Sunday, June 30, 2013

NGÀY LỄ KHÔNG -QUÂN TƯNG BỪNG NHẤT




Trong đời binh nghiệp dài 22 năm, thật sự tôi chỉ tham gia hoạt động cho KQVN chỉ có 17 năm, vì thời gian còn lại là đi học. Trong 17 năm, phải nói là hoạt động tích cực, dù đôi khi tôi nghe cấp trên của tôi bảo: "làm để thăng cấp hay sao mà làm dữ vậy". Ông ta có ý nói, dù có làm đến chết cũng sẽ không được thăng cấp. Nhưng điều mà tôi quan tâm, không phải được thăng cấp, được ngồi trên mà ra lệnh, tôi không có tham vọng đó. Tôi muốn làm vì nhận thấy mình làm chưa đủ, và KQVN còn quá nhiều điều phải sửa sai. Mỗi năm, vào dịp lễ Không Quân , ngày 1 tháng 7, tôi thường nhìn lại một năm qua mình đã làm được gì cho KQVN, và mình đã làm được gì cho gia đình. Và nhờ thế, tôi nhớ rất kỹ, ngày lễ kỷ niệm thành lập Không Quân nào là ưng ý nhất, vì ít nhiều bản thân tôi có đóng góp vào đó, coi đó là một phần của binh nghiệp mình ưa thích. Có ngày lễ Không Quân nhỏ xíu, làm nhờ một đơn vị nào đó để cổ vũ cho đơn vị đó. Tôi nhớ lần đầu tiên tổ chức lễ Không Quân tại Biên Hòa, là home base của Phi Đoàn 514, khi Phi Đoàn 514 thành lập ngày 1 tháng 6, thì vì ăn theo nên ngày lễ Không Quân cũng trùng ngày ấy, nghĩa là sớm một tháng. Hôm đó, Tổng Thống cũng đến dự, dù chỉ che dù ngồi ngoài sân đậu phi cơ nhìn về hướng Đông rất chói mắt, phía sau là hangar của Công Xưởng. Các quan khách đều mặc kaki. Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cũng mặc kaki. Hôm đó ,Phi Đoàn 514 biểu diển cho khán giả một đường bay lả lướt, biểu diển bay chậm, gồm hợp đoàn L-19 dẫn đầu, hai chiếc A-1H bay hai bên, và một chiếc T-6 bay đàng đuôi. Vổ tay nhiều nhất là ngoại giao đoàn, các ông tùy viên quân sự có vẻ thông cảm với phương tiện nghèo nàn của chúng tôi! Đến khi phát huy chương, tôi được chính ông Tổng Trưởng Quốc Phòng gắn cho một Anh Dũng Bội Tinh cấp Sư Đoàn, và vì ông là nhà văn chứ không phải là nhà võ, nên ông ghiêm kim huy chương vào áo tôi không được, liền dở nấp túi rồi máng huy chương vào đó. Còn nhiều chuyện buồn cười nữa, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho thấy sự nghèo nàn của đất nước. Ấy thế mà, chỉ một năm sau thôi, tôi lại được dự một buổi lễ Không Quân huy hoàng nhất, tôi nghĩ, vì tôi cũng được nở mặt nở mày.

Kỳ nầy lễ Không Quân tổ chức đúng ngày 1 tháng 7, và làm tại Saigon. Các bửa tiệc rất náo nhiệt và do Không Quân Đồng Minh đóng góp. USAF ẹ nhất cũng mang được 2 chiếc F-102 từ Clark AFB, Philippines sang. Pháp thì đang trong chương trình quảng cáo Super Mystère(tương đương với F-100 Super Sabre của Mỹ) cho vùng Á Châu, ghé ngang Saigon theo lời mời của vị Tư Lệnh Không Quân. Đài Loan là nước nhỏ nhưng đoàn Lôi Hổ chuyên biểu diển nhào lộn hợp đoàn rất ư là ngoạn mục mười mấy chiếc F-86 Sabre, luôn luôn cất cánh hay đáp hợp đoàn để đỡ choáng nhiều thì giờ trên phi đạo nghèo nàn của Phi Trường TSN. Còn Không Quân Việt Nam thì biểu diển tại sân bắn Quang Trung về mọi hoạt động của KQVN, như yểm trợ hỏa lực, cưú thương, tiếp tế, nhảy dù,vv…


Tôi đã từng xem các cuộc lễ Không Quân tại Manila, Philippines, coi các cuộc trình diển máy bay như Bob Hoover biểu diển F-86, nhưng phải nói là lễ Không Quân kỳ đó tập trung được nhiều yếu tố thành công. Thứ nhất là phổ biến rộng rãi trên đài phát thanh (lúc đó chưa có truyền hình:TV) về chương trình buổi lễ. Thứ nhì là có chương trình bửa tiền và bửa chánh. Thứ ba là có Tổng Thống đích thân tham dự.
Một chương trình như vậy không thể để cho thất bại, và mỗi người tham gia đều phải ra sức tận lực vì màu cờ sắc áo của mình. Tất nhiên, người chủ trương một chương trình quy mô như vậy phải là Tư Lệnh Không Quân, có can đảm và có khả năng tổ chức. Tôi nhớ hai nhân vật nổi bật khác là anh Vũ Đức Vinh lo về đối ngoại, truyền thanh, báo chí, các tòa lãnh sự và tùy viên quân lực, Phái Bộ Cố Vấn và 2nd ADVON (Second Air Division của USAF), và anh Vũ Văn Ước phụ trách xướng ngôn trong buổi lễ bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Theo sự hiểu biết của tôi, hai người họ Vũ nầy đã giúp cho KQVN trở thành những chiến sĩ hào hùng thật sự, trong lòng mọi người dân Saigon, nhất là các cô nữ sinh Việt Nam và người Việt gốc Hoa ở Cho Lon.
Sáng ngày 30 tháng 6, các máy bay F-102 mở màng bay sát đất trên sông Saigon, và trên các cao ốc kế cận, và khi qua ngang các chỗ đông người xem tụ tập ngoài mé sông hay bến cảng thì các chàng phi công F-102 cho nổ một cái …nhờ vào afterburner. Đó là những người phi công vô cùng kỷ luật, không giám làm bất cứ cái gì mà cấp trên không cho phép trước. Mà dù muốn vượt tường âm thanh đi nữa thì cũng chẳng dễ đâu, vì tôi có ngồi trên một chiếc F-102 hai chỗ ngồi để xem người ta qua tường âm thanh bằng nhìn vào Machmeter, thấy nó qua khỏi Mach 1 thật đấy, nhưng máy bay rất êm. Nhưng bà con đứng dưới đất hoan hô Mỹ, vì máy bay to quá mà bay mau thật, thoáng cái đã biến mất, lại còn đánh dấm một cái nữa, nghe toàn mùi xăng phản lực.

