánh này. Phạm Tín An Ninh muốn tôi đọc xem những điều Mc Kenna viết và cho biết ý kiến. Vì những hạn chế về sức khỏe nên tôi hẹn với Ninh sẽ đọc khi có dịp. Thực tình trong thâm tâm, tôi vẫn muốn quên đi những kỷ niệm tuy hào hùng nhưng rất nhiều đau thương này. Mỗi khi nhớ tới các chiến hữu và đồng đội của mình đã nằm lại vĩnh viễn trên chiên trường mịt mù lửa khói bom đạn và tràn đầy xương máu ấy lại làm cho tôi xúc động bùi ngùi.

Rồi bỗng dưng tôi nhận được điện thoại của Nguyễn Tư Cao-- dịch giả của cuốn sách-- đồng thời cũng là một chiến hữu cũ của Trung đoàn 44 gọi tới. T.Cao cho biết anh đang chuyển ngữ cuốn sách “Kontum - The Battle to save SouthViet Nam” của McKenna và muốn tôi cho biết vài nhận xét về những điều Trung tá McKenna viết trong sách. Sau đó ít ngày anh gởi cho tôi bản thảo của cuốn sách anh dịch. Và tôi đã đọc bản dịch này trong tâm trạng hy vọng tìm lại được những hình ảnh trung thực của trận đánh, những diễn biến từ trước khi trận chiến thực sự bắt đầu vào ngày 13 và 14 tháng năm 1972 khi Mặt trận B3 chính thức khởi động cuộc tấn công vào Sư đoàn 23 BB đang phòng thủ Kontum.

Vì không thực sự theo dõi và hiểu biết gì về các trận đánh tại căn cứ Tân Cảnh, Đắc Tô của Sư đoàn 22, các trận đánh khác của các đơn vị nhảy dù và BĐQ trong thời gian từ đầu năm 72 tôi xin tập trung vào một phần của cuốn sách viết về Trung đoàn 44—là đơn vị tôi làm Trung đoàn Phó và trực tiếp tham dự trong suốt thời gian trận đánh và cả những năm sau đó (1973-75) với tư cách là một Sĩ quan Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn,( Hành quân / Huấn luyện ) và cuối cùng là một Trung đoàn Trưởng. Tôi sẽ lần lượt trình bầy về hai sự kiện được nêu trong cuốn sách trên.

1/ Tác giả viết “...một chiến sĩ bò ra khỏi nơi trú ẩn, nã một quả đạn M-72” (p.197 và 198). Thực ra chiếc chiến xa đầu tiên bị Trung đoàn 44 bắn hạ là chiến công của Đại úy Nguyễn xuân Hướng, Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 2/44. Anh bắn bằng một trái B40 ! Phải nói thêm là trong suốt thời gian hành quân tại An Khê và xa hơn chút nữa, khi Trung đoàn tổ chức các khóa huấn luyện diệt tank tại căn cứ Sông Mao, theo huấn thị của BTL/SĐ, các tiểu đoàn cơ hữu đều thành lập các toán diệt tank, mỗi đại đội tác chiến một toán gồm hai hoặc ba quân nhân được trang bị từ 2 tới 3 cây sung B40. Đây là các chiến lợi phẩm Trung đoàn tịch thu được trong các cuộc hành quân trước đó. Ngoài ra còn có các binh sĩ khác trong đại đội được trang bị bằng hoả tiễn mang vai M 72. Trong khi leo qua một vồng đất cao để tiến vào tuyến phòng thủ của ta, chiến xa địch đã bị Đại úy Hướng, lúc đó nằm gần đó, lấy cây súng B40 của một binh sĩ trong tổ chống tank, nhắm thẳng bụng chiếc xe để bắn tiêu hủy chiếc xe này. Xe này bị cháy nằm ngay trên tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn. Cũng chính hành động quả cảm này đã cổ võ tinh thần cho binh sĩ Trung đoàn trên toàn tuyến hăng hái tìm diệt thêm 6 chiếc khác trong cùng buổi sang hôm ấy. Điều này tôi có viết lại trong một bài báo khác khi tôi mới bước chân tới Hoa Kỳ vào năm 1993 với nhan đề “ Trung đoàn 44 trong mùa hè đỏ lửa tại Kontum.”

