Tuesday, April 2, 2013

Nguyễn Quý An, người bạn tù.

Mang cái túi xách tay, chỉ chứa đủ một bộ quần áo cũ, chiếc mùng nhà binh, khăn mặt, bàn chải răng và mấy gói mì con cua, tôi lội bộ từ nơi tạm trú, cư xá Trung Dũng, trại gia binh của ban Quân Nhạc và đơn vị phòng vệ Đô thành, gần cuối đường Hồng Thập Tự phía cầu Thị Nghè, đến trường Nguyễn Bá Tòng. Cánh cổng trường chỉ hé mở, một tên bộ đội đứng gác. Vào bên trong cũng hai hàng vệ binh, súng cầm tay, mũi súng gắn lưỡi lê chỉa xuống đất. Tôi hơi giật mình, bước đến trước mấy chiếc bàn xếp dọc dài giữa sân, bốn người mặc quân phục xanh lá cây, chừng là sĩ quan, trên cổ áo mang những ngôi sao vàng nền đỏ thẩm, những chiếc nón cối cũng màu xanh, đội sụp xuống che khuất cả chân mày, chỉ thấy những con mắt sòng sọc nhìn lên, ngó xuống. Họ ngồi thu giấy tờ. Người ngồi cuối ghi chép xong, y hất đầu như ra lệnh cho tôi đi vào theo lối có toán vệ binh đứng gác cách nhau một tầm tay giữa hai người. Tôi bước lên lầu hai theo chỉ dẫn. Tên bộ đội đứng đầu hành lang chỉ tôi vào một phòng học, bàn ghế đã được xếp chồng về một góc.
Hôm nay thứ Sáu, 13 tháng 6- 1975, còn những ba ngày nữa mới hết hạn “đi trình diện”, nhưng Phường Khóm đã đến tận nhà để nhắc nhở, thúc giục từ chiều hôm qua. Họ nói các anh không nên chậm trễ, không ai “đảm bảo” an ninh cho các anh, vì “nhân dân” đang căm thù các anh lắm, đi trình diện sớm để được “nhà nước cách mạng” bảo vệ!
Không biết họ “sắp đặt” nhân sự từ lúc nào mà chỉ mới hơn một tháng đã có ngay những kẻ thừa hành khá “chuẩn mực” cả trong ngôn ngữ mới, lạ?
Thôi thì đi “học tập” một tháng cho xong, để được cấp giấy tờ trở về quê, không còn con đường nào khác. Nhưng khi bước đi giữa hai hàng vệ binh lầm lì, đằng đằng sát khí, tôi cảm thấy có điều gì bất ổn. Tôi hối tiếc đã không nán trễ thêm môt ngày để dò xét tình thế. Tôi tiếc đã không nghe lời người bạn rủ trốn về miền Tây; vào đến đây thì mọi việc đã an bài! Tôi lại nhẩm tính cái vận hạn mười năm “Liêm, Tham, Kình Đà, Không, Khiếp…” của mình mà buông xuôi, thúc thủ mặc cho định mệnh!
Đã có mấy người vào trước đang ngồi tựa vách tường, im lặng, quay nhìn chào tôi, người mới tới, bằng ánh mắt. Cứ ít phút lại có thêm một người bước vào, nét mặt người nào trông cũng hốc hác, thất thần, thiếu ngủ. Khi sĩ số trong phòng đã hơn một tiểu đội, bắt đầu có nhiều tiếng thì thầm, hỏi nhau tin tức từ những nơi khác. Tin đồn về những đơn vị còn chiến đấu, không chịu buông súng. Mấy vị tướng, nhiều chiến sĩ, những quan chức đã tự sát, tậpthể, cá nhân hay cả gia đình. Có người kể lại vụ một sĩ quan Thiết giáp đã bắn vào đầu vợ và mấy đứa con rồi quay súng vào đầu mình tự sát ở cư xá Chí Hòa. Về sau nầy có người cho biết đó là anh Lê Văn Hồng, người bạn của tôi, cùng khóa 66A SVSQKH. Hồng không may bị loại phần khảo hạch quân sự nên đã vuột mất hoài bão “lướt gió tung mây”, từ ngày anh chuyển qua Bộ binh, tôi chưa một lần gặp lại anh, một người đẹp trai, hiền lành vui tính, anh có một giọng ca khá truyền cảm. Không ngờ một người như anh lại có hành động can trường như thế.
Cứ năm, mười phút lại có thêm người mới vào phòng. Phòng chỉ chứa trên hai chục mạng. Người cuối cùng vừa bước vào mặc bộ bà ba đen, mang hai cánh tay giả, mà bàn tay là là cái móc sắt trắng. Có người lên tiếng tuy nhỏ, nhưng ai cũng nghe, vẻ ái ngại:

-Thương phế binh đã đến lượt đâu mà anh vào đây sớm làm gì?
Anh cười, hồn nhiên:
-Phường khóm họ bảo đi thì mình cứ đi, chứ có biết gì đâu? Mấy ông “cách mạng” thì chưa nghe thấy nói gì, mà mấy ông “Ba mươi” ghê quá!
Anh nói tiếng Bắc, trông anh có vẻ điềm tĩnh. Mọi người đều cố nói chuyện với nhau thật khẽ. Những câu chuyện trao đổi rì rầm giữa các nhóm hai, ba người đứng hoặc ngồi trong căn phòng chật hẹp. Trong ánh mắt, nụ cười, mỗi người đều có những mối lo âu riêng về những ngày sắp tới. Chẳng ai buồn hỏi tên tuổi mà chỉ hỏi thăm nhau về binh chủng, đơn vị và ở đâu, làm gì trong những ngày cuối cùng. Trong phòng nầy có tới năm mạng Không quân: Một phi công F5 đã giải ngũ, về sau nầy mới biết tên anh là Lưu Tùng Cương, người mất hai cánh tay là Nguyễn Quý An, Phi đoàn 219 Lôi Hổ, Bùi Văn Thời, Phi đoàn quan sát. Anh Hảo sĩ quan không phi hành và tôi.
Trời mới hơi xế chiều, Những người mới vào ngang qua hành lang để đến những phòng kế thưa dần. Một tên bộ đội vào phòng đọc lại danh sách, chỉ định tổ trưởng, đội trưởng. Rồi hắn đọc mấy điều “nội quy” và dặn tới giờ ăn thì đội trưởng, tổ trưởng cử người xuống sân lấy phần cơm lên chia nhau.