Màng kế tiếp là Super Mystère của Pháp, trong số bốn người lái có một anh bạn đồng khóa với người viết bài nầy là anh Đại Úy Gueguen, sau nầy anh lên đến cấp Tướng. Gueguen là một chàng háo thắng, người thấp nhỏ, luôn đội calot lệch một bên, bất chấp luật lệ, cố tình làm cho đơn vị biểu diễn của mình gậy được tiếng vang. Anh bay xuống theo đường Tự Do và gây nên tiếng nổ long trời lỡ đất vì đã vượt tường âm thanh. Anh bảo "que ca sonne", và anh đã làm vỡ kiếng của Hãng Pan Am trên đường Tư Do. Một tiếng nỗ do sức ép không khí thì nghe tức tối và âm vang (compression), còn một tiếng nổ do afterburner là do sự giãn nở sau khi đốt (détente). Đúng là Tây con! Hại Tòa Đại Sứ Pháp phải bỏ tiền ra đền cho Pan Am và chắc họ cũng vui lòng làm việc ấy. Anh đã nói với tôi, khi qua Ấn Độ, anh đã có dịp bay đuổi bắt với máy bay F-101 mà Mỹ lúc đó tự hào không máy bay nào bay nhanh hơn, và anh đã chụp F-101 vào Gun Camera của anh cho tôi xem. Thật là một cơ hội thi đua chưa từng thấy. Chính tổ chức lễ đã tạo điều kiện cho Pháp và Mỹ thi đua với nhau trên bầu trời Việt Nam. Và trong năm đó, Pháp cho các khóa sinh Trường Võ Bị Không Quân Pháp đi du hành quan sát sang Việt Nam, ghé qua Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc để cho KQVN tiếp đón trọng thể.

Màn hấp dẫn nhất là cuộc biểu diễn nhào lộn ngoạn mục của đoàn Lôi Hổ. Họ kết hợp biểu diễn bằng hai phi tuần rời ra để thay phiên nhau giữ liên tục chương trình. Một hợp đoàn 9 chiếc F-86F làm những hình liên tục, biến chế từ vòng đứng (loop) và lăn ngang (roll) thành những hình như loop, cuban eight, aileron roll, và nhất là khi họ tỏa ra chín hướng rồi trở lại ở cao độ thấp từ 9 hướng khác nhau. Rất ngoạn mục! Khi hợp đoàn chín chiếc lấy cao độ hay tập họp lại ở một vị trí khác để biểu diễn thì có bốn chiếc khác thay vào chỗ trống, họ bay một hợp đoàn ba chiếc đang làm loop thì có một chiếc thứ tư roll ngay giữa trung tâm của vòng tròn. Cái hay của họ là làm hình gì đều ra hình đó rất đẹp và còn timing thật chính xác, như khi vòng đứng loop vừa hòan tất thì chiếc làm roll xỏ ngay vào giữa. Lôi Hổ biểu diễn ở Saigon trước, xong lết dần vào trong Cho Lon làm một mách nữa rồi mới về đáp , một dãy xếp hàng sát cánh bên trái, tách và đáp rất trật tự. Không có một sơ hở nào, đừng nói chi là có một biến cố nguy hiễm nào trong lúc biểu diễn. Mọi việc đều diễn biến tuần tự, ngăn nắp, đúng đắn, không có chỗ nào chê được, theo mắt nhìn của tôi. Sau nầy, có dịp sang Đài Loan vào năm 1967, tôi gặp lại họ, nhưng đã chuyển sang F-5A, nên không phát huy được như hồi lái F-86F. Nghe đâu, chiều hôm đó, các chàng phi công Đài Loan được đồng bào người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn cho hưởng một đêm "Nhất Dạ Đế Vương"…
Ngày hôm sau, ngày chánh của Lễ tổ chức tại sân bắn Quang Trung, có Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ lễ. Các bạn có biết là từ sáng sớm, con đường từ Saigon lên Tây Ninh, không thể nào nhúc nhích được vì kẹt xe. Người đi bộ, xe hơi, xe gắn máy, đủ thứ người, đàn bà con nít cũng có, gái trai đều nô nức đi dự hội Không Quân. Khi Tổng Thống lên đường thì không cách nào đoàn xe của ông qua lọt, vì người tung hô ông cũng hiếu kỳ sáp lại gần, đến nỗi Không Quân phải dùng trực thăng vớt ông đi. Tại địa điểm hành lễ và biểu diễn, phải nói người đóng vai Master of Ceremony (MC) ở đây mới là quan trọng. Tôi không dám xưng biệt hiệu của ông, và đó cũng là một thiếu xót của bài nầy. Ông liên tục sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh để điều khiển chương trình. Trước hết là 5 chiếc A-1H của Phi Đoàn 514 thả khói màu cờ Vàng ba sọc đỏ. Sau đó là một phi tuần biểu diễn thả bom Napalm trên mục tiêu thật, thả bom nổ và bắn súng trên mục tiêu thật. Tất cả đều do Phi Đoàn 514 phụ trách. Đây mới biết công lao của ngành vũ khí của Phi Đoàn 514 do anh Phan Đàm Liệu phụ trách. Chúng tôi dùng khói màu để đánh dấu mục tiêu mà gắn lại trong một ống, rồi dùng kim hỏa để khởi động khi muốn khói tung ra. Tất cả do anh Liệu sáng chế. Còn nói về tài năng của hoa tiêu khu trục thời bấy giờ, trên những mục tiêu chết cứng như vậy thì nhắm mắt cũng tiêu diệt 100%, ban ngày như ban đêm. Sau khu trục mở màn, vận tải biểu diễn thả dù người, thả dù tiếp tế, thả tiếp tế không dù ở cao độ thấp, trực thăng tản thương…mục nào xem cũng hấp dẫn như nhau, làm quan khách và đồng bào rất thích và tin tưởng ở Không Quân chúng ta.

Chiều hôm đó, tất nhiên có tiệc ở Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc, nhưng không được nhảy đầm, đó là quy luật thời bấy giờ, muôn dân chịu cực khổ để chống cộng, không ai được xa xí. Tôi nhớ chúng tôi từ Biên Hòa lấy L-19 xuống TSN để dự tiệc, anh Phạm Phú Quốc lái chở chúng tôi 5 người một chuyến, và đáp theo kiểu lăng ba vi bộ, thật là vui.
Cho đến bây giờ, đã lâu lắm rồi, tôi vẫn còn nhớ đến ngày lễ Không Quân mà tôi cho là tưng bừng nhất, thành công nhất. Vì nó kết hợp được việc đánh bóng Không Quân mình, còn mượn thế Không Quân bạn để nâng cao tinh thần chống cộng của mình, làm cho Không Quân bạn có dịp thi đua lẫn nhau để giúp đỡ mình. Từ trong nội bộ Không Quân cho đến các cơ quan của chánh phủ, đâu đâu cũng tỏ ra hợp tác chặt chẽ. Có điều lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ, lúc ấy là năm nào, vị tư lệnh Không Quân là ai, và ngưới xướng ngôn viên trong buổi trình diễn tại sân bắn Quang Trung có biệt hiệu gì? Ba câu hỏi đó vẫn còn làm cho tôi nghĩ không suốt để có một cái vui trọn vẹn khi nhớ đến ngày lễ kỷ niệm thành lập Không Quân năm ấy, thời đã xa lắm rồi.

Gman ( Đại Tá Nguyễn Quang Tri)





Khóc Bạn Già Không Quân



Sáng sớm ngày lễ Tạ Ơn, KQ Trần Dật gọi điện hỏi tôi, có gì lạ không, trả lời không, lại hỏi có biết gì không, lại trả lời không!. Ông Dật Dờ rào trước đón sau, dặn dò nầy nọ, rôi ông yêu cầu tôi phải giữ lời hứa là không được tiết lộ, không được phổ biến khi nghe ông báo tin động trời, là Niên Trưởng (NT) Nguyễn Quang Tri, bút hiệu Gman, Tarin, ông già Ba Tri..., đã vút bay vào hư vô không kèn không trống!

Vì chữ tín, tôi giữ kín tin buồn nầy.

Mới hôm qua, KQ Trần Ninh, trong Ban chủ biên Lý Tưởng Úc châu, email cho tôi để hỏi thăm về tin buồn: “Vừa qua, tôi nghe được tin NT Đại Tá Nguyễn Quang Tri hiện sống ở Lakewood Nam Cali đã qua đời, không biết anh có biết hoặc có tin tức gì không, xin cho Lý tưởng Úc châu biết với.”

