To everything, there is a season, a time for every purpose under heaven:
A time to be born, a time to die
A time to plant, a time to reap
A time to kill, a time to heal
A time to laugh, and a time to weep...
Lời bài hát Turn Turn Turn của the Byrds
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Thành kính tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Khắc Hoàng, phi công C-130 đã cất cánh phi vụ cuối cùng để bay về miền cực lạc. Cám ơn anh ngày xưa đã mặc áo lính để bảo vệ non sông tổ quốc, làm tròn bổn phận người trai thời loạn. Cám ơn anh ngày hôm nay đã cầm bút để tranh đấu chống Cộng sản bạo tàn, đã làm tròn bổn phận đối với gia đình, với anh em đồng đội Không Quân, và cuối cùng, cao quí hơn cả, đã can đãm oai hùng, giữ được tấm lòng chống Cộng sắt thép của một người lính QLVNCH.
Cõi trời nào nơi anh sẽ đáp xuống, chắc chắn là phải tươi đẹp và an bình hơn cõi trần tục đầy máu lửa hệ lụy mà anh đã sống qua. Hãy yên nghỉ đi anh Hoàng Mun quý mến của Không Quân Việt Nam. Hãy yên nghỉ trong sự yêu thương luyến tiếc của gia đình anh và của tất cả những anh em đã từng mặc đồ lính, từ lính dù đến lính địa phương quân, lính Thiết Giáo, lính Lôi Hổ,lính Hải quân, và lính Không Quân... những người lính và những đồ tiếp liệu của họ mà anh đã từng chuyên chở trên chiếc C-130 Hercules do anh lái trong những bầu trời chập chùng lửa đạn của quê hương mình....
Thương nhớ anh...
Thành phố Houston nằm phía Tây của New Orleans nơi tôi ở, cách chừng 300 dặm. 300 dặm hay 6 giờ đồng hồ lái xe, hay 12 giờ, kể cả đi vẫn về, là một khoảng cách ... tuy xa mà gần, tuy gần mà xa....
Tại sao gần và tại sao xa? Xin thưa, gần là hễ khi nào có mục ăn nhậu nhảy đầm thì đừng nói 6 tiếng, cho dù 24 tiếng thì thằng này cũng vẫn lái xe phom phom đi được như thường. Vừa lái xe lại vừa ... huýt gió um sùm là đằng khác. Nhưng xa là bởi vì khi nào chẳng có mục gì vui thì dù có nửa tiếng đồng hồ cũng thấy xa như vạn dặm, tôi chẳng bao giờ đi. (Cứ hỏi mụ vợ tôi thì biết. Đường từ nhà tôi ra chợ không tới 15 phút đồng hồ mà vợ tôi mỗi lần nhờ tôi đi mua gi là mỗi lần phải vừa... năn nỉ và vừa hăm dọa.)
Vào khoảng những năm 78, 79, tức là chỉ 3, 4 năm sau khi người Việt Nam đặt chân trên đất Mỹ, trong lúc ở thành phố tôi ở chưa có được một tiệm phở nào ăn cho ra hồn, đi khắp thành phố không kiếm ra được một cô nào biết hát, một tay nào biết gãy đờn thì Houston đã có phòng trà ăn nhậu nhảy đầm, có cao lâu tửu quán Việt Nam với đồ ăn thức uống đầy đủ như Việt Nam, có chợ búa Việt Nam bán đủ mọi thứ hàng, và dĩ nhiên, có nhiều thứ khác nữa rất ly kỳ hấp dẫn mà tôi rất thích nhưng không tiện nói ra đây. Vì lẽ đó, cứ 5,3 tháng một lần, tôi hay rủ bạn bè sang Houston chơi. Nói đúng ra là du hí, hay đi du lịch Houston.