Trong thông báo nói cơm nước đặt nhà hàng của khách sạn cung cấp, nay chỉ thấy phát một chậu cơm chưa chín đều và thau cá ngừ kho với nước muối còn mùi tanh tưởi. Mọi người cố nuốt cho qua bữa với nỗi chán chường, ngán ngẫm.Tôi để ý thấy An tháo hai cánh tay giả dựa vào tường, đặt tô cơm trên túi xách cá nhân, anh dùng hai phần cánh tay còn lại kẹp chặt chiếc thìa xúc cơm ăn, không mấy khó khăn.. Ăn xong anh lần bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ trong túi áo ra, ngắm hình người lính ôm súng lao tới trên nền cờ vàng sọc đỏ, một thoáng tư lự, anh lắc nhẹ bao thuốc rồi đưa một điếu lên môi. Anh lại lần hộp quẹt zippo trong túi áo ra, anh giữ chặt giữa hai cùi tay lắc mạch cho bật nắp rồi kẹp giữa hai đầu gối, dùng đầu cánh tay bật bánh xe và giữ chặt vị trí giữ ngọn lửa để mồi thuốc. Xong anh buông bánh xe, ngọn lửa tắt, anh lắc ngược trở lại đậy nắp cho vào túi. Những động tác chậm rãi, nhưng đều đặn, nhịp nhàng, quen thuộc.
Tối đến, mọi người đi ngủ sớm.Tôi thấy An kéo mùng ra, đứng tìm vị trí để treo. Tôi giúp anh mắc một đầu, rồi căng mùng nằm cạnh đó. Nằm trằn trọc mãi, một lúc đã có nhiều tiếng ngáy lớn, nhỏ. Cũng có người còn thao thức, thở dài.
Những ngày thứ hai, thứ ba, sự lo lắng sợ sệt của ngày đầu nơi mọi người đã vơi bớt, nhưng thời gian trôi đi quá chậm. Những đợt người tiếp tục đi vào dưới sân trường. Nội quy không ai được đi ra khỏi phòng, ngoại trừ đi vào nhà vệ sinh gần đó. Vài người ngồi gần cửa hay đứng lấp ló để ngóng tìm người quen mới vào, đi ngang qua ngoài hành lang.
Đội trưởng và mấy tổ trưởng được chỉ thị lập danh sách “trích ngang”, thu tiền ăn của tổ viên đóng góp như đã quy định trên thông cáo, tiền ăn một tháng! Ai nấy chẳng có việc gì ngồi tụm năm tụm ba hút thuốc, kể đủ thứ chuyện cho qua ngày giờ.
Một người hỏi An về trường hợp của anh. Trước đây giữa cuộc chiến dầu sôi lửa bỏng, nhiều câu chuyện bi hùng của nhiều đơn vị, cá nhân… không phải ai ai cũng biết hết, có khi chỉ nghe biết loáng thoáng rồi lắng chìm, lãng quên theo tình hình sôi bỏng từng ngày. Nay có thì giờ vô tích sự, ngồi nghe một nhân chứng cũng chính là người trong cuộc kể lại nhiều chi tiết sống động gian nguy và quả cảm trong những phi vụ rải và đón biệt kích.
Người phi công khu trục được tiếng oai hùng, dù ai chẳng may lãnh đạn phòng không của địch, thì trước khi “đi không ai tìm xác rơi”, ít nhất anh cũng đã dội lên đầu thù những trái bom nặng ký.
Người phi công Lôi Hổ chiến đấu âm thầm, nhận nhiều hơn cho. Vài cây đại liên trang bị trên phi cơ không đủ làm cho địch quân tán loạn, mà chỉ để được đáp trả bằng những loạt đạn đủ loại bắn lên từ những hang núi hóc rừng, khi chiếc H34 cồng kềnh phải đáp xuống trong những điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Những chiến sĩ biệt kích gan lì, chiến đấu rất cô đơn, mỗi toán hai, ba người giữa núi rừng trùng điệp, quân thù vây bọc tứ bề, không những phải gan dạ mà còn phải mưu trí và biết ứng biến trong từng giây phút. An kể chuyện tự nhiên và sống động, đôi khi anh ngưng lại với vẻ cảm xúc mỗi lần nhắc tới một đồng đội, một phi hành đoàn phải hy sinh hay bị địch bắt giữ mà không có cách nào cứu được, những chiến hữu biệt kích có đi mà không trở về.
Anh kể lại phi vụ cuối cùng, chiếc H34 anh lái bị bắn cháy ở cao độ, con tàu như bó đuốc lao xuống từ trên cao, anh ráng bình tĩnh đáp khẩn cấp xuống chỗ trống, mỗi một tích tắc là một nỗi chết đau đớn kinh hoàng, anh cố cứu lấy phi hành đoàn; nhưng khi đáp xuống an toàn, anh xô cửa nhảy ra khỏi phi cơ thì không nhìn thấy người phi công phụ, anh lăn nhiều vòng cho dập tắt ngọn lửa  phủ quanh người, rồi anh cũng bất tỉnh.
Tôi hỏi anh người phi công phụ là ai? Anh nói Nguyễn Hải Lộc, người Huế, có quen không? Tôi nói Lộc khóa 65 E , hồi đó ở Tân Sơn Nhất tôi có biết tin anh ấy bị bắn rơi máy bay và tử thương nay nghe anh kể lại mới rõ chuyện. Anh nói có lẽ Lộc nhảy ra trước khi phi cơ chạm mặt đất và chạy trốn vào bụi rậm, rồi đuối sức và bất tỉnh, nên khi toán cấp cứu đến thì không tìm thấy.
Tôi hỏi về trường hợp anh đã cứu một phi hành đoàn Mỹ ngộ nạn mà báo chí từng đề cập. Anh kể lại từng chi tiết, nghe xong mới thấy anh là tay gan lì, quyết đoán và đầy tình người. Tôi nói:
-Nghe kể cũng đủ lạnh cẳng, anh liều lĩnh thật!
Anh cười:
-Chỉ là phản ứng tự nhiên, khi cất cánh lên an toàn rồi, nghĩ lại cũng giật mình chứ!
*
Đêm thứ ba, khi tôi vừa chợp mắt thì nghe có tiếng xe ầm ỳ trên đường phía trước cổng trường, tiếng chân người đi lại ngoài hành lang, vài người ngồi dậy trong mùng nghe ngóng. Có người bước vào phòng bật đèn lên và ra lệnh:
-Tất cả dậy thu xếp tư trang, chuẩn bị sẵn sàng “cơ động!”