Và tôi cũng trả lời như những gì mà KQ Trần Dật đã căn dặn.

Một ngày sau, KQ Ninh gởi cho tôi bài viết của NT Bồ Đại Kỳ nhắc đến những kỷ niệm của hai anh thời du học bên Pháp. Bài viết đã gián tiếp báo cho tôi biết về sự ra đi của NT Tarin là đúng sự thật và KQ Trần Ninh cũng yêu cầu tôi không nên phổ biến cho đến khi Đặc San KQ Bắc Cali phát hành (và có thể cũng y chang như yêu cầu của Lý Tưởng Úc Châu). Tôi đọc bài viết một mạch và gọi ngay KQ Nguyễn Quí Chấn, đương kim Chủ Bút Đặc San KQ Bắc Cali để hỏi thăm là Đặc San có cần thêm bài viết để tưởng niệm NT Nguyễn Quang Tri không, thì được trả lời là rất nên vì NT Nguyễn Quang Tri là một trong những phi công khu trục tài ba của KLVNCH...

Suốt trên 10 năm phục vụ trong Ngành Quan Sát chỉ đồn trú trong 3 căn cứ không quân Đà Nẵng, Nha Trang và Pleiku, nên tôi không biết nhiều phương danh các niên trưởng và các chiến hữu khác ngành và khác căn cứ. Nếu không đi tù, và nếu không ở chung trại Hà Tây (Bắc) và Xuân Lộc (Nam) thì tôi không thể biết ông “bò lục” KQ Nguyễn Quang Tri. (Bò lục, quân cờ domino. Tiếng trong tù, bò lục để chỉ quý NT mang cấp Đại Tá, bò ngũ Trung Tá v.v...). Trại Hà Tây giam các NT bò lục riêng. Giữa các khu đều bị cấm “quan hệ linh tinh” nên khó gặp nhau. Ngày lễ ngày nghỉ thì mới hy vọng gặp.

Tôi biết cấp bực của anh Tri là Đại Tá vì anh ở khu bò lục. Chỉ biết đại khái trước 1975, anh làm việc tại Bộ Tư Lệnh, Khối Phòng không! Chỉ có thế. Sau nầy, khi qua Mỹ, đọc những bài viết của anh đó đây, tôi mới vỡ lẽ anh là một hoa tiêu khu trục tài năng và nhiệt huyết, từng đào tạo nhiều hoa tiêu giỏi cho quân chủng (như KQ Lê Bá Định) và từng chỉ huy Đệ nhất Phi Đoàn Khu Trục 514 Phượng Hoàng gồm những phi công tài ba của ngành Khu Trục KLVNCH.

Thời ở trại Hà Tây và trại Xuân Lộc, dáng anh Tri đen và gầy tong. Anh ít nói và hay cười. Anh nói giọng miền Nam nhỏ nhẹ và điềm đạm nên gọi anh là “chị Ba Tri” có vẻ thích hợp hơn là “ông già Ba Tri”!

Chúng tôi cùng ra trại vào năm 1988 thì phải. Tôi không biết anh đi chương trình HO năm nào. Năm 1992, tôi định cư bên Saint Louis bang Missouri thì mới biết anh đang ở Cali qua các bài viết của anh trên các Đặc San Không Quân.

Vào khoảng năm 2000, sau khi về hưu, anh tìm tòi học hỏi về vi tính và đùng một cái, anh cho ra đời trang nhà mang tên “Bạn Già Không Quân”, với chủ trương thắt chặt tình quân chủng, giữ vững lập trường và cùng học hỏi giải trí những điều bổ ích ở tuổi cuối đời. Bạn Già Không Quân nhanh chóng trở thành một Tổ Ấm và là Nơi Gặp Gỡ hằng ngày cho hầu hết các canh chim tự do xa xứ. Đại đa số KQ có tuổi đều vào xem và viết bài tô điểm cho trang nhà nầy, mà theo tôi thì nhà văn KQ Mệ, tức niên trưởng Đại tá Trần Phước và niên trưởng Đằng Vân (Đại tá Đặng Văn Hậu)..., là hai trong những nhân vật cột trụ của BGKQ. Hình như cái tên bình dị thân thương của trang nhà là do Mệ gợi ý đặt tên cho đó!

Cũng có người hiểu lầm “Bạn Già Không Quân” chỉ dành cho mấy ông già KQ lẩm cẩm. Không, không phải thế! “Bạn Già” mà theo mấy niên trưởng từng du học bên Pháp thì chữ nầy dịch từ chữ Phú Lảng Sa là “Mon Vieux”. Mon vieux là loại bạn thân nhất, tri kỷ nhất và thủy chung nhất. Trong thời chiến, không quân yểm trợ hỏa lực cho Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động..., những chiến hữu nầy trước sau cũng vẫn là những “bạn già” của KQ!.

Một điều đặc biệt là, niên trưởng Nguyễn Quang Tri tự bỏ tiền ra mua đất cất nhà và trang bị máy móc để trở thành trang chủ. Anh cho tôi biết là anh không muốn bị ràng buộc (hoặc phụ thuộc) vào các tổ chức hay hội đoàn nào. Vì là một trang nhà private, anh chỉ post những bài viết hoặc tài liệu thể hiện đúng quan điểm và lập trường và sở thích của anh. Nói cho cùng, quan điểm, lập trường và sở thích của anh cũng là của đại đa số anh em không quân chúng tôi.

Vào khoảng 2005, 2006 gì đó, trang nhà BGKQ gặp trắc trở sao không rõ mà có tin đồn rằng, cá nhân tôi sẽ được trao “ấn kiếm” để tiếp tục điều hành trang nhà BGKQ ! Tội giật nẫy mình như bị chạm điện! Tự xét mình không sao có đủ khả năng chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm vế quân chủng như anh Nguyễn Quang Tri thì làm sao mà handle nỗi một trang nhà với nhiều tính kỹ thuật và nhiều áp lực từ mọi phía? Sau cuộc điện đàm, tôi giới thiệu với anh Tri Kingbee Đặng Quỳnh vẫn thường thấy xuất hiện trên các trang điện tử KQ, là người có khả năng và có lập trường Quốc gia Dân tộc, nếu được thì sẽ thay anh điều hành trang nhà BGKQ. Anh Tri OK.

Nhưng sau đó, không biết lý do sao, câu chuyện bàn giao BGKQ không thấy đề cập đến, và BGKQ lặng lẽ bay vào hư vô tháng 7 năm 2007 thì phài!

Khi hay tin buồn nầy, tôi nhớ có ghi một vài súc cảm nói lên lòng biết ơn về đóng góp và sự đột tử của BGKQ qua tựa đề “Khóc Bạn Già Không Quân” và gởi cho anh Tri. Bài thơ nầy tôi không tìm thấy lưu trong máy computer của tôi nữa. Quý niên trưởng hoặc quý chiến hữu nào con lưu trữ thì xin vui lòng phổ biến để cùng tưởng niệm một cánh chim từng “Sắt son một dạ với Không Gian” (thơ KQ Lê Bá Định) như NT Nguyễn Quang Tri .