2/Tác giả viết “Một vài binh sĩ địch tìm đường về hồi chánh đã bị sát hại…..” (p.303). Đây là một điều hoàn toàn không chính xác. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc đó vào khoảng 9, 10 giờ sáng ngày 30 tháng 5. Sau nhiều lần tấn công thất bại của cộng quân từ hướng Bắc, Mặt trận B3 tung ra một hướng tấn công mới từ hướng Tây và Nam xuyên qua các đơn vị ĐPQ/ TK Kontum nhằm đánh thẳng vào mặt tiền của BCH/TRĐ lúc đó đang trú đóng tại Thành Dakpha, Bản doanh Biệt khu 24 trước đây. Đơn vị cộng sản tấn công là lực lượng của Sư đoàn 3 Sao Vàng từ Bình Định lên tăng viện. Đơn vị địch tràn qua Khu doanh trại Thiết giáp nằm ngay trước cửa toà nhà, phân cách bằng một con đường nhựa và một bãi cỏ khoảng chừng dưới 100 m. Chính tôi điều động Đại đội 44 Trinh sát của Trung úy Mạnh trực tiếp phòng thủ hướng này. Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 1/44 cũng đang tổ chức cuộc hành quân tảo thanh địch từ hướng Tiểu khu đi vào Trai thiết giáp. Đơn vị này cũng đang chạm địch. Lực lượng của địch đang bị kẹt giữa hai hướng Nam và Tây, chưa kể hướng Bắc, cách đó một cây số, là tuyến phòng thủ của Trung đoàn 45. Tóm lại, địch đang trong vòng tử địa. Quả thật trong lúc giao chiến có một số binh sĩ cộng sản vừa chạy về hướng chúng tôi vừa la to xin hàng. Và ngay tức khắc chúng tôi chuyển hướng tác xạ vào các toán cộng quân khác đang lăm le tiến về hướng chúng tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, khi ba cán binh cộng sản men bò vào sát hàng rào phòng thủ xin hàng, chúng tôi đã bảo họ bỏ vũ khí tại vệ đường và đã cho họ vào. Tôi cũng còn nhớ rất rõ trong các số hàng binh con nít này (tuổi của họ đều khoảng 16, 17) có hai người cùng quê Hà Nam Ninh; một người thậm chí còn nói nó cùng quê Cao Bằng với Trung tướng Linh Quang Viên ( ! ) khi tôi đích thân hỏi cung họ. Và không lâu sau đó các tù hàng binh đã được giao cho Phòng 2 Sư đoàn khai thác tin tức.Nhờ đó chúng tôi mới biết họ là lính thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng mới từ Bình Định lên.Tôi thực sự không hiểu McKenna căn cứ vào đâu để có thể nói là Wade-- một sĩ quan trong toán cố vấn của Trung đoàn--, lại đi nhờ một thông dịch viên đứng ra kêu gọi các cán binh này đầu hàng và đảm bảo sinh mệnh của họ và rồi 5 cán binh cộng sản đưa tay xin hàng đã bị bắn chết hết!!! Rất may là sự việc trên đây chính mắt tôi và rất nhiều người khác có mặt tại chỗ chứng kiến.

Ngoài ra cũng nhờ cuốn sách tôi lại tìm ra được một câu trả lời xác định khác:

Qua cuốn sách (*), trong suốt thời gian diễn tiến của trận chiến Kontum. Vann luôn nhấn mạnh đến việc sử dụng máy bay ném bom B52 như một điều kiện để làm áp lực buộc cấp chỉ huy VNCH tổ chức kế hoạch phòng thủ Sư đoàn. Điều này giúp tôi nay hiểu được lý do tại sao tướng Bá kêu tôi lên gặp ông để tổ chức một cuộc đột kích vào phía sau lưng địch nhằm giải toả áp lực địch đang đè nặng lên tuyến phòng thủ của hai Trung đoàn 45 và 53 trong ngày 25 tháng 5. Tướng Bá lúc đó cũng đã nói cho tôi biết “Nếu chúng ta không tổ chức cuộc tấn công này, họ (Hoa Kỳ) sẽ không yểm trợ hỏa lực B52 nữa!” Sở dĩ phải viết rõ điều này là bởi tính nghịch lý của lệnh hành quân: sau hơn 2 tuần lễ quần thảo với địch quân trên chạm tuyến Bắc Kontum, số tổn thất khá nặng về quân số và vũ khí, cuộc chiến đấu liên tục lúc ngưng lúc nghỉ cả ngày lẫn đêm, lực lượng của Trung đoàn 44 lúc đó cả quan lẫn lính đều mệt đừ vì thiếu ăn và thiếu ngủ. Trung đoàn mới được lệnh rút về tuyến sau được 2 ngày trong tư thế trừ bị để dưỡng quân và bổ sung. Phải sử dụng một lực lượng trừ bị trong tình cảnh như thế là điều khiến Tướng Bá do dự. Ông là cấp chỉ huy đi sát mặt trận và thông hiểu tình trạng thuộc cấp của mình. Tuy nhiên vì áp lực của Vann đã khiến cho ông không còn chọn lựa nào khác. Tôi còn nhớ rất rõ khi được lệnh này, tôi đã hội ý cùng hai Tiểu đoàn trưởng 1 và 2/44 là hai tiểu đoàn cừ khôi nhất của trung đoàn lúc đó để đi đến cùng một quyết định: Chúng tôi sẽ chọn mỗi tiểu đoàn khoảng 100 người còn “ lành lặn!” và dầy dạn chiến trận. Tôi cùng hai Tiểu đoàn trưởng 1 và 2/44 là các Thiếu tá Đặng Trung Đức và Nguyễn Xuân Phán trực tiếp chỉ huy cuộc đột kích này. Thiếu tá cố vấn phó Lovings là người đối nhiệm của tôi, lý ra theo nguyên tắc, ông phải đi theo nhưng ông đã không đi. Qua cuốn sách, tôi lại thấy rõ thêm một điều: trong những giờ phút cuối cuộc chiến, người Mỹ tìm mọi cách tiết kiệm tối đa sinh mạng của họ. Chúng tôi lên máy bay của phi đội trực thăng 229 của Thiếu tá Phạm văn Quang. Đoàn quân đổ xuống mục tiêu cách xa thành phố Kontum 14 cây số về hướng Đông Bắc để đánh vào sau lưng tuyến tấn công của địch. Nếu có toán cố vấn đi cùng, chắc hẳn họ đã chứng kiến tận mắt những gương chiến đấu dũng cảm của các sĩ quan, hạ sĩ quan của hai đơn vị này, kể từ lúc chúng tôi chạm chân xuống bãi đáp lúc 9 giờ30 sáng ngày 25 tháng 5 năm ấy. Trận đánh kéo dài suốt từ sáng cho tới 18:00 giờ cùng ngày. Chúng tôi giao chiến với đủ loại lực lượng địch, từ các toán tản thương, tiếp tế, đến các tổ truyền tin . Sau cùng chúng tôi đánh cận chiến với các lực lượng địch trên tuyến tấn công ngay truớc mặt các lực lượng bạn trên phòng tuyến Kontum. May mắn là chúng tôi, sau đó, đã kịp trở về. Chưa tới 8 tiếng đồng hồ sau, như đã hẹn trước địch mở một cuộc tấn công mới. Đó là trận tấn công Mc Kenna kể lại khá chi tiết trong Chương 17 “Các bạn sẽ bị tràn ngập”. Câu chuyện này tôi cũng đã kể rõ trong bài báo nói trên.