Lạ tai về hai tiếng “cơ động” nhưng tất cả mọi người đều ngầm hiểu và nhất loạt nhỏm thu xếp chăn mùng, nhanh gọn cho vào túi xách. Không ai nói tiếng nào, chỉ có tiếng động sột soạt, càng làm tiếng xe bên ngoài rộn ràng thêm lên giữa đêm khuya. Thu xếp xong chỉ trong vòng mấy phút, tôi quay lại tính phụ giúp An thì anh đã ngồi trên ba lô gần lối cửa.
Lúc xếp hàng xuống sân để ra xe giữa hai hàng vệ binh súng ống lăm lăm cầm tay, tôi cố ý đi gần An để giúp anh khi cần, nhưng anh đã đứng cách sáu, bảy người phía trước. Ra tới đường, mọi người lần lượt lên xe, những chiếc Motolova phủ kín trần, ngồi bó gối chật ních giữa sàn xe, nhiều tiếng thở dài lo lắng, có tiếng xì xầm bàn tán, hoang mang chẳng hiểu chúng nó đem mình đi đâu giữa đêm khuya?
Tôi định nói vào tai mấy người ngồi cạnh phải cảnh giác trường hợp Tết Mâu Thân để đối phó nếu có chuyện bất trắc xẩy ra, nhưng hai tên vệ binh đã nhảy lên chống súng ngồi hai bên thành cửa xe phía sau và hai tên khác trên đầu xe, phía bên ngoài.
Đoàn xe lần lượt chuyển bánh qua những con đường phố khuya im lìm, ánh điện vàng vọt, ra xa lộ về hướng Long Khánh, rừng cao su hai bên tối om. Tôi cảm thấy bồn chồn lo lắng về hình ảnh Mậu Thân, miên man nghĩ cách đối phó nếu tình huống xấu xẩy ra. Rồi tôi lại tự trấn an là trường hợp sẽ xẩy ra như thế nếu Mỹ quay trở lại dưới bất cứ hình thức nào, ném bom hay đổ quân. Nhưng rồi tôi tin chắc là không đời nào! Những lực lượng nhỏ, lẻ tẻ còn kháng cự không đủ sức làm chúng sợ để phải tiêu diệt ngay những kẻ đang ở trong tay.
Đêm càng về khuya khí hậu rừng lạnh lẽo. Đoàn xe rẽ vào một doanh trại cũ thì trời vừa hừng sáng. Có người cho biết đây là căn cứ Long Giao của quân đội Mỹ đóng sau nầy đã bàn giao cho Trung đoàn X…Chúng tôi xuống xe, trời chưa sáng hẳn, sương xuống dày đặc, hơi lạnh buốt cóng chân tay. Chúng tôi được chỉ vào một căn nhà kho mái tôn, cao rộng, dấu vết hoang tàn, ẩm mốc…căn nhà chứa đủ bốn đội, non 120 người.
Trời sáng nhanh, chúng tôi dọn dẹp và phân chia chỗ nằm. Mỗi người đi lượm nhặt những tấm ván ép, giấy carton cũ, bao cát để kê lót chỗ nằm của mình. Căn nhà được gọi là “láng”, Bác sĩ Cẩm được cán bộ chỉ định làm “láng trưởng”, Bs Cẩm là Trung tá Quân y , Chỉ huy trưởng Quân y viện Quy Nhơn, dáng người ông cao lớn, chừng ngoài bốn mươi, tư cách chững chạc, trước mặt bọn cán bộ ông không tỏ vẻ khúm núm, sợ sệt như một vài người. Trước mặt anh em, những lần tập họp điểm danh, chia công tác, trong khi chờ tên cán bộ đến, ông luôn ôn tồn khuyên nhủ và an ủi mọi người cũng là cách tự trấn an mình. Lời lẽ của ông khá khôn khéo để anh em đồng cảnh không buồn lòng và bọn chúng có nghe được cũng khó bắt bẻ, gán tôi.
Chỉ mới có mấy ngày ở đây mà đã cảm thấy không khí tù túng, ngột ngạt, lâu dài. Lao động là làm những công việc tạp dịch lặt vặt, dọn dẹp cỏ rác trong doanh trại, sửa sang lại những hàng rào kẽm gai, những con đường đất đỏ bị xói mòn qua mùa mưa trước. Ai cũng trông đến ngày được “học tập” cho xong để được về nhà sớm!
An đáng lẽ được miễn lao động, nhưng anh vẫn đi theo anh em, anh nói:
-Đi làm với anh em cho vui, ngồi nhà cũng buồn. Hơn nữa thấy anh em phơi nắng, dầm mưa mình cũng thấy áy náy.
Không cản được, mọi người cũng chiều theo ý của anh.. Chỉ khi nào công việc quá nặng nhọc, hoặc những buổi chiều nắng gay gắt, nhiều người mới khuyên anh ở nhà giúp dọn dẹp vặt vãnh, tới giờ đi nhận phần cơm trước cho tổ, đội.
Mới ba tuần lễ mà thời gian như cả mấy tháng, nhiều người nôn nóng, trông đợi ngày giờ được “học tập!”
Thế rồi ngày đó cũng đến! Căn “láng” chúng tôi đang ở phải giải tỏa để dùng làm hội trường. Các đội được phân tán vào những nhà khác. Đội của tôi có hai tổ dọn qua căn nhà tôn mới dựng bên kia nhà bếp và giếng nước, còn một tổ ở chung nhà với đội bên cạnh. An và tôi thuộc tổ I, bên trái. Anh muốn nằm đầu bìa cho tiện việc treo mùng và đứng lên ngồi xuống dễ dàng, anh tổ trưởng cho tôi nằm kế An để giúp anh khi cần. Mặc dù mọi người trong tổ, đội lúc nào cũng sẵn sàng muốn giúp anh bất cứ việc gì, nhưng tính anh rất tự trọng, đầy nghị lực và nhẫn nại, anh nói cứ để anh làm lấy cho quen, nhờ vả hoài sẽ trở nên ỷ lại và lười nhác.
Đối với tôi, An là khóa đàn anh xa nên tôi vẫn tôn trọng trong cư xử, trái lại anh nói: “Mình cũng sàng sàng, xấp xỉ nhau cả, cứ coi như bạn bè cùng lứa.”
Nằm kế tôi là ông Lô Hồng Chân, tổ trưởng tổ I, đến ông Sen Sao Khao, đội trưởng, cả hai là sĩ quan Thanh tra thuộc Bộ Tổng Tham Mưu gốc người Nùng, tính tình bộc trực, hiền lành chất phát. Tổ II nằm phía đối diện, anh Hảo là tổ trưởng, nằm cạnh Hảo là anh Lưu Tùng Cương, trước An mấy khóa, trông anh rất trẻ, hiền lành vui tính và ít nói.