Tôi nhớ hồi đó, hàng quán của người Việt Nam ở Houston đa số đều tụ tập ở con đường Milam gần phố chính của thành phố. Lái xe xuống đó, cứ tìm chỗ nào đậu gần con đường Milam rồi cùng nhau xuống xe, cứ việc đi ngang đi dọc, đi đâu cũng nếu không đụng nhà hàng thì cũng đụng tiệm tạp hóa, tiệm ăn, tiệm sách và ngay cả phòng mạch bác sĩ của người Việt Nam. Mà đồ ăn thức uống chỗ nào cũng ngon, mấy em bán hàng miệng mồm ngọt sớt, ăn mặc đúng mốt hấp dẫn, lâu lâu lại ... nhún cặp mông đít một cái coi thấy mát con mắt làm sao. Tiệm tạp hóa đồ đạc cũng bán rẻ hơn ở bên tôi ở rất nhiều. Nhưng cái tôi khoái nhất là vào tiệm sách. Chỉ một khu phố mà có tới 3, 4 tiệm. Không hiểu mấy ông kiếm được ở đâu mà sách phát hành trước 75 bầy bán nhan nhản, băng nhạc và báo chí cũng cả một rừng, đứng lựa cả tiếng đồng hồ lựa chưa xong.
Và lần lần, sau khi đã an cư lạc nghiệp rôi, anh em phe lính tị nạn ta từ từ gom lại với nhau. Không Quân thì thành lập hội Không Quân, Hải quân cũng thành lập hội, Nhảy dù... vân vân và vân vân. Không phải mình là Không Quân lại đi khen Không Quân thì coi hơi kỳ, nhưng nói nhỏ cho nhau nghe, trong các hội đoàn cựu quân nhân thì Không Quân có vẻ ngon lành nhất.
Ngon lành chỗ nào? Xin thưa, anh em Không Quân Việt Nam Houston là nơi đầu tiên đứng ra tổ chức Đêm Không Gian và phát hành tờ Đặc san Lý Tưởng, tức là “chơi” nguyên cặp một lần cho nó tiện việc sổ sách. Tôi không nhớ rõ mấy số đặc san đầu tiên anh em lấy tên là Ngàn Sao hay Lý Tưởng?
Tiếng vang của sự thành công Đêm Không Gian của anh em Không Quân bên Houston dần dần bay đi khắp nơi trên toàn quốc Hoa Kỳ, và có thể nói nhiều nơi trên thế giới nơi có anh em Không Quân cư ngụ.
Hàng năm, cứ vào tháng 11, Đêm Không Gian được tổ chức và càng ngày thì càng trở nên long trọng hơn, to lớn và qui mô hơn. Tài tử giai nhân ... Không Quân, các cấp chỉ huy cũ từ khắp nơi trên nước Mỹ và vài chỗ trên thế giới nờm nượp bay đến Houston để tham dự. Ngay cả các tay chơi trẻ ở thành phố cũng hẹn nhau đi tham dự vì đêm Không gian đã trở thành một cái mốt thời đại, ai không đi là... chưa biết gì.
Tiếng gọi là Đêm Không gian nhưng thật ra, phải nói là ... cuối tuần hay ... cả Tuần Không Gian vì khách khứa bắt đầu đến Houston từ những ngày đầu tuần. Thế là là vi vút ăn nhậu với nhau, hết nhà người này đến nhà người khác. Tối thứ sáu gọi là “Tiền Hội Ngộ”, anh em gặp nhau ở một quán ăn nào đó chỉ để ăn nhậu, tâm tình và ca hát chứ không nhảy đầm. Riêng tôi, tôi thích là cái đêm Tiền Hội Ngộ này vì không cần phải trưng diện đồ đạc, được ngồi gần nhau trong không khí thoải mái để chuyện trò, ai muốn hát thì lên làm một bản tặng anh em.