Trận đánh Kontum cuối cùng cũng đã kết thúc trong chiến thắng của quân lực VNCH phòng thủ Kontum và sự thất bại ê chề của các lực lượng tấn công miền Bắc. Không ai có thể phủ nhận chiến thắng này sở dĩ có được là vì sự kết hợp chặt chẽ từ hai phía, một bên là sự yểm trợ hỏa lực hùng hậu của Hoa Kỳ và phía bên kia là tinh thần chiến đấu dũng cảm của các lực lượng phòng thủ Kontum năm ấy. McKenna đã có nhận xét rất chính xác trong chương sau cùng của cuốn sách “Các cố vấn Hoa kỳ; các phi công lục quân, không quân, hải quân và TQLC Hoa Kỳ; các phi công VNCH, phi cơ trực thăng, các xe Jeep có gắn hoả tiễn Tow đã đóng vai trò chủ chốt trong chiến thắng của chúng tôi tại Kontum. Thế nhưng sau rốt thì mọi việc vẫn phải tùy thuộc vào tinh thần chiến đấu của mỗi chiến binh VNCH, các sĩ quan hạ sĩ quan của các đơn vị này. Chính những người đứng trên trận tiền đó đã phải hứng chịu hỏa lực dai dẳng của pháo binh, hỏa tiễn và súng cối cùng các đợt tấn công bằng bộ binh và chiến xa của địch quân.”

Dùng quan điểm của một sĩ quan thuộc một quân đội hùng cường vào bậc nhất thế giới là Hoa Kỳ để lượng giá một đạo quân còn non trẻ về tuổi tác và kinh nghiệm trong một hoàn cảnh chiến tranh vừa phi quy ước vừa quy ước Tác giả cuốn sách quả đã làm hành động mạo hiểm nếu không muốn nói là rất dễ sa đà vào những ý kiến chủ quan phiến diện. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những nhận xét chủ quan ấy để tìm hiểu toàn cảnh một mặt trận, một trận đánh, dù sao chúng ta cũng vẫn nhìn ra được những bài học cho các thế hệ tiếp nối. Đó có lẽ là điều chúng ta có thể tìm thấy sự hữu ích trong cuốn sách này.Tác giả McKenna có dẫn ra một ý tưởng rất thú vị “Chém giết vốn là một nghề bẩn thỉu” (p.289). Tôi lại muốn thêm một ý khác: Chiến trường là một loại địa ngục, các phe phái tham chiến đều là nạn nhân và những lãnh đạo cộng sản miền Bắc chủ mưu gây nên cuộc chiến này là ác qủy.

Trận đánh Kontum đã tròn 40 năm tính đến thời điểm này. Cuốn sách của Mc Kenna có lẽ là cuốn sách đầu tiên viết một cách đầy đủ những diễn tiến về một trong những trận đánh có tính quyết định trong chiến tranh VN. Chỉ tiếc, giá như tác giả bỏ công tham chiếu thêm những bài viết và các tài liệu sách vở của những người thực sự có mặt trong trận đánh ấy, đặc biệt sau các đợt HO từ năm 1990 trở đi, cuốn sách sẽ phong phú hơn nhiều. Bên cạnh đó, do góc độ hạn hẹp từ vị trí của Bộ chỉ huy Trung đoàn, với vai trò một cố vấn ngoại quốc, tác giả thường chỉ nhìn thấy một số hành động và kết quả hạn chế của đơn vị thuộc quyền trách nhiệm và nghe qua những báo cáo được thông dịch ngắn gọn từ thông dịch viên.Thành ra những điều ông không nhìn thấy hoặc nghe thấy đôi lúc còn quan trọng hơn, có tính quyết định hơn đã đưa tới kết quả ấy. Cho nên chúng ta cũng không thể kỳ vọng ở nơi tác giả những điều mô tả một cách chính xác hơn những điều tác giả đã làm.Những khen chê của tác giả nêu ra trong cuốn sách và nhất là những dòng tâng bốc lên tận mây xanh của các ngòi bút cộng sản Việt nam trong các tài liệu, sách báo của họ sau cuộc chiến, khi viết về trận đánh trên cao nguyên này, tất cả cũng chẳng thể làm sống lại những người của các bên tham chiến đã nằm xuống tại chiến trường. Theo thiển ý, khi đọc cuốn sách, gạt bỏ đi những nhận xét cao ngạo vô lối, các phê phán có tính kỳ thị, chúng ta sẽ tìm thấy những ngậm ngùi đích thực cho một trận chiến và lòng ngưỡng mộ đích thực cho tất cả mọi hy sinh của các lực lưọng quân dân cán chính VNCH đã tham gia phòng thủ trên chiến trường Kontum trong cuộc chiến bi hùng năm ấy.