Chuyện trông đợi rồi cũng đến, những buổi sáng tập trung một nửa trại lên hội trường để “học tập” gọi là “lên lớp”, nửa trại còn lại có “lớp” buổi chiều. Những cán bộ thuyết trình “giảng dạy” gọi là “giáo viên”, những người nầy nói năng trơn tru, lớp lang, mạch lạc , thuộc lòng, nhắm đúng tâm lý những người thua cuộc đang hoang mang lo lắng, nên ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm, yên lòng.
Trong thời gian “học tập” được gia tăng phần ăn lên một chút, có nhiều bữa ăn mỗi người được chia một mẫu thịt bằng đầu ngón tay cái, làm cho ai nấy cũng thấy “phấn khởi”. Ai có đem theo tiền được cho “đăng ký” (lập danh sách) rồi đội trưởng đi theo cán bộ ra “căn tin” (câu lạc bộ, cửa hàng nhu yếu phẩm) của trại để mua đem về phân chia: đường sữa, thuốc lá…
Sau những buổi sáng “lên lớp” ở hội trường, những buổi chiều phải ngồi “thảo luận” từng tổ 15 người, anh em gọi là “ngồi đồng!” Thảo luận “bài học” buổi sáng, chung quanh những câu hỏi đã được hướng dẫn sau mỗi buổi học, một viên cán bộ “chính huấn” đến ngồi theo dõi suốt buổi. Một vài người khai mào “phát biểu”, rồi ai cũng phải “cố gắng” phát biểu, cho lấy có, tên cán bộ như soi rõ tâm lý đám “học viên”:
-Các anh phát biểu thì phải cho “sâu, sát”, nghĩa là các anh phải thấy rõ “bản chất của Đế quốc Mỹ là xâm lược”, “ngụy quyền Sài Gòn là tay sai”, mà các anh là thành phần cao cấp trong chế độ, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Các anh đừng có phát biểu chung chung mà phải “động não”, phải “xoáy sâu vấn đề”: đảng CSVN đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là đỉnh cao trí tuệ của loài người, Bác đã lãnh đạo đảng và nhân dân đi từ thắng lợi nầy đến thắng lợi khác, đã chiến thắng ba Đế quốc to là Pháp, Nhật, sừng sỏ nhất là Đế quốc Mỹ. Vì vậy, các anh phải thấy được thời đại Hồ Chí Minh là thời đại vẻ vang nhất trong lịch sử Việt Nam.
Mới “học tập” được vài bài mà tinh thần ai nấy quá căng thẳng, lúc nầy mới thấy đi lao động “khỏe hơn”, nắng mưa nhọc nhằn một chút nhưng không cảm thấy nhức đầu buốt óc, nghe những lời rêu rao nhân nghĩa giả dối đầu môi, ép buộc người thất thế phải tự kết tội, phải tự xỉ vả mình, đồng cảnh phải tố cáo lẫn nhau!
Thế rồi mười bài học cũng trôi qua. Có người  còn lạc quan rằng “học” xong sẽ “mãn khóa”. Lại có kẻ loan tin đã dựng xong lễ đài mãn khóa ở trại Sóng Thần. Nhiều đêm nghe tiếng đoàn xe di chuyển đâu phía ngoài đường lộ, có người nhỏm dậy kêu lên “Xe tới rồi anh em ơi!” Làm nhiều người choàng tỉnh dậy theo, có lần tôi buôt miệng:
-Ngủ đi mấy cha nội ơi! Phải “học” thêm năm, mười năm nữa, không phải một hai tháng đâu mà bật rật!
 Nằm trong mùng anh Viễn lên tiếng mắng vốn:
-Cha nào miệng ăn mắm, ăn muối nói bậy bạ, xui quẩy!
Lại có người phụ họa, như trút tức bực:
-Đúng là thối mồm!
Tôi im luôn, chính tôi cũng giật mình khi nói ra ý nghĩ thầm kín mà sau nhiều ngày nghiền ngẫm lá số Tử vi của một số người mới quen biết khi vào đây trong. Suy đoán từ cộng nghiệp của một nhóm nhỏ nằm trong tập thể lớn. Tôi cũng mong rằng điều tôi nghĩ là không đúng, lời tôi nói là sai bậy! Nhưng sau mấy lần chuyển trại, nhiều người vẫn còn đi chung với nhau, khi lên Bù Gia Mập, ra Xuân Phước… như anh Phạm Đức Vui, anh Hồ Viết Viễn, đôi khi còn nhắc chuyện cũ để nửa đùa, nửa thật: “Cũng tại chú mầy nói nói bậy mà mình ở tù lâu!”
Sau những buổi “lên lớp” rồi về tổ, đội “đào sâu thảo luận” từng “bài học”, ít hay nhiều ai cũng phải “thấm nhuần đường lối chính sách của Cách mạng”:
-Bây giờ các anh đã thấy rõ tội lỗi của các anh đối với nhân dân và “cách mạng!”  Nay các anh đã được đảng và nhân dân khoan hồng mà tha cho tội chết; vì vậy mà các anh phải biết ăn năn hối cải, phấn đấu học tập rèn luyện để sớm trở thành người công dân tốt trong xã hội mới, để sớm được trở về sum họp với gia đình! Bước đầu sự tiến bộ của các anh sẽ được đánh giá trong “Bản tự khai”.  Các anh phải khai báo cho thành thật với “cách mạng”, như vậy các anh mới mong sớm “giác ngộ” mà về đoàn tụ với vợ con được!
Đó là lời tên chính huấn nói sau khi hết bài học cuối cùng! Tôi mơ hồ chiếc bánh vẽ đang treo lên tường! Buổi “lên lớp” tổng kết để chấm dứt mười “bài học”, để giáo viên hướng dẫn cách “tự khai” từng đề mục, từng chi tiết và giải đáp mọi thắc mắc của “học viên!
Tan lớp, về tổ đội từng người phải “động não” mà khai báo sao cho “tốt!”