Nhắc tới KQ Lê Bá Định, nguyên Không Đoàn Trưởng KD72CT, từng bị phao tin đồn là đã...quy tiên! Khi đọc mẩu tin không vui, anh Tri liên lạc với tôi lúc đó còn bên Saint Louis, là làm sao tìm cách liên lạc với mấy anh em KQ bên quê nhà để nhờ xác định thực hư chuyện KQ Định như thế nào. Quan tâm đến sự lo lắng của anh, các không quân bên nhà đã gặp mặt KQ Định và gửi qua Mỹ một tín hiệu vui. Hú hồn! Qua việc nầy, tôi biết anh Tri rất thương người đàn em tài hoa mà cũng ngang tàng như...anh! (Nếu không ngang tàng, thì làm sao một phi công khu trục đầy khả năng nhiệt huyết, được đào tạo kỹ càng mà không được thi thố tài năng trên chiến trường mà cho làm việc tại Bộ Tư Lệnh với chức vụ Trưởng Khối Phòng Không?!!

Tháng 10 năm 2007, “Cánh Chim Tự Do”, hậu thân của trang nhà BGKQ ra đời, nhưng trên một diện tích nhỏ hơn. Cái tên CCTT là do chúng tôi gợi ý, không ngờ lại được bà xã của anh Tri tâm đắc, và anh chọn cái tên “Cánh Chim Tự Do” trong nỗi hân hoan. Trong thư mở đầu, trang chủ CCTD bày tỏ chủ trương tóm gọn như sau: “Hướng đi của CCTD nhằm gợi lại
một số nhu cầu cải tạo lại đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Đất nước chúng ta bây giờ đã rơi vào hố thẳm của trụy lạc, của nghèo đói...”

Ngoài ra, CCTD còn chủ trương nâng cao kiến thức qua học hỏi lẫn nhau, qua những bài vở bổ ích để xây dựng cuộc sống của tuổi về già, giúp chúng ta có thêm phương tiện để tìm cho mình một cuộc sống có ý nghĩa hơn...

Dù nhiều dù ít, BGKQ và CCTD đã giúp kết nối lại với nhau những chiến hữu KLVNCH trên toàn thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Rồi cũng như BGKQ, tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà trang nhà CCTD lại biến mất để đến khi hay tin ngày sắp hạ huyệt cố Đại Tá KQ Phạm Long Sửu, anh Tri lại gởi cho tôi bài viết “Phản Lực cơ J20 của Trung cộng” và nhờ post gấp lên Hội Quan Phi Dũng hay Cánh Thép để tặng hương hồn phi công khu trục Phạm Long Sửu. Tôi hì hục post hoài mà chẳng được, sau cùng mới biết là trang chủ HQPD đã giúp thực hiện việc nầy rồi. Nhắc lại điều nầy để thấy cái “tinh thần học hỏi” của các phi công khu trục là cần thiết vô cùng, dù sinh hay tử.

Viết đến đây, tôi chợt bồi hồi. Một con người dung dị thủy chung và can trường, một con người có tấm lòng rộng rãi như anh, được nhiều anh em quý mến mà sao tới lúc bịnh hoạn anh lại không cho anh em chúng tôi biết để thăm gặp hoặc giả để nói lời vĩnh biệt?

Nay anh đã âm thầm ra đi, không lễ nghi quân cách, không vòng hoa điếu văn, không cả tiễn chào vĩnh biệt. Tôi không nghĩ anh đã chọn được một cõi trời riêng biệt cho mình, với anh, cõi trời nào cũng chỉ có một Tổ Quốc Việt Nam. Tôi trộm nghĩ, có thể vì anh thương những “bạn già”, bị giới hạn đủ các cái, nên anh không muốn bạn già suy sụp tinh thần một khi ghé thăm anh. Tôi mong điều tôi nghĩ phù hợp với cái nhìn vô biên, cái tâm vô lưọng của một Phượng Hoàng!

Và tôi thầm cầu chúc hương linh Đại Tá Nguyễn Quang Tri, Cánh chim Tự Do, phi công của Đất Nước, sơm an nghĩ đời đời bên Bạn Già Không Quân ỡ chốn Vĩnh Hằng!

KQ võ ý
tháng 11/2012

Bóng thời gian / Mưa Trên Poncho


                                  Lê-văn-Phúc 
MƯA TRÊN PONCHO .