Cỗ xe lịch sử vốn là một cỗ xe không có đèn phía trước dẫn đường mà chỉ có đèn báo hiệu ở phía sau. Đó là lý do tại sao những nhân vật đóng vai trò hướng dẫn lèo lái cỗ xe phải là những người tinh tường và có viễn kiến. Lịch sử Việt nam cận đại thể hiện rõ sự mù lòa, khiếm thị của những người từng được coi là “lãnh tụ anh minh” của cộng sản Việt Nam. Cho dù chúng ta đều hiểu rằng lịch sử trong đà tiến hóa của mình không bao giờ có chữ “Nếu”. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn ước ao gíá như những lãnh tụ cộng sản miền Bắc đừng xua quân vào Nam qua cái gọi là “chiến tranh giải phóng”, thì những cuộc chém giết tự hủy diệt nội lực dân tộc như những trận đánh đẫm máu từ khắp chiến trường miền Nam năm 1972 ấy đã không xẩy ra. Dân tộc ta đâu đến nỗi điêu linh như hiện tại. Đất nước đâu đến nỗi hèn yếu tới mức tự nguyện trói tay khuất phục dưới bàn tay bạo tàn của kẻ thù truyền kiếp hung hiểm Trung cộng như hiện nay.

Campbell Tháng 6/2012

_____________________________________________________________

(*)Nguyên bản tiếng Anh: “Kontum the Battle to Save South Vietnam” của Thomas P. McKenna do Nguyễn Tư-Cao dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Kontum, cuộc chiến đấu cứu Miền Nam Việt Nam.” Sách do Kauthara Publisher, Minneapolis, Minnesota ấn hành năm 2012. [email:cunguyen1@ yahoo.com] Sách dày 378 trang. Giá bán US $20.

CUỘC CHIẾN BỐN MƯƠI NĂM TRƯỚC MÙA HÈ ĐỎ LỬA (1972)


Trần Gia Phụng

Mùa hè đỏ lửa là tên một quyển bút ký chiến tranh của nhà văn Phan Nhật Nam, ghi lại những trận đánh khốc liệt vào mùa hè năm 1972.  Hôm nay, bốn chục năm sau, xin sơ lược trở lại những trận đánh ghi dấu một thời oanh liệt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

1.         NGUYÊN NHÂN

Tháng 5-1971, bộ Chính trị đảng LĐ Bắc Việt Nam đưa ra “quyết định thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua.” (Bộ Quốc Phòng CHXHCNVN, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005, tr. 644.)  Ngoài lý do đã được tiết lộ trên đây, nguyên nhân việc CSVN mở cuộc tấn công năm 1972 có thể phỏng đoán là: 

Thứ nhất, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân thất bại, CSVN phải ra nghị quyết 9 cho quân đội CS ở trong Nam nghỉ dưỡng và tránh đụng độ với quân đội VNCH. (Nguyễn Kỳ Phong, “Hành quân Lam Sơn 719: Nguồn gốc và khuyết điểm”, điện báo Talawas ngày 12-6-2008.)  Trong khi đó quân đội VNCH mở những cuộc hành quân lớn đánh qua Cao Miên (4-1970 đến 2-1971) và Hạ Lào (1971), nắm thế chủ động trên chiến trường.  

Sau khi đưa thêm nhiều sư đoàn để bổ sung lực lượng ở trong Nam, CSVN quyết định tái phát động hành quân, nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường.  Tháng 12-1971, Nicolai Podgorny, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đến Hà Nội và hứa hẹn gia tăng viện trợ không hoàn lại các loại võ khí hạng nặng.  Đầu năm 1972, Liên Xô gởi qua các chiến xa T-54, T-55, PT-76, đại bác 130 ly, 150 ly, đại bác phòng không 57 ly, hỏa tiễn chống chiến xa AT-3 Sagger, hỏa tiễn địa không SA-7 Strela. (Nguyễn Đức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập, từ trận đầu (Ấp Bắc - 1963) đến trận cuối (Sài Gòn - 1975), Toronto: Nxb. Làng Văn, 2001, tr. 550.)