Giữa năm 1972 (hay 1973?) tôi được Phi đoàn sắp xếp đi học một khóa “Mưu sinh và thoát hiểm” ở Trung tâm huấn luyện Không Quân Nha Trang, giảng viên thuyết trình về “kinh nghiệm khi rơi vào tay kẻ địch và cách khai báo” với Việt Cộng. Vị giảng viên nầy là một phi công trực thăng bị VC bắn hạ, bắt giam và được thả về trong đợt trao trả tù binh. Anh cho biết nếu chẳng may rơi vào tay chúng, ban đầu chúng sẽ ngọt ngào phủ dụ cho mình thành khẩn khai thật, khai hết, chúng sẽ bắt khai đi khai lại nhiều lần để so sánh, đối chiếu. Theo kinh nghiệm của anh thì chỉ nên khai những gì cần khai cho dễ nhớ, những gì giấu được thì bỏ qua, khai thêm, khai bớt hoặc khai trước sau bất nhất chúng sẽ truy vấn đến khổ sở, dù chúng dụ ngọt hay hăm dọa cũng đừng tin, đừng sợ mà phải tỉnh táo giữ vững lập trường. Với hai tiếng đồng hồ, anh trình bày rất nhiều kinh nghiệm trong thời gian anh bị bắt làm tù binh CS, không hiểu sao tôi lại chú ý và ghi nhớ kỷ chuyện “khai báo?”
Tôi cũng kín đáo truyền đạt lại kinh nghiệm nầy cho nhiều người, trừ một vài người tỏ ra “quá tiến bộ” trong “học tập” qua những lần “phát biểu” tự tố cáo mình và tố cáo đồng cảnh một cách hăng say, cuồng nhiệt! Chẳng phải ích kỷ mà chỉ ngại những người nầy đem ra phê bình trước tổ, ngay cả khi có mặt bọn cán bộ thì nguy hiểm!
Đến giờ khai báo, người nào người nấy ngồi im lặng, suy tư rồi cắm cúi viết. An lấy tấm ván nhỏ kê lên hai thùng đạn (loại hộp chứa đạn có nắp kín, dung tích chừng ba, bốn lít, người nào cũng nhặt một hai cái để đựng thức ăn, làm ghế ngồi, đem theo những lần chuyển trại cho đến khi bọn cai tù là công an thì chúng tịch thu hết!) anh kẹp cây bút giữa hai phần cánh tay còn lại để viết, tên cán bộ đi vào nhìn thấy cũng tỏ vẻ ngạc nhiên.
Gần hết giờ quy định cho việc khai bản nháp, tên cán bộ phụ trách đột ngột xuống kiểm tra và gom thu tất cả, kể cả những mảnh giấy ghi chép ngoài, hắn nhặt luôn tất cả những mẫu giấy lớn, nhỏ mà nhiều người vò vứt dưới nền nhà. Hắn bảo các anh được nghỉ ngơi đến sáng mai khai lại và viết sạch sẽ trên mẫu giấy do trại phân phát. Nhiều người không kịp cất giấu mẫu giấy ghi tóm lược những điểm chính để khai lại lần sau như tôi đã chỉ mánh. Trước khi viết bản để nộp may tôi đã đề phòng, cảnh giác nên viết hai mẫu dàn bài tóm tắt và cất đi một bản.
Lúc nầy tôi mới thấy sự ích lợi thiết thực của khóa học “Mưu sinh và thoát hiểm”. Tôi thầm cám ơn chiến hữu Trung úy phi công Trực thăng là vị giảng viên của khóa học, tôi hy vọng và thầm cầu mong anh được may mắn, không lâm nạn lần thứ hai, trong lúc nầy.
Hôm sau, trại phát mẫu giấy “Bản tự khai” để mọi người viết lại, rồi những ngày kết tiếp là những buổi “ngồi đồng” căng thẳng để “kiểm điểm: phê và tự phê” bản tự khai của từng người. Mỗi người lần lượt đọc bản tự khai của mình, những người khác trong “tổ học tập” nêu câu hỏi thắc mắc xem đương sự đã khai đúng, khai đủ, khai thành thật chưa? Có những điểm nào không rõ ràng, chưa thành khẩn thì mọi người phải “góp ý phê bình giúp đỡ” để đương sự phải “nhận sai sót khuyết điểm” mà khai lại cho đúng.
Tên cán bộ ngồi theo dõi thấy chúng tôi có vẻ miễn cưỡng đặt câu hỏi chung chung, vô tội vạ, không cố ý “đấu tố” nhau, hắn gay gắt: “Các anh còn tiêu cực, bao che tội lỗi cho nhau, chưa mạnh dạn nhìn nhận tội lỗi của mình, cũng như chưa thẳng thắn phê bình, giúp đỡ cho người khác thấy! Như thế thì các anh làm sao mà mong tiến bộ được”
Được kích động, vài người bắt đầu đào sâu, tìm cách để “tố” đồng cảnh, hoặc tự phê rằng mình còn khai thiếu sót,  tự che giấu. Tên tên cán bộ tỏ vẻ hài lòng:
-Đấy! Các anh phải mạnh mẽ phê và tự phê như vậy. Nhưng đó cũng mới chỉ là bước đầu có tiến bộ, các anh phải mạnh dạn hơn nữa! Các anh còn tự giấu diếm và bao che cho nhau nhiều lắm.
Nghe kể ở những tổ khác có người còn tự bịa ra rằng trong những cuộc hành quân đã đốt bao nhiêu nhà, bắn chết bao nhiêu “cách mạng”, được cán bộ khen là rất thành khẩn! Có một người còn đấu tố rất hăng vị chỉ huy trực tiếp của mình cũng đang ở trong trại nầy!
Những người thân thiết, tín cẩn trong tổ “học tập” của tôi vẫn ngầm bảo nhau nhất định ù lì không mắc mưu và đừng quá sợ hãi vì những lời dụ dỗ, răn đe của bọn chúng, giữ một lập trường “phát biểu chung chung!” Rồi cũng qua, “kiểm điểm bản tự khai” của người cuối cùng trong tổ xong, tên cán bộ phụ trách thu hết bản tự khai và phát bản mới bắt viết lại với lời dặn “Lần nầy là lần chót, các anh phải khai cho đúng, khai thật, khai hết!”
Tôi nhủ thầm “Ừ! Thì khai hết! Trước sau như một!”
Càng ở lâu trong nhà tù CS mới thấy sự thâm hiểm của chúng về Mười bài học nhồi sọ, bước đầu khủng bố tinh thần trước khi chúng khéo léo vừa khuyến dụ vừa đe dọa người tù phải “thành khẩn khai báo: khai thật, khai hết!” Để rồi “Bản tự khai” là bản cáo trạng mà từng người tù phải tự kết tội cho chính mình, thậm chí là một bản án tử hình, một khi bọn cai tù cần đến mà tòa án “nhân dân” của chúng khỏi mất công soạn thảo!