Tối hôm sau, Đêm Không Gian thì luôn luôn được long trọng tổ chức ở một khách sạn sang trọng bậc nhất thành phố. Đêm Không Gian luôn luôn được bắt đầu bằng Lễ Chào Cờ long trọng. Sau đó, cái mục hay nhất và ý nghĩa nhất là bảo hợp ca Không Quân hành khúc do các Không Quân và phu nhân cùng nhau đồng ca. Sau đó là màn ăn uống và nhảy nhót. Ai không muốn ăn nhậu nhảy nhót thì ra ngoài uống bia và nói chuyện với nhau.
Và đối với tôi thì quan trọng hơn cả, Đêm Không Gian cũng là đêm phát hành tờ Đặc San Không Quân Houston tên là Ngàn Sao.
Sáng hôm sau, chủ nhật là buỗi ăn sáng tiễn đưa anh em lên đường. Tôi nhớ một năm, hình như 1989 thì phải, lúc Thái Ngọc Tường Vân còn làm hội trưởng, Trung Tướng Tư Lệnh Không Quân có về chung vui với anh em và sáng hôm chủ nhật, đích thân ông tướng đứng ngoài cửa nhà hàng bắt tay từng anh em một, hỏi han chân tình từng người một như một người anh hỏi thăm thằng em lâu ngày không gặp.
Qua tờ Đặc San, tôi được dịp làm quen với những cây cổ thụ của làng báo Không Quân Houston như anh Mây Trời hay Hoài Phong Trần Trung Chính, Đại tá Đặng duy Lạc, Đại Tá Nguyễn Văn Phước tức Mệ, Nhà Thơ Khách Ô Ly, Nhà thơ Phượng Ly tức Trung Tá Nguyễn Tiến Thành, Herkey 012 tức đại úy Nguyễn Khắc Hoàng, Cô Dương và Tầm Dương tức Trung Tướng Tư Lệnh Trần Văn Minh...vân vân.
Nhưng gần gũi và thân thích với tôi nhất phải nói là hai người. Người thứ nhất là Trung Tá Nguyễn Tiến Thành, cựu phi đoàn trưởng F-5, bút hiệu Phượng Ly, và người thứ hai là anh Nguyễn Khắc Hoàng, phi công C-130, bút hiệu Herky 012...
Như đã nói, đường từ về Houston tuy cách nhau 300 dặm nhưng với tôi thì rất gần. Mỗi năm một lần, tôi phóng xe xuống Houston để ... ăn nhậu nhảy đầm. Nói cho đúng thì nhảy chẳng bao nhiêu nhưng ăn nhậu và đấu láo thì thâu đêm suốt sáng...
Anh Thành Dâm rất quý tôi và năm nào cũng thế, hình như một năm hai lần thì phải, một vào mùa hè và một vào mùa Thu, tôi phóng chiếc xe cà tàng làm một chuyến Tây du ngắn.
Mùa Hè thì xe tôi chở cỡ chừng 50 cân Crawfish. Bãi đáp thì luôn luôn thay đổi, hoặc là nhà anh Minh Chè hay anh Thành hay anh Tô phương Cường. Luộc crawfish lên, chúng tôi và vài người bạn của các anh cùng nhau... nhậu tới bến..
Mùa Thu thì bận rộn hơn vì ai nấy cũng lo Đêm Không Gian, nhưng chúng tôi cũng gặp nhau được trước để coi mặt mũi “đứa con” Ngàn Sao của anh Thành, và sau đó, dĩ nhiên, là để ăn nhậu.
Viết vể Đêm Không Gian Houston mà không nhắc tới anh Thành Dâm là một thiếu sót không thể tha thứ được. Lần đầu tiên gặp anh, tôi cùng anh chị Tươi đang đứng nói chuyện với nhau trong một quán nhậu vào đêm Tiền Không gian thì thấy một Nam Tử râu quai nón, mặt mày quắt thước, oai phong lẫm liệt cầm mấy tờ báo mà tôi đoán là tờ Đặc San Không Quân Ngàn Sao đi vào.
Anh Tươi thấy tôi nhìn anh Thành, nói ngay:
-Đó là ông Trung Tá Thành phi đoàn trưởng F-5 đó.