Thứ hai, về phương diện quân sự, CSVN thất bại trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhưng về phương diện chính trị, CSVN đã gây chấn động lớn đến dân chúng và chính trường Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống 1968.  Tổng thống Lyndon Johnson phải bỏ cuộc, không ứng cử tổng thống lần thứ hai.  Richad Nixon, ứng cử viên đảng đối lập đánh bại ứng cử viên đảng đương quyền, lên làm tổng thống.  Ngày 24-6-1970, thượng viện Mỹ bãi bỏ “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”, giới hạn quyền của tổng thống gởi quân ra nước ngoài.  (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr.166.)  Đây là thời cơ thuận tiện để CS mở cuộc tấn công, nhất là sau cuộc họp giữa Kissinger và Chu Ân Lai vào tháng 7-1971, CSVN được biết thêm tin chắc chắn người Mỹ sẽ rút quân, bỏ rơi VNCH. 

Năm 1972 cũng là năm bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.  Vấn đề Việt Nam rất nhạy cảm với cử tri Mỹ.  Có thể vì vậy, CSVN tung đại quân tấn công VNCH nhằm tạo ra một chấn động mới, thúc đẩy dân chúng Hoa Kỳ đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ chẳng những nhanh chóng rút quân mà chấm dứt hẳn sự can thiệp vào Việt Nam. 

Thứ ba, CSVN mở các chiến dịch 1972 nhằm tăng cường uy thế của phía CSVN trong hòa hội đang tiếp diễn tại Paris.  Trong hòa hội Paris, CS đòi giữ nguyên trạng sau khi ngưng bắn.  Vì vậy, CS mở cuộc tấn công nhằm lấn đất giành dân.  Cũng trong dự thảo hiệp định Paris, CSVN đòi hỏi quân đội và võ khí nước ngoài không được nhập vào VNCH sau khi hiệp định được ký kết.  Vì vậy CSVN tìm cách hủy diệt các đơn vị cũng như quân nhu quân dụng quân đội VNCH, để VNCH yếu hẳn sau khi ngưng bắn.  Trái lại, toàn khối CS bí mật tiếp tục viện trợ cho Bắc Việt qua đường bộ ở biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà không ai có thể kiểm soát được.

2.-   DIỄN TIẾN CHIẾN CUỘC

Theo quyết định của bộ Chính trị đảng LĐ, quân đội CSVN mở chiến dịch đại quy mô, tấn công ở cả bốn quân khu VNCH:  Quảng Trị và Thừa Thiên ở Quân khu I (từ 30-3-1972); Kontum ở Quân khu II (từ 30-3-1972 ); Bình Long ở Quân khu III (1-4-1972); Định Tường, Kiến Tường ở Quân khu IV (10-6-1972).  Cộng sản đặt tên cho các cuộc hành quân trên đây lần lượt là: chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch Bắc Tây nguyên,  chiến dịch Nguyễn Huệ, và chiến dịch Đồng bằng sông Cửu Long.  Phía VNCH, gọi chung cuộc chiến năm 1972 là “mùa hè đỏ lửa”, phát xuất từ tên quyển ký sự chiến trường là Mùa hè đỏ lửa,  của nhà văn Phan Nhật Nam.  Về phía Hoa Kỳ, thì cuộc chiến năm 1972 được gọi là Easter Offensive.

Mặt trận Quảng Trị ở Quân khu I (từ 30-3-1972):  CSVN gọi đây là chiến dịch Trị Thiên.  Lực lượng CS gồm  ba sư đoàn Bộ binh (304, 308, 324), hai trung đoàn độc lập (27 và 48), bốn tiểu đoàn BB Quân khu Trị Thiên, Đoàn đặc công 126 và 10 tiểu đoàn đặc công, hai trung đoàn xe tăng (202, 203), bảy trung đoàn pháo binh, ba sư đoàn pháo phòng không (365, 367 và 377), bốn tiểu đoàn tên lửa, phòng không và lực lượng võ trang địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự, Tự điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tr. 202.) 

Đối đầu với lực lượng hùng hậu nầy, về phía VNCH có hai sư đoàn Bộ binh là Sư đoàn 1 đóng ở Huế và Sư đoàn 3 (thành lập tháng 10-1971) đóng ở Quảng Trị, hai lữ đoàn TQLC (147, 258), ba thiết đoàn (20, 11, 17), một số tiểu đoàn Địa phương quân, một số đơn vị Pháo binh,và về sau tăng cường thêm hai lữ đoàn Dù (1 và 2).  Chiến cuộc tại vùng Quảng Trị có thể chia thành ba giai đoạn:

Thứ nhất:  Mở đầu, ngày 30-3-1972, CSVN xua quân vượt vĩ tuyến 17, xâm phạm vùng phi quân sự, tấn công các căn cứ tiền đồn dọc đường số 9, chiếm căn cứ Carroll ngày 2-4-1972.  Trung tá Phạm Văn Đính, trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 BB, thuộc Sư đoàn 3 BB, đầu hàng địch tại căn cứ nầy.