Bất cứ ai đã một thời ca bài “Ta đi tòng quân” đều không thể nào quên được đời lính. Trong đời lính, dù là lính già hay lính trẻ đều mặc bộ đồ trận, vui buồn theo tiếng kèn đồng đếm nhịp thời gian. Và một trong những món hành trang cần thiết thân yêu của người lính ngoài cây súng nhân tình, phải kể đến thành phần quân quân dụng này: Ấy là chiếc Poncho. Nhà binh gọi là “Pông Xô”.
Về hình thức, nó lớn bằng chiếc chiếu, mầu xanh cứt ngựa, làm bằng vải pha nylon gọi là vải ngụy trang, bốn cạnh chung quanh có lỗ, có khuy bấm bằng sắt.Chính giữa có một cái lỗ chui đầu làm thành cái mũ che, có giây buộc đàng hoàng.
Về nội dung, Poncho có công dụng chính là làm cái áo đi mưa. Khi trời bắt đầu nổi cơn mưa gió, người lính chỉ việc mở chiếc Poncho ra chui đầu vào giữa, đội nón là xong. Phần còn lại của Poncho nó lùng tùng xòe quanh cổ, quanh vai, quanh người che chở từ súng đạn đến ba-lô rất ư kín đáo an toàn.
Nó dản dị đơn sơ như thế nhưng công dụng thì lại vô cùng đa diện. Đến ngay người sáng chế ra nó cũng không thể nào ngờ rằng Poncho được dùng trong nhiều việc như thế.
Với chiếc áo đi mưa nhà binh – Poncho - mắc vào cành cây có thể làm chỗ che nắng che mưa khi canh gác một mình. Với hai chiếc Poncho ghép lại có thể thành một lều cho hai quân nhân tá túc. Với 4, 6 hoặc 8, 10 Poncho, dùng cọc dã chiến nối lại cho dài, dùng giây ghép Poncho cho kín là có một lều cho cấp tiểu đội, nom rất tư cách.
Khi quân ta sang sông trong một chiều hành quân, Poncho có công dụng như phép lạ. Nếu không có chuyến đò vĩ tuyến chuyển quân, nếu không có giây đu bắc ngang dòng nước ngược, nếu không có chiếc cầu khỉ, cầu treo... thì nhất định người chiến sĩ phải dùng đến chiếc Poncho làm phao di chuyển.
Mở rộng chiếc Poncho ra, túm chặt lỗ chui đầu lại, bao nhiêu ba lô đạn dược tập trung vào đó. Xong bỏ vài cành cây khô cho cồng kềnh, gấp Poncho lại theo kỹ thuật nhà binh làm sao cho kín mít, nước không lọt, thắt giây xong là Poncho chẳng khác gì một chiếc phao. Thả Poncho xuống nước, gác súng trên Poncho, người lính ôm cái phao cá nhân tà tà sang sông rất là đẹp mắt.
Ngoài công dụng che nắng che mưa, làm phao nổi, lều cá nhân, lều tập thể, Poncho còn dùng làm chiếu, làm nệm, có khi làm võng.
Trong các trại gia binh, anh em ở dưới mái nhà tôn nóng như lò bánh mì thì lại có sáng kiến dùng Poncho làm trần làm vách cho vợ con đỡ được đôi ba phần nắng nôi gió máy.
Còn các cấp chỉ huy ở nhà gạch mái ngói không cần đến Poncho làm trần nhưng nhiều vị có sáng kiến lấy Poncho may thành chiếc bạt phủ xe nhà cho khỏi bụi bậm, đỡ trầy nước sơn.
Những nhà dân giả, nhà binh, nhà quê thiếu ống máng hứng nước mưa thì Poncho là cái phễu vĩ đại, hết sẩy!
Poncho cũng lan tràn đến cả chợ búa. Từ xa trông cảnh chợ, xanh xanh một mầu cả trăm chiếc Poncho giăng mắc la liệt khắp nơi, nom tưởng như một tiểu đoàn đóng quân vậy. Lại gần mới thấy Poncho làm mái che cho hàng cá, hàng thịt, hàng rau, hàng quà, quán nhậu, hủ tíu bò viên, bún riêu bún ốc.
Poncho cũng di chuyển cùng chiều với các bạn đạp xích lô, kéo xe thồ, lái xích lô máy. Một chiéc Poncho thôi là đủ may chiếc áo mưa, vừa che đầu, che thân tới nữa người, gọn gàng và bền bỉ.
Poncho được chiếu cố tận tình như thế cho nên mức độ tiếp liệu dù cao, dù đúng hạn, dù mau lẹ vẫn không thỏa mãn được nhu cầu của quân đội và dân sự.
Các binh đoàn tiếp nhận xong, nhập kho, phân phối là Poncho đã chuẩn bị tan hàng. Một phần về đơn vị, một phần vào các khu dân sinh, chợ Kim Biên, chợ cũ, chợ Ông Tạ...
Tại các tỉnh, các quận, tình trạng Poncho cũng tương tự như rứa.
Poncho chẳng những phổ biến rộng rãi, đa dụng trong tình quân dân cá nước mà còn đóng một vai trò quan trọng tại các quân trường.
Ai đã một thời nhập trại Quang Trung, Đồng Đế, Thủ Đức mà không nhớ nhung kỷ niệm quân trường những ngày gió mưa tàm tã. Buổi sáng tinh mơ tập họp trung đội, đại đội, tiểu đoàn mà nhằm ngày trời mây u ám gió cuốn tả tơi hoa lá thì anh em rất là một sự lục xục, lộn xộn, lạo xạo. Ai cũng nón sắt đội đầu Poncho chùm thân, đi đứng lù đù.
Khi anh em đi bãi về trong buổi chiều mưa, từng trung đội lạch bạch bùn đất, hàng ngũ trật tự nhưng không mấy chỉnh tề. Nếu có người yêu nào đó đứng chờ, tìm kiếm người tình giữa chốn ba quân thì có mà như đá vọng phu vẫn hoài công đứng đợi. Bởi cả trăm người lính xùm xụp Poncho trong hàng quân như thế, làm sao nhận ra được ai là người yêu của lính? Thế là hoa lạc giữa rừng gươm.
Nhưng bù vào những cái bất tiện như rứa, Poncho cũng có lúc trở thành một nguòi bạn tâm phúc, đắc dụng.
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, quân trường nào cũng đầy ắp thân nhân bạn bè vào thăm tân binh, sinh viên sĩ quan. Ngoại trừ những ai được đi phép đặc biệt như chim sổ lồng, còn thì đa số nằm trong trại chờ người nhà đến thăm viếng.
Cái cảnh đồng bào ta lái xe nhà, đi xe đò, chạy Honda, Vespa, Lambretta, gắn máy đi thăm lính thật là ồn ào náo nhiệt.
Quà bánh thì nào là bánh mì, bánh bao, bánh ngọt, lạp xường xúc xích, cam táo chôm chôm ổi mận trái cóc, sữa Guigoz, Similac...Có người đem khăn mặt, bàn chải đánh răng, xà bông, thuốc lá,dầu cù là, dầu thơm...
Tất cả cho lính!
Rồi người ta kéo nhau tấp nập vào cổng trường, ghi tên lấy thẻ, qua trạm kiểm soát rồi là coi như thong thả tới địa điểm dành cho từng đơn vị.
Về phía lính thì cả tuần tập tành, “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, chỉ rình mong đến cuối tuần để được đón gia đình, bè bạn vào thăm viếng nên chuẩn bị rất ư là kỹ lưỡng. Có điều giống nhau, chả ai bảo ai, ai cũng cặp kè chiếc Poncho ra khu tiếp tân ngóng đợi thân nhân.
Thành phần thân nhân được phân định làm nhiều giới.
Giới cổ điển là các ông bô bà bô đi thăm con thì được ngay anh tân binh hay sinh viên sĩ quan mời các cụ vào câu lạc bộ nghỉ đỡ chân. Nếu câu lạc bọ hết chỗ thì mời hai cụ quá bộ ra cạnh quán, trải chiếc Poncho là tạm xong phần nghênh tiếp. Bố con, mẹ con rủ rỉ chuyện trò, ăn uống lai rai cho đến hết giờ thăm viếng.
Giới thứ nhì là giới bán cổ điển với bầu đoàn thê tử đi thăm chồng vào lính trễ. Giới này thường trải Poncho dưới tàng cây cao bóng mát hoặc ở trong các khu tiếp tân tập thể, vợ chồng con cái đìu íu, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện con cái học hành, chuyện làm ăn buôn bán, chuyện hàng xóm láng tỏi, ồn ào như chợ Bến Thành hay chợ Cầu Ông Lãnh.
Giới thứ ba là giới độc thân, toàn đàn ông con trai đi thăm con trai mà thôi. Giới này thường tụ tập tại câu lạc bo nhậu nhẹt tán róc. Xong cái màn đó, các cậu lại rủ nhau ra lề đường, ngồi trên Poncho ngắm các em gái hậu phương đi thăm chiến sĩ, với lời bàn Mao Tôn Cương rất ác liệt.
Giới thứ tư là giới cô đơn, gồm những anh không có người nhà đến thăm, ôm chiếc Poncho đi lòng vòng khắp khu tiếp tân, ngong ngóng một chuyện gì như thể sắp xẩy ra mà lại mơ hồ như có như không mới khổ!
Giới thứ năm là giới chiến thuật mà mỗi người là một chiến thuật gia. Giới này thường chuẩn bị rất kỹ, nghiên cứu địa hình địa vật và lựa chọn điểm đóng quân thật sớm. Thông thường, các vị trí này cách xa khu tiếp tân, xa các khu ồn ào nhiều kẻ qua người lại.
Họ lựa chọn chỗ vắng vẻ kín đáo, có tí mô đất, có tí cành cây để giăng chiếcPoncho hững hờ lơ lửng. Tuy chiếc Poncho nom ra vẻ lụp xụp, thiếu mỹ thuật thật đấy nhưng lại chứa đựng tất cả những gì gọi là nghệ thuật tinh vi và khoa học hiện đại. Giới chiến thuật này thường có đối tượng là người yêu của lính!
Khi những chiếc Poncho xanh mầu lá cây rừng rải rác vô trật tự họp lại mí nhau thành một chiến tuyến thì dưới những mái Poncho là những cặp tình nhân đang tỉ tê quyến luyến, thề non hẹn biển...
Thời gian lặng lẽ một dòng tưởng chừng buồn tênh mà hóa ra sống động, vùn vụt như ma đuổi. Cho đến khi lá hoa về chiều, lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa, các đôi lứa lại càng quyến luyến xoắn xuýt lấy nhau như sam, như chẳng muốn rời.
Nhất là vào những buổi chiều có tí gió mưa thì lại càng làm cho lòng người thêm mưa gió.
Mây trời hạ thấp, những giọt mưa nho nhỏ rơi đều trên Poncho trong làn gió thoảng, đủ làm cho Poncho hạ thấp xuống một chút xíu nữa, như che gió che mưa cho cặp tình nhân tạm quên đi thế giới bên ngoài.
Chỉ thấy những mái Poncho lay động, bập bềnh, ngả nghiêng vội vã, trong khi ngoài kia tiếng kèn thu quân đang dục giã liên hồi...
Cuộc hẹn hò nào rồi cũng chia xa.
Giới chiến thuật là đơn vị giải tán thành phần cơ hữu sau cùng, vơ vội ôm quàng chiếc Poncho ù té chạy về doanh trại.
Để rồi người lính quân trường lại có những ngày chờ ngày đợi ngày mong. Mong sao cho chóng đến cuói tuần, cặp kè chiếc Poncho với nỗi lòng nao nức, rạo rực thương yêu của tuổi hoa niên thời chinh chiến.
Như thế, quả nhiên chiếc Poncho đa dụng đa năng cho cả hai phía quân dân. Nó lại còn là một biểu tượng của đồng lõa, cho đời vẫn còn mầu hồng, còn một chút gì gọi chút dễ thương.
Và rõ ràng cụ thể nhất, nó chính làø kỷ vật cho em
Nghĩ thế, một hôm nhớ về quân trường cũ, kẻ này gặp một cựu nữ sinh hoa khôi, mới khẽ hỏi xem nàng nghĩ thế nào về chiếc Poncho đối với tuổi trẻ ngày xưa?
Người đẹp bỗng nhiên má đỏ hồng hồng, mắt sáng trong trong, thỏ thẻ đáp rằng:
- Poncho! Poncho! Ồ, thật là kỳ diệu...