-Tôi có nghe tiếng. Hình như ổng là nhà thơ Phượng Ly phải không?
Chị Tươi liền trả lời thế.
-Đúng rồi, nhưng người ta còn gọi ổng cái tên khác nữa kìa.
Tôi tò mò hỏi:
-Tên gì?
Chị Tươi vừa trả lời vừa bụm miệng cười:
-Thành Dâm.
Cái tên hơi lạ làm tôi cũng phải phì cười. Tôi nói:
-Tướng tá râu ria ngon lành như vậy thì phải cho ông ấy ... dâm một chút chứ, không dâm thì chắc ... chết, chịu gì nổi.
Nhưng anh Tươi lại nói:
-Tên nghe như dậy nhưng mà không phải dậy. Ổng hiền lắm em ơi. Hiền khô à.
Sau này, tiếp xúc với anh, làm việc với anh, tôi mới thấy lời nhận xét ấy của anh Tươi rất đúng.
Theo tôi biết, anh Thành là rường cột của tờ Đặc San Không Quân Ngàn Sao. Làm báo, nhất là báo loại Đặc San coi thì dễ chứ không dễ. Trước hết, tờ đặc san luôn luôn phải có một chủ đề chứ không phải muốn viết như thế nào thì viết. Không lý Đặc San Không Quân mà lại viết về ... Nhân Dân Tự Vệ thì kỳ quá, ai chịu được. Đồng ý rằng quân chủng Không Quân có nhiều cây bút hay và nổi tiếng, nhưng viết mãi về một đề tài nó cũng đâm nhàm đi. Vì thế, người làm báo phải giỏi ngoại giao, trước khi tờ báo ra cả năm đã bỏ công sức đi săn bài, đi hỏi bài hay xin bài. Rồi về còn phải sửa chữa văn phạm, rồi layout trình bày. Thời đó chưa có những chương trình để trình bày báo chí tối tân như PageMaker hay Quark hay Indesign của Adobe nên đa số còn phải cắt dán bằng tay. Và tôi biết anh Thành đã tận tụy chăm sóc tờ báo, có nhiều đêm không ngủ, để lo cho tờ báo được đẹp đẽ, mát mắt mọi người.
Đây là chưa nói đến chuyện trình bày quảng cáo. Đi lấy quảng cáo về, không lý Đặc San Không Quân Ngàn Sao lại lấy quảng cáo của báo chợ để cắt dán vào, coi sao được. Thế là phải lụm cụm vừa xử dụng computer, vừa cắt dán, để làm mẫu mới. Có thể nói, trước khi tờ báo được đem đi in, anh Thành là một con người khác, mặt mày lúc nào cũng lo lắng buồn rầu. Nhưng sau khi tờ báo in xong, cầm đứa con trong tay, mặt mày anh sáng rỡ lên, bao nhiêu nhọc nhằ lo lắng biến mất hết trên gương mặt anh...
Dĩ nhiên, mọi người đều biết, làm tờ đặc san anh chẳng ăn cái giải gì, và có khi còn bị thiên hạ chửi. Anh Thành lúc ấy lại còn đi làm full time, vợ con hàng đống ở nhà, nhưng anh vẫn đều đều bỏ thì giờ ra để hăng say làm việc, không bao giờ cất tiếng than, lúc nào cũng giữ được vẻ bình thàn trầm lặng của một kẻ sĩ. Anh mất công sức như thế vì, thứ nhất, anh yêu thương tận lòng cái quân chủng Không Quân đã nắn nót anh nên người. Vì yêu thương anh em đồng đội Không Quân, những người bạn cũng như những người em đã từng một thời góp máu với anh. Thứ hai, vì cái máu văn nghệ và thơ phú từ thở bẩm sinh đã luôn luôn chảy trong người anh. Anh phải sáng tác, phải viết, phải làm báo, phải dấn thân. Đơn giản như thế mà thôi...