Cũng ngày 2-4-1972, tổng thống Nixon ra lệnh cho Hạm đội 7 oanh kích những nơi quân đội Bắc Việt tập trung tại vùng phi quân sự, vừa bằng phi cơ vừa bằng chiến thuyền đậu dọc duyên hải Quảng Trị.  Ngày 6-4-1972, hai oanh tạc cơ Mỹ bị hòa tiễn SAM-2 bắn rơi.  SAM-2 là võ khí Liên Xô mới trang bị cho Bắc Việt.  Khi đến Đông Hà, CSVN bị chận đánh dữ dội.  Trước tình hình căng thẳng, bộ Tổng tham mưu VNCH tăng phái thêm ba liên đoàn BĐQ 4, 5, 6 cho Quân đoàn I. 

Thứ hai:  Ngày 26-4, CSVN tiếp tục tấn công, chiếm Đông Hà ngày 28-4, áp lực nặng nề Quảng Trị.  Ngày 30-4, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3 BB, họp cùng các sĩ quan chỉ huy, quyết định chuyển quân khỏi Quảng Trị, nhưng trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn I ra lệnh tử thủ Quảng Trị.  Lệnh tử thủ đến sau khi các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 đã chuyển quân.  Trong khi đó, CSVN đưa một cánh quân khác tiến qua A-Shau (A Sao), bao vây các căn cứ Bastogne và Checkmate, đe dọa Huế.  Ngày 1-5-1972, CSVN chiếm thành phố Quảng Trị, tiến quân tới bờ bắc sông Mỹ Chánh. Thành phố  Huếhoảng loạn.  Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu liền cử trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn IV, ra giữ chức tư lệnh Quân đoàn I, thay trung tướng Hoàng Xuân Lãm.  Tướng Trưởng tái lập an ninh thành phố Huế, tái phối trí lực lượng phòng thủ. 

Thứ ba:  Ngày 8-6-1972, các lữ đoàn TQLC cùng các lữ đoàn Dù vượt sông Mỹ Chánh, phản công ra hướng bắc, mở đầu giai đoạn thứ ba của cuộc chiến Quảng Trị.  Từ ngày 13-9, quân VNCH tái chiếm Quảng Trị, và treo cờ lên cổ thành Quảng Trị ngày 16-9-1972.  Quân đội VNCH tiếp tục tảo thanh quân CS.  Tuy chống cự mãnh liệt, quân CS dần dần rút lui, nhưng vẫn chiếm giữ vùng phía bắc sông Thạch Hãn.  Sau biến cố Quảng Trị, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh được đề cử thay thế chuẩn tướng Vũ Văn Giai, chỉ huy Sư đoàn 3 BB-VNCH.

Mặt trận Kontum ở Quân khu II (từ 30-3-1972 ):  CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Bắc Tây nguyên.  Lực lượng CS gồm  hai sư đoàn Bộ binh (320 và 2), bốn trung đoàn BB (24, 28, 66, 95), hai trung đoàn pháo binh, trung đoàn đặc công 400, sáu tiểu đoàn pháo phòng không, một tiểu đoàn xe tăng, một đại đội tên lửa, cùng lực lượng võ trang địa phương.  (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 157.)  Phía VNCH, tại Quân khu II lúc đó, có hai sư đoàn Bộ binh (22 và 23), hai lữ đoàn Dù, 11 tiểu đoàn BĐQ Biên phòng và Địa phương quân.

Chiến cuộc Kontum có thể chia thành hai giai đoạn.  1)  Vào đầu tháng 4-72, quân CS uy hiếp các căn cứ phía bắc Kontum.  Ngày 11-4, quân CS tấn công căn cứ Charlie. Trung tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Dù tử trận.  Ngày 21-4, CS tràn ngập căn cứ Delta.  Charlie và Delta là hai căn cứ hỏa lực nằm về phía tây của căn cứ Võ Định.  Căn cứ Võ Định cũng không giữ được.  (Võ Định nằm trên quốc lộ 14, phía bắc Kontum và phía nam Tân Cảnh.)  Ngày 24-4, quân CS chiếm các căn cứ Tân Cảnh và Daktô II ở phía bắc Võ Định.  Quân CS tiếp tục tấn công các căn cứ khác ở vùng nầy, nhưng không chiếm được căn cứ Ben Het do các tiểu đoàn 72 và 95 BĐQ trấn giữ.  Ngày 10-5-1972, thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, phụ tá hành quân Quân đoàn I, được cử làm tư lệnh Quân đoàn II, thay thế thiếu tướng Ngô Dzu.  2)  Từ 14-5-1972, quân CS tập trung tấn công vào Kontum.  Có khi quân CS chiếm được trại Ngọc Hồi ở Kontum, hậu cứ của Thiết giáp và căn cứ tiếp vận, nhưng đã bị đẩy lui ngay.  Sư đoàn 2 Sao Vàng bị B52 gây thiệt hại nặng, sau đó phải giải thể.  Vào cuối tháng 5-1972, mặt trận Kontum yên tĩnh trở lại.  Quốc lộ 14 giữa Kontum và Pleiku được khai thông.

Sau Kontum, CSVN tấn công Bình Định cũng thuộc Quân khu II vào đầu tháng 6-1972, chiếm các quận Tam Quan, Hoài Nhơn và Hoài An,  Tuy nhiên, vào cuối tháng 7-1972, quân đội VNCH tái chiếm ba quận nầy.