 Như sau nầy, chỉ một thời gian ngắn sau khi học tập khai báo xong, chuyển trại lên Suối Máu-Tân Hiệp, ngày xử án hai người vượt ngục là anh Tư và anh Bé, công tố chỉ cần đem “bản tự khai” của hai anh ra đọc rồi đúc kết:
 “Đấy! Tội ác của các anh đối với cách mạng, đối với tổ quốc và nhân dân do chính các anh khai báo, nay các anh không chịu yên tâm học tập để nhận được sự khoan hồng của đảng và nhân dân, các anh còn âm mưu trốn ra ngoài để tiếp tục chống phá cách mạng, nhưng cách mạng vẫn luôn đối xử nhân đạo với các anh, giúp các anh không tiếp tục gây thêm tội ác đối với nhân dân nữa bằng cách tuyên án “Tử hình!”
Ngay lập tức, toán thi hành án xông lên, nhét trái chanh vào mồm hai tử tội và lôi nạn nhân ra pháp trường, không chậm trễ.
Bản tự khai cũng chính là trọng lượng nặng nhẹ của từng người để xếp loại và chuyển trại thích hợp cho việc cai quản, hoặc để tiện việc “xét tha” sau nầy.
“Học tập và khai báo” xong, tinh thần bớt căng thẳng. Tiếp tục những công việc dọn dẹp quanh trại. Những buổi rảnh rỗi, An nhặt miếng sắt mỏng đem mài thành lưỡi dao để sử dụng lặt vặt, nhiều anh em bắt chước làm theo. Một tên cán bộ tình cờ trông thấy, hắn ra lệnh đem nộp và cấm tiếp tục. Nhiều người chế dụng cụ đào hà thủ ô, nấu nước uống, có người lấy được nhiều phơi khô dể dành, tính nay mai đem về làm quà!
Một ngày Chủ nhật nghỉ, anh Lưu Tùng Cương và tôi tìm thấy dây khoai mài gần gò mối ngoài bãi đất trống, anh và tôi thay nhau đào xuống sâu bốn mét, hơn ba ký củ, cả hai tổ góp đường nấu chè.
Vào một buổi sáng “lao động xã hội chủ nghĩa” ngày Chủ nhật, thấy có một phái đoàn “cấp cao” ở đâu tới “kiểm tra”, họ dừng lại gần tổ chúng tôi, thấy An đang phụ với anh tổ trưởng kéo chùm kẽm gai, một người chỉ trỏ và nói gì đó với mấy người kia, một người lấy giấy bút ra ghi chép. Thế là anh em lại bàn tán, có người nói “Chắc là An được cho về, trước khi bọn mình mãn khóa!”
Quả nhiên, ít hôm sau, An được gọi lên ban chỉ huy trại để “làm việc”. Anh được thông báo sẽ được cho về. Ai cũng mừng, phần thì mừng cho anh, phần thì hy vọng cũng sẽ đến lượt mình.
Trong mấy ngày An làm thủ tục chờ đợi, nhiều người đọc địa chỉ của mình nhờ anh về Sài Gòn nhắn tin, không ai dám ghi lên giấy. Tôi cũng nhờ anh về nhắn với người em chú bác ở cư xá Vĩnh Hội. Lúc anh đi, tôi chào và nhắc “nhớ giúp nghe”, thế là anh đọc đúng tên người và địa chỉ mà tôi đã nói với anh mấy hôm trước. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ bụng, về Sài Gòn, có lẽ bận rộn công việc, anh không thể nhớ hết từng ấy địa chỉ của nhiều người, hơn nữa thời buổi nầy đi lại cũng khó khăn, nên tôi cũng không hy vọng và thấy cũng chẳng có gì quan trọng, chỉ muốn nhắn cho người nhà biết tin để yên tâm, thế thôi!
Vậy mà, gần bảy năm sau, khi tôi về thì người em nhắc lại  “Hồi anh đi được hơn ba tháng, có một ông đi xe đạp với hai cánh tay giả tới đây nhắn tin, anh ấy nói là ở cùng chỗ với anh mới được cho về trước.” Tôi càng thêm thán phục trí nhớ và thiện chí của An.

 Trước khi về, An để lại cho tôi tấm nylon mà trại phát làm chiếu nằm, thứ nylon dệt sợi để may bao cát, tôi đem theo lúc chuyển lên trại Suối Máu, tháo rời cả hai tấm rồi xe sợi, đan đủ một chiếc võng, tôi đã mang theo nhiều trại qua những năm tháng sau nầy. Mắc võng nằm những buổi chiều ở rừng Bù Gia Mập, những buổi trưa nắng ở Bù Đăng…lại chợt nhớ tới An, chẳng biết tình cảnh của anh ra sao bên ngoài cái xã hội khốn khó nầy?
Hết hạn, rồi tôi cũng được thả về! Từ Xuân Phước ghé Nha Trang hai ngày tôi về tạm trú ở Vĩnh Hội mấy hôm nữa và xuống Giá Rai, Bạc Liêu, gia đình nhà vợ đang tạm cư ở đó
Gần một năm khó sống với bọn VC địa phương quá hung hăng hắc ám, tôi bỏ trốn khỏi Giá Rai- Bạc Liêu về vùng kinh tế mới Xuyên Mộc. Một lần tôi lên Sài Gòn, gặp anh Nguyễn Bá Cầu đang làm thợ sửa đồng hồ trên lề đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, anh Cầu thuộc Phi đoàn 120 cũng cùng khóa với An, ở chung tổ đội với tôi ngoài Xuân Phước, anh về trước tôi một năm. Tôi hỏi địa chỉ An nhưng anh không biết. Anh nói chỉ gặp An có một lần lúc đó An đang làm “gia công” thợ bạc gần dưới Ngã Bảy, nhưng lần sau anh ghé lại thì An đã nghỉ việc.
Mãi về sau tôi gặp Xuân mới biết địa chỉ An, anh Phạm Ngọc Xuân cùng khóa và cùng Phi đoàn với An. Xuân cho hay:
-Hắn đóng tàu vượt biên hai lần nhưng thất bại!
Tôi hỏi:
-An cũng tổ chức vượt biên nữa à?
-Hắn tự đóng tàu lấy mới đáng nói chứ!
Tôi trố mắt khâm phục, nhưng không mấy ngạc nhiên về tài năng và ý chí của An.
*
Tôi dẫn xe đạp đi vào con hẽm 322 đường Trần Bình Trọng, địa chỉ mà Xuân cho. Tôi bấm chuông và nhìn vào khoảng sân không tới sáu mét vuông. Một giàn lan treo lủng lẳng, nhiều chậu lan và bonsai xếp hàng vòng quanh chân tường. Có tiếng chân, An bước ra mở cửa, anh cười:
-Để nhớ xem, Ân phải không?