Friday, June 28, 2013

Cơ cấu tổ chức Không lực Việt Nam Cộng hòa

 
Không lực Việt Nam Cộng hòa, hay Không quân Việt Nam Cộng hòa, là lực lượng không quân của Việt Nam Cộng hòa trực thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa tồn tại từ năm 1954 đến năm 1975 trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Khẩu hiệu là "Tổ Quốc -  Không Gian".

Hình thành và phát triển

Lực lượng không quân Việt Nam Cộng hòa được hình thành từ một số phi công người Việt được tuyển chọn bay cùng với các phi công Pháp với tư cách là sĩ quan của quân đội Pháp. Khi Quốc gia Việt Nam, được thành lập, các sĩ quan người Việt này được chuyển sang cơ cấu Quân đội Quốc gia Việt Nam. Bản thân Tổng tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Hinh cũng xuất thân là một sĩ quan phi công, vì vậy, ông rất chú trọng việc xây dựng lực lượng không quân. Tháng 6 năm 1951, một cơ quan phụ trách về ngành Không quân trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập với tên gọi là Ban Không quân, ban đầu chỉ làm nhiệm vụ phụ trách Phi đội Liên lạc. Trên thực tế, các phi công người Việt chỉ làm nhiệm vụ bay cùng với các phi công Pháp trong các phi vụ. Các chức vụ chỉ huy đến bay chính đều là sĩ quan Pháp. Ngay cả chức vụ Trưởng Ban không quân, kiêm Phụ tá Không quân cho Tổng tham mưu trưởng cũng là sĩ quan Pháp.  Năm 1953, Pháp thành lập thêm 2 phi đội Quan sát và Trợ chiến được thành lập tại Tân Sơn Nhứt và Nha Trang. Năm 1954, Ban Không quân được đổi thành Phòng Không quân. Năm 1955, Không quân Pháp bàn giao lại cho Không quân Quốc gia Việt Namkhoảng 25 vận tải cơ C- 47, 2 phi đoàn quan sát L- 19 và 25 khu trục cơ cánh quạt F8F Bearcat lỗi thời. Tháng 7 năm 1955, lần đầu tiên một người Việt được giữ chức vụ Phụ tá Không quân là Trung tá Nguyễn Khánh.
Đệ nhất Cộng hòa
Sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa. Lực lượng Không quân Quốc gia Việt Nam cũng được cải danh thành Không quân Việt Nam Cộng hòa. Thiếu tá Trần Văn Hổ, đương kim Phụ tá Không quân, được thăng Trung tá, và trở thành Chỉ huy trưởng đầu tiên của Không quân Việt Nam Cộng hòa.  
Năm 1957, theo chương trình hợp tác viện trợ, một phái đoàn Không quân Hoa Kỳ sang nghiên cứu tình hình để soạn thảo kế hoạch huấn luyện cho Không quân VNCH. Nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan được tuyển chọn sang tu nghiệp tại các trường Không quân Hoa Kỳ. Các phi trường Tân Sơn Nhứt, Biên Hòa, Đà Nẵng được xây dựng mở rộng. Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang cũng được xây dựng, nhằm đào tạo tại chỗ các khóa hoa tiêu và quan sát viên, và các khóa đào tạo chuyên viên để bổ sung cho các đơn vị.
Tháng 9 năm 1959, một phi đội đầu tiên gồm 6 phi cơ Skyraider (Thiên tướng) được Hoa Kỳ chuyển giao cho Không quân VNCH. Sau đó trong vòng 1 năm có thêm 25 chiếc Skyraider khác được bàn giao tại Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt. Năm 1960, Phi đoàn 1 khu trục cơ được thành lập và bắt đầu hoạt động từ Bến Hải đến Cà Mau để yểm trợ cho bộ binh Việt Nam Cộng hòa[2]
Năm 1961, chương trình trợ giúp của Hoa Kỳ có tên Farm gate đã đưa các loại phi cơ cánh quạt huấn luyện T28, oanh tạc cơ hạng nhẹ B26 và vậntải cơ C47 cùng khoảng 124 sĩ quan và 228 quân nhân Hoa Kỳ sang giúp huấn luyện. Các hệ thống hướng dẫn và kiểm soát không lưu được thiết lậptại các phi trường Tân Sơn Nhứt, Đà Nẵng và Pleiku[3]. Liên đoàn 1 Không vận đầu tiên được thành lập với trung tá Nguyễn Cao Kỳ được chỉ định làm liên đoàn trưởng. Hoa Kỳ cũng trao cho Không quân VNCH thêm 16 vận tải cơ hạng trung C123 trong tháng 12 năm 1961.
Ngày 26 tháng 2 năm 1962, hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử trên đường công tác đã đột ngột quay trở lại dội bom mưu toan giết chết Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Ngay lập tức tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh đình chỉ vô hạn định các phi vụ chiến đấu.  Cũng vì lý do này mà đương kim Tư lệnh không quân là Nguyễn Xuân Vinh bị thất sủng, phải xin giải ngũ với lý do sang Hoa Kỳ học ngành Tiến sĩ Không gian.  Năm 1962, các đơn vị không quân tác chiến và yểm trợ tác chiến được tăng lên cấp không đoàn tại mỗi vùng chiến thuật: Không đoàn 41 (căn cứ ở Đà Nẵng), Không đoàn 62 (Plei Ku), Không đoàn 23 (Biên Hòa), Không đoàn 33 (Tân Sơn Nhất), Không đoàn 74 (Cần Thơ)