Mặt trận An Lộc (Bình Long) ở Quân khu III(1-4-1972):  CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Nguyễn Huệ.  Lực lượng CS gồm ba sư đoàn Bộ binh (5, 7, 9), ba trung đoàn BB (24, 71, 205), trung đoàn đặc công 429 (7 tiểu đoàn), 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo phòng không, 20 tiểu đoàn và 63 đại đội bộ đội địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 186.)

Phía VNCH, Quân khu III có ba sư đoàn Bộ binh 5, 18 và 25, một lữ đoàn Dù, năm liên đoàn BĐQ, một lữ đoàn Thiết kỵ, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, và các đơn vị Địa phương quân.  Phòng thủ chính bên trong An Lộc là sư đoàn 5 BB do đại tá Lê Văn Hưng chỉ huy. (Đại tá Hưng lên chuẩn tướng tại mặt trận An Lộc.  Ông đã cam kết: “Khi nào tôi còn, An Lộc còn.”) 

An Lộc là tỉnh lỵ tỉnh Bình Long, nằm trên quốc lộ 13, án ngữ giữa Sài Gòn và mật khu 708 của CSVN trên đất Cao Miên.  Cộng sản dự tính đánh chiến An Lộc để làm lễ ra mắt chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam vào ngày 20-4-1972.  (Nguyễn Đức Phương, sđd. tr. 569.)  Nhằm tạo thế nghi binh, từ 1-4-1972 một số đơn vị CS tấn công các căn cứ phía bắc Tây Ninh.  Ngày 4-4-1972, sư đoàn 5 CS tiến về Lộc Ninh (tỉnh Bình Long), phía bắc An Lộc, và chiếm được Lộc Ninh ngày 8-4-1972. 

Sau khi chiếm Lộc Ninh, quân CS tiến xuống phía nam, đe dọa An Lộc.   Cuộc chiến An Lộc kéo dài từ  8-4-1975 đến ngày 12-6-1972.  Ngoài sư đoàn 5 CS, một cánh quân khác của CS, sư đoàn 7 CS xuất phát từ biên giới Cao Miên, đi vòng qua An Lộc, phong tỏa quốc lộ 13 phía nam An Lộc.  Trong khi đó, sư đoàn 9 CS cũng từ biên giới Cao Miên, đánh thẳng vào phía tây An Lộc.  Như thế cả 3 sư đoàn CS đánh kẹp An Lộc vào giữa.  Quân CS vừa pháo kích dữ dội, vừa sử dụng xe tăng T-54 và BTR-60 dẫn đầu, tiến chiếm phía bắc thành phố An Lộc, đồng thời chiếm các căn cứ trên quốc lộ 13, phía nam An Lộc, để chận đường tiếp tế của quân đội VNCH.

Quân đội VNCH dàn ra đối phó với hai trận tuyến của CS.  Một mặt quân phòng thủ An Lộc chiến đấu anh dũng, chận đứng và đẩy lui các cuộc xung phong của quân CS ngay tại An Lộc.  Một mặt các đơn vị VNCH khác cương quyết giải tỏa quốc lộ 13, nhằm tiếp ứng An Lộc.  Ở cả hai mặt trận, hai bên giằng co từng tấc đất, từng ngôi nhà.  Quân CS sử dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, pháo kích dữ dội trước khi xung phong.  Quân VNCH biết rõ cách đánh nầy, nên sau mỗi đợt CS pháo kích, liền chuẩn bị sẵn sàng để nghênh chiến. 

Bên cạnh đó, Không quân đã yểm trợ tích cực cho Bộ binh VNCH chiến đấu.  Ngoài việc oanh kích các nơi tình nghi quân CS trú đóng, Không quân VNCH phụ trách chuyển vận quân đội, thả tiếp liệu (lương thực, nước uống, quân nhu, quân dụng), tải thương binh.  Vừa vì thời tiết xấu, vừa vì bị súng phòng không của CS bắn phá, việc tiếp liệu có khi ít hiệu quả, một số kiện hàng không đến tay quân đội VNCH mà lọt vào tay quân CS.  Hơn nữa, vì bị bắn phá dữ dội, các trực thăng tải thương hoạt động rất khó khăn, và nhiều trực thăng bị bắn rơi.  Trong khi đó, những phi vụ B-52 Hoa Kỳ liên tiếp dội bom nặng nề xuống chiến trường, giúp đánh tan các đơn vị CS chung quanh An Lộc, phá vỡ các kho võ khí do CS mới chuyển từ miền Bắc Việt Nam.