-Tôi chịu thua trí nhớ của anh! Mười mấy năm rồi chứ ít chi. Thấy anh cũng không thay đổi gì mấy.
-Già nhiều đấy chứ không thay đổi sao được.
-Tóc chưa có sợi bạc là chưa già.
Tôi theo An vào nhà, anh mời tôi ngồi và anh đi thẳng ra phía sau. Anh mang nước trở ra. Tôi đứng dậy đỡ lấy và cùng ngồi xuống. Anh nhấc bao thuốc lá trên bàn, lắc một điếu đưa lên môi, vừa nói:
-Hồi ở Long Giao tôi nhớ hình như bạn không hút thuốc, sau nầy có hút không, làm một điếu cho vui.
-Dạo sau tôi có thử thuốc lào, nhưng bị say ngã té nên bỏ luôn.
An chậm rãi lấy hộp quẹt lên, cũng những động tác bật lửa như ngày trước, ngày đầu tiên ở trường Nguyễn Bá Tòng.
Những câu chuyện vãn mười mấy năm không thể nào kể hết. Tôi hỏi và anh kể rõ về hai lần anh tự tay đóng tàu vượt biên, những nguyên nhân không thành công. Anh nói hiện nay anh đang trồng lan, anh đứng dậy bảo tôi ra xem cho biết.
Anh giải thích về đặc tính và giá trị của từng loại lan. Anh giảng giải về phương pháp lai giống. Tôi chẳng có chút kiến thức gì về lan nên cũng chỉ nghe như vịt nghe sấm.
Tôi nói:
-Tôi cũng thích cây kiểng nhưng không kiên nhẫn và tỉ mỉ như anh được.
Anh nói:
-Nếu để ý nghiên cứu và chịu khó lúc ban đầu thôi, chẳng khó khăn gì đâu. Bạn ở dưới Xuyên Mộc, khí hậu rất thích hợp. Rừng dưới đó cũng có nhiều giống lan quý hiếm. Nghề trồng lan ở Sài Gòn cũng sống được lắm.
Anh kể tên vài loại lan ở rừng Xuyên Mộc, tôi nghe xong rồi cũng không nhớ. Anh hứa sẽ kiếm cho tôi tài liệu để nghiên cứu và thực hành.
Quay vào nhà ngồi một lúc thì trời xế chiều, tôi xin phép cáo từ. Tôi nói biết nhà rồi, có dịp lên Sài Gòn tôi sẽ ghé chơi. Anh bảo tôi ngồi đợi anh một chút, rồi đi vào bên trong, tôi đoán anh vào lấy vật gì đó cho tôi, tôi đứng dậy nhìn bức tranh treo trên tường. Một lát anh trở ra, hai phần cánh tay kẹp xấp giấy bạc loại lớn nhất, anh nói:
-Bạn cầm lấy xài đỡ.
Tôi cố nén cơn xúc động. Tôi đỡ lấy xấp giấy bạc, vỗ vai anh và nói:
-Anh làm như vậy tôi sẽ không bao giờ trở lại đây nữa.Rất biết ơn anh, nhưng cho phép tôi được từ chối.Tôi ở dưới quê kinh tế mới nhưng cũng không đến nỗi nào đâu. Phải sống lam lũ bề ngoài để che mắt tụi nó thôi. Anh Xuân cũng thường giúp tôi, với Xuân thì tôi không từ chối.
Tôi cuộn xấp giấy bạc nhét vào túi áo anh, thấy anh có vẻ áy náy, tôi nói:
-Anh yên chí đi, hiểu tấm lòng của anh là quý rồi. Lẽ ra tôi phải giàu có mà giúp anh mới đúng.
Nghe tiếng ho, tôi hỏi An:
-Ai ở phía sau đó?
Anh nói:
-Bà cụ, mẹ tôi.
-Vậy mà anh không nói, cho tôi vào thăm bà cụ.
Anh dẫn tôi vào chào và hỏi thăm cụ. Bà đã ngoài chín mươi, nét phúc hậu quý phái, búi tóc bạc phơ, cụ đeo mắt kiếng và đang khâu vá, tai còn nghe rõ, cụ nói chỉ có đôi chân yếu nên đi đứng khó.
Tôi nói:
-Mẹ cháu cũng gần chín mươi, còn đi đứng được nhưng mắt thì yếu và tai không nghe rõ. Cụ còn được anh An ở bên, cháu không được may mắn như vậy.
Cụ an ủi:
-Mỗi người có một hoàn cảnh cháu ạ, thời buổi nầy ai ai cũng khổ cả cháu ơi.
Tôi cũng vâng dạ và chào cụ để ra về.
An tiễn tôi ra cổng.
