(Lời giới thiệu: Đại tướng Louis C. Wagner Jr., khi còn là sĩ quan cấp tá, giữ chức vụ cố vấn trưởng các đơn vị Bộ Binh và Thiết Giáp Việt Nam Cộng Hòa tại Vùng 1 Chiến Thuật trong hai nhiệm kỳ, ông có cái nhìn về Quân lực Việt Nam Cộng Hòa rất rõ-ràng.
Trong Lời Nói Đầu của cuốn STEEL and BLOOD, South Vietnamese Armor and the War for Southeast Asia do Naval Institute Press xuất bản vào tháng 10-2008, Tướng Wagner đã hết lời ca ngợi các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và thẳng thắn nhận định về khả năng tác chiến của quân đội Nam và Bắc Việt Nam, đồng thời ông cũng khách quan kể lại những gì ông đã ghi nhận được trong thời gian phục vụ tại Nam Việt-Nam. Nhân ngày Quân Lực 19-6-2008, chúng tôi trân trọng phổ biến tài liệu này đến quý chiến hữu.
Hà-Mai-Việt, sọan-giả Steel and Blood.)
Đại-tướng Wagner nói:
Tướng Wagner và bìa sách. |
Hầu hết các cuộc chiến-tranh đều được một số sách, nhiều bất-tận, theo sau, bàn về những kỳ công và hùng khí của những người đã từng vào sinh ra tử. Chỉ cần nhắc đến trường hợp Thế Chiến II: Số sách liên quan đến cuộc chiến tranh này hiện vẫn được tiếp tục viết ra theo một tốc độ kinh-ngạc. Nhưng trường hợp cuộc chiến của chúng ta, lâu dài nhất tính đến nay, là chiến-tranh Việt-Nam, thì lại không như vậy. Tuy đã có một số sách viết về vai-trò của Quân Lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh này, nhưng chính vì cái bản chất thất nhân tâm của cuộc chiến mà phần lớn tác phẩm đã không thể hiện chính xác được thực tại chiến-tranh, như hàng triệu nam nữ quân nhân Hoa Kỳ đã cảm nhận rõ vì họ đã phục vụ tại đó.
Kể ra đã có hàng triệu người Việt Nam luôn nêu cao danh dự, phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa suốt cả thời chinh chiến, nhưng số người viết thì không nhiều, mà lại viết quá ít về quân vụ của chính họ. Hậu quả là hiện có nhiều kẻ vẫn tin rằng quân sĩ Việt Nam đã không quyết tâm chiến đấu để bảo vệ tự do cho quê hương. Nhận thức tai hại này vẫn tồn tại ngay cả trong số đông các cựu chiến binh Hoa-Kỳ có mặt trong chiến tranh Việt Nam, nhưng đã không cùng hoạt động song hành hoặc phục vụ bên cạnh các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đại tá Hà Mai Việt đã viết xong một cuốn lịch sử tuyệt vời, đề cập đến thành phần quan trọng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đó là lực lượng Thiết Giáp. Việc sưu tập tài liệu và viết ra một cuốn sách không dễ dàng. Bởi lẽ chỉ có một số ít sử liệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa liên quan tới cuộc chiến tranh lâu dài trước kia còn sót lại sau khi Bắc Việt đã xâm chiếm Nam Việt-Nam. Do đó, Đại tá Việt đã phải bỏ ra tám năm trường, làm việc cực nhọc, đi hàng ngàn dặm, để truy tầm tin tức và phỏng vấn nhiều người, cố công phục hoạt cho bằng được một cuốn lịch sử nói về các đơn vị Thiết Giáp thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tác phẩm của ông độc đáo ở chỗ này: Nó không những chỉ trình bày khía cạnh tốt đẹp, mà còn nói cả đến những cái yếu kém của đơn vị Thiết Giáp, và của cấp chỉ huy Thiết Giáp. Ông thuật chuyện điềm nhiên, trung thực. Khi đơn vị hoặc cấp chỉ-huy thi hành tốt đẹp, thì ông kể lại rõ ràng và còn giải thích tại sao; khi họ thất bại, ông cũng mô-tả ra. . . Quả thực họa hoằn lắm mới thấy được tính cách ấy trong một cuốn lịch sử chiến tranh.