Anh Thành ạ, anh thầm lặng nhưng cao cả và đáng quí làm sao...
Riêng anh Hoàng Mun, vì cùng cầm bút nên chúng tôi gặp nhau là thấy quý mến nhau ngay. Anh Hoàng mun với nụ cười hào sảng, tính tình thích ăn ngay nói thẳng, chẳng kiêng nể chuyện gì. Anh rất tốt với bạn bè, có tài kể chuyện tiếu lâm rất hay, và uống rựơu rất tới. Nhưng có lẽ cái làm cho tôi thích nhất nơi anh là lòng yêu nước và tinh thần chống Cộng cao độ. Anh không bao giờ chùn bước, sẵn sàng đứng lên để bảo vệ quan điểm hay tư tưởng chống Cộng của mình. Anh cay ghét và căm thù CS tới độ, trong bàn rượu, ai mở miệng dùng danh từ CS như là “đăng ký, khẩn trương...vân vân” là sẽ bị anh sửa sai liền, không hề kiêng nể.
Tôi nhớ mãi một lần, tôi viết một bài trên Email và vô tình dùng danh từ “bóng đá”, một danh từ của CS mà tôi không để ý. Ngay sau khi đọc được, anh đã Email cho tôi, thẳng thắng chỉ trích việc dùng chữ VC. Tôi nhận ra lỗi của mình ngay và đã xin lỗi anh liền. Sau đó, anh còn gọi điện thoại cho tôi, hai anh em tâm sự và hẹn anh sẽ gặp nhau ở Houston.
Có lẽ tính tình anh quá thẳng nên một vài người không ưa anh, nhưng thật sâu trong đáy lòng anh, tôi biết anh là một người hiền lành dễ tính, cốt nhà Phật, luôn luôn đối xử với anh em bạn bè như bát nước đầy. Thằng nào nói anh không nghe được, anh chỉ chửi một câu, rồi sau đó là quên đi, chẳng bao giờ nhớ lại. Thì giờ đâu mà nhớ ba cái chuyện nhọc nhằn đó làm chi, để dành thì giờ uống rượu với bạn bè sướng hơn...
Ôi, đó quả thật là một thời để vui. A time to enjoy...
Nhưng thời gian qua mau. Và luôn luôn mau hơn mình nghĩ, không bao giờ cho mình kịp chuẩn bị. Chúng ta là những chiếc lá bị cuốn vào một cơn lốc xoáy không bao giờ ngừng. Nào là chuyện mua cơm vay áo, nào là tiền bill nhà bill xe bill bảo hiểm bill đủ thứ cứ đều đều bay về hàng tháng, nào là tiền học cho con, tiền quà sinh nhật hay tiền Tết, nào là bổn phận đóng góp cho nhà thờ hay cho chùa, cho hội đoàn vân vân... Chúng ta, tất cả chúng ta đều bị xoáy tròn trong những cơn lốc đời. Những cơn lốc xoáy tròn, xoáy mãi, kéo cuộc đời chúng ta xoáy theo chúng không bao giờ ngừng...
Những buổi sáng thứ hai, trời chưa sáng, tiếng rú của cái đồng hồ báo thức nghe còn kinh hoàng hơn cả tiếng đạn đại pháo xé trời đang bay vào căn cứ. Chào mừng quí vị, hôm nay là sáng thứ hai, một tuần lễ mới vừa bắt đầu. Chúng ta đồng loạt thức giấc, mắt cay sè, chưa tỉnh ngủ, bước chân lạng quạng lao vào phòng tắm để chuẩn bị cho một ngày thứ hai ... kinh hoàng sắp tới. Vừa đánh răng vừa nghĩ tới công việc sắp phải làm, bao nhiêu chuyện cần phải giải quyết cho hôm nay, cho tuần này...