Đệ nhị Cộng hòa

Sau cuộc "chỉnh lý" lên nắm quyền, tướng Nguyễn Khánh thực hiện một số cải tổ trong quân đội. Ngoài việc đặt ra thêm cấp bậc Chuẩn tướng, ông còn cho thay đổi tên gọi "Quân đội Việt Nam Cộng hòa" thành "Quân lực Việt Nam Cộng hòa". Danh xưng Không lực Việt Nam Cộng hòa cũng được sử dụng chính thức từ lúc đó. Năm 1965, KLVNCH có thêm các phi đoàn khu trục cơ A- 37 Dragonfly và sau đó là các phi đoàn không vậncánh quạt loại lớn C- 130 Hercules và trực thăng CH- 47 Chinook. Ngày 3 tháng 2 năm 1965, một phi đoàn gồm 24 chiếc A- 1H Skyraider do thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy cất cánh từ Căn cứ Không quân Đà Nẵng và tham gia vào Chiến dịch Mũi tên lửa (Flaming Dart) do Hoa Kỳ vạch định, tấn công các địa điểm ở phía bắc vĩ tuyến 17  Ngày 11 tháng 2 năm 1965, đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tư lệnh phó KLVNCH, làm phi đoàn trưởng 28 chiếc Skyraider của Việt Nam Cộng hòa cùng với 28 chiếc F100 của Không quân Hoa Kỳ mở cuộc tấn công thứ hai vào lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17. Trong đợt này phi công Phạm Phú Quốc bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam  Năm 1967, KLVNCH có thêm 1 phi đoàn khu trục trang bị phản lực cơ F- 5. Số hiệu của các đơn vị cấp phi đoàn được cải tổ xếp thành 3 số. Theo đó, chữ số đầu trong 3 chữ số của đơn vị cấp phi đoàn được dùng để chỉ công dụng của phi đoàn đó: số 1 là phi đoàn liên lạc, số 2 là phi đoàn trực thăng, số 3 là đặc vụ, số 4 là vận tải, số 5 là khu trục, số 7 là quan sát, số 8 là hỏa long, và số 9 là huấn luyện.  Năm 1970, với đà phát triển nhanh của KLVNCH, các không đoàn chiến thuật phát triển thành 4 sư đoàn không quân[9], tác chiến hỗ trợ cho 4 vùng chiến thuật. Năm 1971, Sư đoàn 5 Không quân được thành lập và trở thành lực lượng không quân trừ bị của Bộ Tổng tham mưu.  Năm 1975, KLVNCH có 5 sư đoàn không quân tác chiến (20 phi đoàn khu trục cơ với khoảng 550 phi cơ A- 1H Skyraider, A- 37 Dragonfly, và F- 5, 23 phi đoàn trực thăng với khoảng 1000 phi cơ UH- 1 Iroquois và CH- 47 Chinook, 8 phi đoàn quan sát với khoảng 200 phi cơ O- 1 Bird Dog, O- 2 Skymaster, và U- 17), 1 sư đoàn vận tải (9 phi đoàn vận tải với khoảng 150 phi cơ C- 7 Caribou, C- 47 Skytrain, C- 119 Flying Boxcar, và C- 130 Hercules), 1 không đoàn tân trang chế tạo, 4 phi đoàn hỏa long (attack squadron) với các phi cơ Fairchild AC- 119, Lockheed AC- 130. Ngoài ra còn có các phi đoàn trắc giác (tình báo kỹ thuật), phi đoàn quan sát, và biệt đoàn đặc vụ 314.

Cơ cấu tổ chức Không lực Việt Nam Cộng hòa

Quân số vào lúc cao điểm là trên 60.000 quân nhân với hơn 2000 phi cơ các loại
Đơn vị từ thấp đến cao Anh ngữ tương ứng Chú thích
Phi tuần Section (hay Detail) 2 đến 3 phi cơ
Phi đội Flight 4 đến 6 phi cơ
Phi đoàn Squadron gồm nhiều phi đội hay phi tuần
Liên đoàn Group 2 phi đoàn trở lên
Không đoàn Wing nhiều phi đoàn hay ít nhất 2 liên đoàn bay.
Sư đoàn Air division 2 không đoàn trở lên
Bộ tư lệnh không quân Air command đóng tại Sài Gòn

Các phi đoàn

Số hiệu của các phi đoàn gồm có 3 chữ số. Theo đó, chữ số đầu trong 3 chữ số của phi đoàn được dùng để chỉ công dụng của phi đoàn đó: số 1 là phi đoàn liên lạc, số 2 là phi đoàn trực thăng, số 3 là đặc vụ, số 4 là vận tải, số 5 là khu trục, số 7 là quan sát, số 8 là hỏa long và số 9 là huấn luyện.
Bộ tư lệnh Không quân (Sài Gòn)
Sư đoàn 1 Không quân  (Đà Nẵng)
Không đoàn chiến thuật 41
                                   Phi đoàn liên lạc 11 0MS 500 Criquet O- 1 Bird Dog U- 17A/B SkywagonĐà Nẵng :
Phi đoàn vận tải 427 C- 7 Caribou Đà Nẵng :
Phi đoàn liên lạc 120: O- 1 Bird DogU- 17A/B Skywagon Bình Thủy
Biệt đội quan sát 718 EC- 47D Dakota  Tân Sơn Nhứt
Phi đoàn hỏa long 821 AC- 119K Stinger Tân Sơn Nhứt
Không đoàn chiến thuật 51  Đà Nẵng
                       Phi đoàn trực thăng 213 UH- 1
Phi đoàn trực thăng 233  UH- 1
Phi đoàn trực thăng 239  UH- 1
Phi đoàn trực thăng 247 CH- 47 Chinook
Phi đoàn trực thăng 253 UH- 1
Phi đoàn trực thăng 257 UH- 1
Không đoàn chiến thuật 61
                                                Phi đoàn khu trục 516  A- 37B Dragonfly  Nha Trang
                                               Phi đoàn khu trục 528 A- 37B Dragonfly  Đà Nẵng
Phi đoàn khu trục 538 F- 5A/B Freedom Fighter Đà Nẵng
Phi đoàn khu trục 550 A- 37B Dragonfly  Đà Nẵng
Sư đoàn 2 không quân (Nha Trang)
                                   Không đoàn chiến thuật 62
                                               Phi đoàn liên lạc 114 O- 1 Bird DogU- 17A/B Skywagon
Phi đoàn trực thăng 215 UH- 1
Phi đoàn trực thăng 219 H- 34 ChoctawUH- 1
Biệt đội tải thương 259C UH- 1
Phi đoàn vận tải 817 AC- 47D Spooky
Không đoàn chiến thuật 92
Biệt đội tải thương 259D UH- 1
Phi đoàn khu trục 524  A- 37B Dragonfly
Phi đoàn khu trục 534  A- 37B Dragonfly
Phi đoàn khu trục 548 A- 37B Dragonfly
Sư đoàn 3 không quân (Biên Hòa)
Không đoàn chiến thuật 23
                       Phi đoàn liên lạc 112 MS 500 CriquetO- 1 Bird DogU- 17A/B Skywagon
                                               Phi đoàn liên lạc 124 O- 1 Bird DogU- 17A/B SkywagonO- 2A Skymaster
                                               Phi đoàn khu trục 514 A- 1 Skyraider
                                               Phi đoàn khu trục 518 A- 1 Skyraider
Không đoàn chiến thuật 43 (Biên Hoà)
Phi đoàn trực thăng 221 UH- 1
Phi đoàn trực thăng 223  UH- 1
Phi đoàn trực thăng 231 UH- 1
Phi đoàn trực thăng 237 CH- 47 Chinook
Phi đoàn trực thăng 245  UH- 1
Phi đoàn trực thăng 251 UH- 1
Biệt đội tải thương 259E UH- 1
Không đoàn chiến thuật 63 (Biên Hoà)
                      Phi đoàn khu trục 522 F- 5A/B Freedom FighterRF- 5A Freedom Fighter
                     Phi đoàn khu trục 536 F- 5A/B Freedom FighterF- 5E Tiger II
                     Phi đoàn khu trục 540 F- 5A Freedom FighterF- 5E Tiger II
                     Phi đoàn khu trục 542 F- 5A Freedom Fighter
                     Phi đoàn khu trục 544 F- 5A Freedom Fighter
Sư đoàn 4 không quân (Cần Thơ)
Không đoàn chiến thuật 64 (Bình Thuỷ)
          Phi đoàn trực thăng 217 UH- 1
          Phi đoàn trực thăng 249 CH- 47 Chinook
           Phi đoàn trực thăng 255 UH- 1
          Biệt đội tải thương 259F UH- 1H
Không đoàn chiến thuật 74
          Phi đoàn liên lạc 116 O- 1 Bird DogU- 17A/B Skywagon
          Phi đoàn liên lạc 122 O- 1 Bird DogU- 17A/B Skywagon
          Phi đoàn khu trục 520  A- 37B Dragonfly
          Phi đoàn khu trục 526 A- 37B Dragonfly
          Phi đoàn khu trục 546 A- 37B Dragonfly
Không đoàn chiến thuật 84
          Phi đoàn trực thăng 211 UH- 1  Bình Thuỷ
           Phi đoàn trực thăng 225 UH- 1  Sóc Trăng
Phi đoàn trực thăng 227 UH- 1  Sóc Trăng
Biệt đội tải thương 259H UH- 1  Bình Thuỷ
Biệt đội tải thương 259I UH- 1  Sóc Trăng
Sư đoàn 5 không quân (Sài Gòn)
                                    Không đoàn chiến thuật 33 (Tân Sơn Nhứt)
                                                Biệt đội tải thương 259G UH- 1H
                                                 Biệt đoàn Đặc vụ 314 C- 47U- 17A/B SkywagonUH- 1DC- 6BAero Commander
                                                Phi đoàn vận tải 415 C- 47
                                                Phi đoàn quan sát 716 T- 28A TrojanEC- 47D DakotaU- 6A BeaverRF- 5A Freedom Fighter
                                                Phi đoàn quan sát 720 RC- 119
                                    Không đoàn chiến thuật 53 (Tân Sơn Nhứt)
                                               Biệt đội tải thương 259 UH- 1
Phi đoàn vận tải 413 C- 119 Flying Boxcar
Phi đoàn vận tải 421 C- 123 Provider
Phi đoàn vận tải 423 C- 130A
Phi đoàn vận tải 425 C- 130A
Phi đoàn vận tải 435  C- 130A
Phi đoàn vận tải 437 C- 130A
Phi đoàn hỏa long 819  AC- 119G Shadow
Phi đoàn hỏa long 820 AC- 119G Shadow
Sư đoàn 6 không quân (Pleiku)
                                  Không đoàn chiến thuật 72
                                             Phi đoàn liên lạc 118 O- 1 Bird DogU- 17A/B SkywagonO- 2A Skymaster,
                                             Phi đoàn trực thăng 229 UH- 1
                                             Phi đoàn trực thăng 235  UH- 1
                                             Biệt đội tải thương 259B UH- 1
                                             Phi đoàn khu trục 530 A- 1 Skyraider
                                 Không đoàn chiến thuật 82 (Phù Cát, Bình Định)
                                             Phi đoàn trực thăng 241 CH- 47 Chinook
                                              Phi đoàn trực thăng 243  UH- 1
                                             Biệt đội tải thương 259A UH- 1
Phi đoàn vận tải 429  C- 7 Caribou
Phi đoàn vận tải 431  C- 7 Caribou
Phi đoàn khu trục 532 A- 37B Dragonfly
Trung tâm huấn luyện không quân
                       Phi đoàn huấn luyện 912 T- 6G Texan
Phi đoàn huấn luyện 918 T- 41 Mescalero
Phi đoàn huấn luyện 920 T- 37UH- 1 Huey
                                    Không đoàn tân trang chế tạo