Sở dĩ tôi có được cái nhìn bao quát về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà nhiều người khác không sao có được, vì chính tôi đã từng phục vụ qua hai nhiệm kỳ với tư cách cố vấn trưởng cho các đơn vị tác chiến Việt Nam. Trong giai đọan 1964-65, tôi làm cố vấn trưởng cho trung đoàn 5, thuộc sư-đoàn 2 Bộ-Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai-đoạn này, trung đoàn 5 liên miên đụng trận nặng nề với các đại đơn vị được huấn luyện và trang bị tốt của Việt-Cộng tại mấy tỉnh ở phía Bắc. Khu vực này kể từ năm 1965 về sau, là vùng hành quân của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Trung đoàn 5 lúc ấy được chỉ huy tốt, nhưng trang bị kém vì phải xử-dụng các loại vũ khí cũ rích, và gần như không có hỏa lực pháo binh yểm trợ. Nhưng bất kể tình huống đó, quân sĩ của Trung đoàn này chiến đấu giỏi mặc dù phải chịu đựng nhiều thương vong.
Trong những năm 1971-72, tôi đã làm cố vấn trưởng cho trung đoàn 51 bộ binh và lữ đoàn 1 kỵ binh, và cũng ở tại mấy tỉnh phía Bắc. Vì đã có kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh kể từ năm 1969, cả hai đơn vị này đều được trang bị vũ khí và quân dụng ngang hàng với các lực lượng Hoa Kỳ, ngoại trừ pháo binh và không-quân. Sự kiện nâng cấp này đã tạo ra một khác biệt lớn lao xét về hiệu năng tác chiến. Lớn lao đến nỗi khó tưởng tượng được trừ phi đã từng phục vụ với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cả hai giai đoạn kể trên.
Tôi sẽ không xoáy sâu vào cuộc tấn công mùa Phục Sinh của Bắc Việt năm 1972, bởi lẽ trận chiến này đã được gói ghém, trình bày đầy đủ trong cuốn sách này rồi. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng đại đa số các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa mà tôi đã phục vụ đều đã chiến đấu giỏi. Luôn luôn bị địch quân đông gấp bội tấn công, họ vẫn ngăn chặn và sau cùng đánh bại cái đội quân trang bị và huấn luyện tốt của Bắc Việt. Không lực Hoa Kỳ, được các sĩ quan cố vấn Lục quân và Thủy quân Lục chiến Hoa-Kỳ phối hợp, đã giữ một vai trò chủ chốt trong sự thành-công. Bù đắp cho những khiếm khuyết về trang bị trong ngành pháo binh và không quân Việt Nam. Điều này nói lên đặc tính của các đơn vị tác chiến thuộc Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Buồn thay, chính vì cái tình cảm phản chiến tại đất nước chúng tôi mà Quốc Hội đã cắt giảm viện trợ dành cho Nam Việt Nam giữa lúc Liên Sô đang chỉnh trang và tiếp vận ồ ạt cho Bắc Việt. Quân Bắc Việt được bồi dưỡng xong xuôi, đã xâm chiếm và đánh bại Nam Việt Nam vào năm 1975. Nhiều chiến hữu Nam Việt Nam của tôi đã chết trong cuộc chiến đó hoặc đã bị giam-cầm suốt nhiều năm dài, độc ác tại những nơi được gọi là các "Trại Cải tạo". Đó là thời gian thuộc về lịch sử của quê hương chúng tôi, mà tôi không thể hãnh diện được.
Câu chuyện trong cuốn Thép và Máu là câu chuyện cần được kể ra. Tôi hy vọng nó sẽ gây cảm hứng cho nhiều cựu quân nhân khác lên tiếng thêm và trưng ra thêm bằng chứng nhằm chống lại những huyền thoại hiện hữu, tai ác, xúc phạm đến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi hãnh diện về thời-gian mà tôi đã trải qua, phục vụ cánh sát cánh với các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
T.D.B. dịch theo nguyên bản
No comments:
Post a Comment