Riêng tại thị trấn An Lộc, kể từ 8-4-1972, quân CS tấn công tất cả 7 lần.  1) Trong lần đầu, ngày 13-4-1972, quân CS dùng chiến xa T-54 tiến vào An Lộc.  Dù đã bắn cháy 7 chiếc, quân VNCH phải lui về phòng thủ phía nam thị trấn.  2) Ngày 14-4, quân CS xung phong lần thứ hai.  Quân VNCH ẩn nấp trong các cao ốc, hầm trú ẩn, sử dụng súng M72, súng B40 và B41 (hai loại nầy tịch thu được của quân CS), chống trả và gây hư hại nặng các loại xe tăng CS.  Ngày 16-4, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù được đưa đến An Lộc, tăng cường lực lượng phòng thủ ở đây.  3)  Ngày 18-4, quân CS tấn công An Lộc lần thứ ba.  Nhờ sự yểm trợ của Không quân, nhất là B-52, quân CS bị chận đứùng.  4) Sáng sớm 21-4-1972, CS pháo kích 2,000 trọng pháo đủ loại vào thị trấn và mở 4 mũi tấn công.  Đêm 22 rạng 23-5, quân CS gia tăng tấn công, nhưng bị đẩy lui khi các chiếc xe tăng của CS bị bắn cháy.  5)  Sáng 11-5-1972, quân CS tấn công An Lộc lần thứ 5, với chiến xa T-54 dẫn đầu.  Hai bên cận chiến.  Suốt ngày 12-5, quân đội VNCH đẩy lui lần nữa cuộc tấn công của CS.  6)  Chỉnh đốn lại đội ngũ, ngày 14-5, CS tấn công tiếp ở các mặt đông bắc, tây và nam.  Trong ba ngày giao chiến, số binh sĩ cả hai bên tử trận lên đến 600 người.  Các chiến sĩ Biệt cách Dù phải lập một nghĩa địa bên cạnh chợ An Lộc để an táng. (Sau khi An Lộc được giải tỏa, trước nghĩa trang nầy có hai câu đối:  An Lộc địa, sử ghi chiến tích / Biệt cách Dù vị quốc vong thân.”)  7)  CSVN dự tính tấn công ngày 19-5 để kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh, nhưng bị B-52 dội bom chận đứng.  Ngày 23-5, quân CS mở bốn đợt tấn công vào phòng tuyến quân đội VNCH ở phía nam thị trấn An Lộc.  Lần nầy, những cuộc tấn công của CS yếu ớt nên đều bị đẩy lui.

Từ đây vòng đai bảo vệ An Lộc mở rộng dần, trong khi quân đội VNCH ở ngoài cũng dọn được đường vào An Lộc.  Ngày 8-6-1972, quân bên trong và bên ngoài An Lộc bắt tay được với nhau.  Ngày 12-6-1972, chuẩn tướng Lê Văn Hưng tuyên bố trên đài phát thanh: “An Lộc hoàn toàn giải tỏa.”

Mặt trận các tỉnh ở Quân khu IV (10-6-1972):   CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Đồng Bằng Sông Cửu Long.  Lực lượng CS gồm 2 sư đoàn Bộ binh (5 và C30b), 3 trung đoàn Bộ binh chủ lực thuộc Quân khu 8 (1, 88, 320), 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo binh, ba tiểu đoàn đặc công, 7 tiểu đàn và 14 đại đội địa phương.  (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 170.)  Về phía VNCH, có hai sư đoàn BB (7 và 9), một liên đoàn BĐQ, hai trung đoàn Thiết giáp, một liên đoàn Đặc nhiệm Hải quân, năm đại đội Tuần Giang và Địa phương quân.

Cuộc tấn công của CS tại đồng bằng sông Cửu Long lần nầy diễn ra trong ba giai đoạn: 1) Quân CS tấn công căn cứ Long Khốt (thuộc tỉnh Long An) và thị xã Mộc Hóa (thuộc tỉnh Kiến Tường).  Tấn công nhiều lần nhưng thất bại, quân CS phải rút lui ngày 14-6.  2) Trong tháng 7-1972, quân CS tấn công phía bắc và nam đường số 4 thuộc hai tỉnh Kiến Tường và Mỹ Tho.  3) Từ 6-8 đến 10-9, quân CS tấn công Bến Tre, Chợ Gạo, Gò Công, nhưng đều bị đẩy lui.

KẾT LUẬN

Tính đến tháng 9-1972, thiệt hại về nhân mạng về phía quân đội CSVN lên đến khoảng 100,000 quân; và phía VNCH khoảng 50,000 quân.  Một số thống kê khác cho thấy CSVN thiệt hại 70,000 quân trong khi VNCH 30,000. (Nguyễn Đức Phương, sđd. tr. 587.)  Người ta ghi nhận thêm sau khi CSVN thất bại trong các chiến dịch 1972, ở Bắc Việt, đại tướng Võ Nguyên Giáp bị người phụ tá là đại tướng Văn Tiến Dũng thay thế, nắm thực quyền trong bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam.

Các cuộc tấn công của CSVN vào năm 1972 nói chung không thành công, và bị quân đội VNCH đẩy lui ở khắp bốn mặt trận.  Những trận đánh vào mùa hè đỏ lửa cho thấy khi còn được trang bị đầy đủ, dầu số quân ít hơn, quân đội VNCH cũng đủ sức để đẩy lui những cuộc tấn công vũ bảo của đối phương.  Trong cuộc chiến vào mùa hè nầy, cộng sản chỉ gây được tiếng vang về chính trị trên thế giới để đẩy mạnh cuộc vận động ngoại giao. 

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 19-02-2012)