Danh sách các tư lệnh qua các thời kỳ

 
Nguyễn Khánh 1955 Trung tá Sử dụng chức danh Phụ tá Không quân cho Tổng tham mưu trưởng
 
Trần Văn Hổ 1955- 1957 Thiếu tá (1955), Trung tá (1955), Đại tá (1956) T
Tư lệnh Không quân đầu tiên. Được thăng vượt cấp từ Trung úy lên Thiếu tá.
 
Nguyễn Xuân Vinh 1957- 1962 Trung tá, Đại tá (1961) Thất sủng sau Vụ đánh bom Dinh Độc Lập 1962.
Xin giải ngũ sang Hoa Kỳ học bằng Tiến sĩ.
 
Huỳnh Hữu Hiền 1962- 1963 Trung tá, Đại tá (1963)  
 
Đỗ Khắc Mai 1963 Đại tá (1963) Được thăng vượt cấp từ Thiếu tá.
 
Nguyễn Cao Kỳ 1964- 1965 Đại tá, Chuẩn tướng (1964), Thiếu tướng (1965)  
 
Trần Văn Minh 1965- 1975 Thiếu tướng, Trung tướng (1974)  
 
Nguyễn Hữu Tần 1975 Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 4 Không quân đồng thời là quyền tư lệnh cuối cùng.

Trang bị

Phi cơ F- 5C của Không lực Việt Nam Cộng hòa tại Căn cứ Không quân Biên Hòa năm 1971
 
Phi cơ 4400th CCTS T- 28 của Không lực Việt Nam Cộng hòa đang bay trên bầu trời
 
Phi cơ quan sát O- 1 thuộc Phi đoàn liên lạc 112 / Không đoàn chiến thuật 23 -  Căn cứ Không quân Biên Hòa -  1971
 
Phi cơ A- 1H thuộc Phi đoàn khu trục cơ 520, Căn cứ Không quân Bình Thủy
 
Phi cơ Cessna U- 17A tại Căn cứ Không quân Nha Trang
Phi cơ hỏa long (thuật từ Không lực Việt Nam Cộng hòa gọi phi cơ cường kích)
 Douglas A- 1 Skyraider
 Cessna A- 37 Dragonfly
 Douglas AC- 47 Spooky
 Fairchild AC- 119G Shadow
 Fairchild AC- 119K Stinger
Oanh tạc cơ
 Douglas B- 26 Invader -  nhận được trong chương trình Farm Gate
 Martin B- 57 Canberra -  Không quân Hoa Kỳ cho mượn để dùng cho huấn luyện -  chưa bao giờ được KLVNCH khai triển cho tác chiến
Khu trục cơ
 Grumman F8F Bearcat
 Northrop F- 5A/B/C Freedom Fighter
 Northrop F- 5E Tiger II
Phi cơ quan sát và thám thính
 Douglas RC- 47 Dakota
 Northrop RF- 5A Freedom Fighter
 Cessna L- 19/O- 1A Bird Dog
 Cessna O- 2A Skymaster
 Morane- Saulnier MS 500 Criquet
Phi cơ trực thăng
 Aérospatiale AS- 318 Alouette II
 Aérospatiale AS- 319 Alouette II
 Bell UH- 1 Iroquois/Huey
 Sikorsky H- 19 Chickasaw
 Sikorsky H- 34 Choctaw
 Boeing CH- 47 Chinook
Phi cơ huấn luyện
 Pazmany PL- 1
 North American T- 6 Texan
 North American T- 28 Trojan -  nhận được trong chương trình Farm Gate
 Cessna T- 37 Tweet
 Cessna T- 41 Mescalero
Phi cơ đa dụng và vận tải
 L- 26 Aero Commander
 de Havilland Canada C- 7 Caribou
 Beechcraft C- 45 Expeditor
 Douglas C- 47 Dakota
 Douglas DC- 6/C- 118 Liftmaster
 Fairchild C- 119 Flying Boxcar
 Fairchild C- 123 Provider
 Lockheed C- 130 Hercules
 Dassault MD 315 Flamant
 de Havilland Canada U- 6 Beaver
 Cessna U- 17A/B Skywagon
 Republic RC- 3 Seabee
 CASA C212 Aviocar