Sau một ngày làm việc, buổi chiều, thân thề rã rời, có được về nhà đâu, còn phải ghé ngang chỗ này để mua món này, tiệm kia để mua thêm vài món theo lời căn dặn của “xếp lớn” ở nhà. Vể đến nhà, thân thể và đầu óc rã rười, mở tủ lạnh khui lon bia chưa kịp uống là đã nghe xếp réo. “Anh ơi, sao cái vòi nước tắt mãi mà nó vẫn còn... chạy như thế này, anh vào xem thử. Khổ thật, nhà người ta thì chả bao giờ hư, còn cái nhà này thì rờ đến đâu là có chuyện đến đó.”
Thế là phải cất ngay lon bia vô tủ lạnh, mặt nghiêm và buồn nhưng không dám ý kiến, tay kềm tay mỏ lết chun xuống dưới gầm nhà bếp hì hục mò mẩm. Sửa vừa xong, cái lưng già muốn gẫy ra làm 3 khúc, hai cánh tay như đã bị tê liệt, chưa kịp nghỉ ngơi, lại nghe ông con réo: “Bố ơi, đến giờ con đi họp Hướng Đạo rồi đấy, đi trễ bị la chết.” Thế là lại phóng lên xe, cố gắng hết sức mới đút được cái chìa khóa vào ổ công tắc. Mẹ kiếp, ngày xưa bố lái tàu bay đâu có bao giờ tay chân lại ... nhọc nhằn như thế này đâu con?
Sau một tuần lễ nhọc nhằn, chắc chắn tối thứ Sáu phải là một tối vui vẻ nhất của anh em chúng ta. Thứ sáu chưa tới mà hò hẹn với bạn bè thì đã mấy tuần lễ trước. Cuối tuần này họp mặt nhà ai, làm cái gì, nhậu món gì, uống cái gì. Vào những dịp lễ hay tết gần tới thì những ngày cuối tuần đáng lý ra là để nghỉ ngơi đã biến thành những ngày “lao động nhọc nhằn” cho đoàn thể, cho hội đoàn, cho tổ chức. Đây là chưa nói đến những anh em có tham gia những đoàn thể chính trị. Những người này thì còn bận rộn hơn những anh em thường gấp mấy lần với những công tác hàng tuần, hàng tháng, những chuyến đi hội họp gần xa vân vân...
Cứ thế và cứ thế, chúng ta quay cuồng trong cơn lốc đời, ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm mà không ai hay biết. Bỗng dưng, một ngày nào đó, anh em nhìn lại, và giật mình kinh hãi khi thấy tuổi xuân, tuổi xanh, tuổi trẻ, va cuối cùng là tuổi trung niên của mình đã không cánh mà bay đi mất tiêu. Nhìn vào gương một sáng, chợt thấy đầu mình đã bạc, làn da mặt đã nhăn nheo chi chít như những giao thông hào ngày xưa trên chiến địa. Nghe tiếng chuông điện thoại reo, nhấc lên, tưởng ai hóa ra thằng cháu nội gọi nhờ ông nội chở đi thư viện mượn sách, nói tiếng Mỹ nghe y hệt như một thằng Mỹ con. Một chút buồn tự dấy lên trong lòng. Hóa ra là mình đã lên chức ông nội từ lúc nào mà không để ý đến. Ôi sáu mươi năm cuộc đời trôi nhanh đến thế sao? Niềm an ủi là mình đã nuôi con cái được khôn lớn, cho ăn học và dạy dỗ chúng nó nên thân nên người, đã dựng vợ và gả chồng cho chúng nó. Đã làm tròn bổn phận. Trong khi cuộc đời của bọn nhỏ đang vươn lên thì cuộc đời tụi mình đang bắt đầu từ từ chìm xuống và lùi dần vào bóng tối.