*
Gần một năm sau, tôi có công việc đi lên Sài Gòn.Tôi đạp xe đến nhà An, giữa trưa Sài Gòn oi nắng. Anh có sẵn cho tôi tập sách dạy trồng Lan và một tập tài liệu về Bonsai đánh máy, những hình vẽ đã được anh ghi chú nhiều chi tiết cặn kẽ. Có một chuyện hơi nguy hiểm, tôi định gợi ý nhờ anh giúp, nhưng tôi chần chừ đắn đo mãi. Rồi khi vào thăm bà cụ, khi nhìn hai phần cánh tay còn lại lúc anh ngã người sau ghế phà khói thuốc, trầm ngâm. Bất giác tôi thấy ái ngại tính thôi. Những câu chuyện cũ, mới… chung quanh đời sống, thế rồi tôi cũng kể câu chuyện với anh. Tôi nói tôi lên Sài Gòn lần nầy là để đưa một người bạn đi chữa bệnh, anh ta trước là Trung úy biệt phái Xây dựng nông thôn, sau mấy năm tù trở về anh vượt biên bằng đường bộ đến Thái Lan, ở trại tỵ nạn anh đã theo một tổ chức trở về “Phục quốc” từ Bắc Thái Lan qua ngả Lào, đến biên giới Lào -Việt, bị Việt Cộng phát giác truy đuổi, một số bị bắn chết, một số bị bắt, anh ta và một số ít trốn thoát về tới Miền Nam rồi phân tán mỗi người tự hòa nhập mỗi nơi để hoạt động. Anh ta lấy tên giả là Hoàng Đình, thường gọi là chú Tư, nhập “hộ khẩu” giả trong vai là anh vợ của một quân nhân Sư đoàn II Bộ binh trước đây, hiện ở kinh tế mới dưới Xuyên Mộc. Anh tìm đến tôi mời tham gia cộng tác, ban đầu tôi nghi ngờ có thể đây là tổ chức “Kháng chiến, Phục quốc” giả do VC tổ chức để giăng lưới, gài bẫy đánh lừa, nhưng sau một thời gian theo dõi, tìm hiểu, tôi tin  tổ chức của anh là “thật”. Nhưng tôi nhận thấy tổ chức nầy khó phát triển và khó vận động lôi kéo quần chúng, khó có thể hoạt động bền vững, lâu dài. Tôi hứa sẽ yểm trợ, giúp đỡ nhưng sẽ tham gia khi biết rõ tinh thần và bản lĩnh của nhóm lãnh đạo mà Tư hết lòng tin tưởng, ngợi khen. Ngoài những thời gian đi liên lạc, hoạt động tổ chức, Tư lao động ruộng rẫy với người “em rễ” giả,. Mới đây, một hôm đang ngủ trong chòi rẫy giữa rừng, anh bị trúng gió, miệng méo xệch, tay trái bị tê liệt. Sợ lộ tung tích nên không thể vào các bệnh viện, tôi đưa anh lên Sài Gòn đi châm cứu “chui” ở cư xá Nguyễn Thiện Thuật, hiện tại tôi đang gởi anh ta tạm trú ở nhà một người bạn của tôi dưới Bà Quẹo. Tôi hỏi An nếu thấy không trở ngại anh có thể giúp được gì cho anh ta như giới thiệu chỗ nào chữa bệnh tốt hơn, giúp ý kiến về phương cách hoạt động, giới thiệu những người có tâm huyết muốn tham gia hay yểm trợ, vì đây là một tổ chức “Phục Quốc thật” , không sợ bị lầm. An hứa sẽ giúp trong khả năng hạn chế của mình
Tôi cáo từ khi bóng nắng xuống thấp bên kia vách tường. Đến chào bà cụ, nhưng cụ đang ngủ. Tôi ôm theo hai tập sách anh cho. An chỉ lên tấm bằng “khen thưởng” mà anh đã đoạt giải nhất trong cuộc dự thi triển lãm của hội “Cây Cá Kiểng” vừa qua với giò Hồ Điệp. Tôi nói:
-Dân chơi lan ở đất Sài Gòn nầy toàn là bậc sư cả mà anh chiếm giải nhất thì xin bái phục.
Ra tới sân anh còn khoe với tôi giò Nghinh Xuân đang trổ hoa, “một loại lan chỉ trổ vào dịp Giáng Sinh cho đến Tết.” Anh giải thích.
Tôi lên xe đạp còn ngoái lại đưa tay vẫy chào anh lần nữa, rồi đạp xe loanh quanh những con đường phố bụi bặm với nỗi buồn trống trải.
*
Tôi đưa Tư đến giới thiệu với An, sau khi ra về tôi nói với Tư rằng An là một người có tâm chí tốt, nhưng hoàn cảnh của anh ấy thì như anh đã thấy, lại còn bà mẹ già trên chín mươi, cần thiết lắm mới nên đến nơi đó. Có chuyện gì xẩy ra là mình ân hận suốt đời. Tư nói rằng anh cũng suy nghĩ như tôi vậy.
*
Tháng Ba,1992 tôi đến Texas được vài ba tuần lễ thì gặp Sáu Đằng, bí danh của người “lãnh đạo” tổ chức Phục Quốc mà Tư đang hoạt động. Ông ta xuất thân từ Quốc gia Hành chánh, từng là Phó tỉnh trưởng nội an nhiều tỉnh ở Miền Nam, sau khi ra khỏi nhà tù CS ông đã vượt biên rồi đến Mỹ sớm. Qua hai lần diện kiến và nhiều lần nói chuyện, tôi đánh giá vị nầy không mấy có viễn kiến chính tri, thường chủ quan về thời cuộc, tâm chí tầm thường, tham vọng hạn hẹp, chỉ có thể thuyết phục nhân tâm một số người, đặt mục tiêu cao nhưng không xa, được chăng hay chớ, nếu thành công thì về chia chỗ ngồi, ghế lãnh tụ. Còn thất bại thì là kẻ dễ phủi tay, “đem con bỏ chợ!” Ai chết sống mặc ai!
Tôi định biên thư bóng gió gởi về cho Tư biết đôi phần. Nhưng chỉ vài tháng sau thì được tin Tư bị bắt tại nhà người bạn tôi ở Bà Quẹo, về sau nầy tôi được biết rằng bọn phản gián Hà Nội đã  lần ra dấu vết, chúng phối hợp với công an bảo vệ chính trị tỉnh Đồng Nai theo dõi anh từ Xuyên Mộc đến Sài Gòn.
Anh bạn tôi nhanh chân trốn thoát qua Nam Vang, tin chỉ có thế, thư từ gởi về Việt Nam đã chậm lại không thể hỏi rõ, công an bưu điện có thể mở bất cứ thư từ “nghi ngờ” nào gởi đến và đi để kiểm duyệt. Tôi không biết Tư có đến nhà An mấy lần, có bị chúng nó theo dõi không? Nếu có thì thật là nguy cho An. Nếu không, tôi tin tưởng Tư sẽ không hé môi khai báo thêm gì về An cả. Nỗi âu lo trong tôi kéo dài ngay cả lúc An được anh Nguyễn Quý Chấn và nhóm thân hữu vận động với chính phủ Hoa Kỳ qua một vị cựu Đại tá người Mỹ gốc Nhật để An được đi định cư. Anh Nguyễn Quý Chấn trước có ở Phi đoàn 417 Hỏa Long, cùng là Nguyễn Quý người Miền Bắc, nhưng hai anh không cùng họ hàng với nhau.

Hơn một năm sau, khi An đến Cali, tôi mới thở phào, nhẹ nhõm.
Ở tù thêm mấy năm, Tư mưu kế thoát khỏi ngục CS và trốn qua biên giới Thái Lào, rồi tiếp tục hoạt động trở lại. Tôi vẫn do dự, ngại nói rõ với Tư những nhận xét của tôi về tổ chức và lãnh đạo mà tôi đã gặp trực tiếp và đánh giá. Chần chờ mãi cho đến một ngày mọi tiên liệu của tôi đã trở thành sự thật. Thêm một lần tôi hối tiếc, tự trách mình thiếu quyết định dứt khoát sớm, làm hệ lụy đến cho nhiều người, ngay cả chính bản thân mình!

No comments:

Post a Comment