Nhìn lại bạn bè thì ai cũng già đi như mình, nhưng đáng buồn là có nhiều người lại còn thê thảm hơn. Có người đã phải ngồi xe lăn, có người phải chống nạng mà đi, có người đã gần chục năm ... chưa dám rờ tới lon bia hay rờ tới cặp mông đít của vợ hay của bất cứ ai, đi tới đâu cũng "trang bị phi hành" bằng một bịch thuốc đủ loại như ngày xưa đi bay phải đem áo phao áo lưới, có người phải đeo thính trợ mới nghe được anh em nói, và cuối cùng, đau buồn hơn cả, có nhiều người đã cất cánh ra đi lần cuối. Ra đi như anh Hoàng mun thân quý...
Chạnh lòng nghĩ quẩn. À, thì ra tụi mình đã qua khỏi giai đoạn “Một Thời Để Vui” và đang bước vào giai đoạn “Một Thời Để Nhớ”, giống như ngày xưa đi lính, bước qua khỏi giai đoạn Huấn Nhục kinh hoàng để bước vào giai đoạn SVSQ huy hoàng hơn một chút. Có khác chăng là ngày xưa, sau khi qua khỏi giai đoạn SVSQ thì tiếp theo đó sẽ là một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đón mình, ối chào nhiều lắm, nào là đi Mỹ, nào là học lái máy bay, nào là chọn đơn vị nơi mình thích, nào là làm đám cưới, vân vân và vân vân. Nhưng bây giờ, sau khi chúng ta đi qua khỏi giai đoạn “Một Thời Để Nhớ” thì chúng ta sẽ bước vào giai đoạn nào? Bố khỉ, hỏi vớ vẩn thật, thì là giai đoạn ... chết chứ còn giai đoạn con mẹ nào nữa mà hỏi? Vớ vẩn.
Mà thôi, âu cũng là chuyện bình thường của tạo hóa. Sinh Lão Bệnh Tử là chuyện của kiếp người. Nhưng thỉnh thoảng ngồi nghĩ lại, tự hỏi lòng mình, đã bao nhiêu lần mình đã dành chút thì giờ để ngồi ngắm mặt trời lên buổi sáng, chiêm ngường vẻ đẹp của vừng Thái Dương? Đã bao nhiêu lần mình chịu bỏ chút thì giờ để ngắm vẻ đẹp và sự đơn sơ của một cành hoa? Hay ngồi lặng nghe tiếng hót thánh thót hợp quần của đàn chim nhỏ đang bay lượn hát và ca vang trong một chiều xuân nắng ấm trên cao? Mình dù gì cũng đã từng mang cánh bay và đã từng bay lượn như chúng trong cõi trời thênh thang kia mà. Có lẽ không nhiều lắm, bởi vì, như đã nói, chúng ta đều đã bị quay tròn trong cơn lốc đời, với bao nhiêu bổn phận, bao nhiêu công việc, bao nhiêu hệ lụy phải có của kiếp người.
Hoặc là, cũng đã bao nhiêu lần, mình đã nói được một điều gì đẹp đẻ, làm vui lòng một người bạn trong sở hay bạn bè mình, hay thậm chí cả một người lạ mặt? Đã bao nhiêu lần mình chịu uốn mình chịu nhịn nhục hay tha thứ bỏ qua cho những lỗi lầm của những người chung quanh mình? Đã có bao giờ mình nhận ra sự tha thứ chính là dấu hiệu của một sức mạnh vô song, hay chỉ luôn luôn chủ trương: "Tha cho nó thì nó sẽ lờn mặt", dấu hiệu của một sự sợ hãi, không bao giờ cảm thấy an toàn trong cuộc sống.
Đã bao nhiêu lần mình đã thích cho hơn là nhận, thích khen hơn là chê, thích khuyến khích hơn là chỉ trích, thích nói những lời tốt đẹp hơn là móc lò đối với đồng loại hay anh em mình? Một lần nữa, có lẽ không nhiều lắm bởi vì con người mình đã dày dạn qua những ngày tranh sống quá khắt khe mãnh liệt, nó đã biến mình thành một cái máy ... tính toán, chỉ biết tiến chứ không bao giờ lùi, chỉ muốn nhận vào chứ không muốn nhả ra dù chỉ một miếng nhỏ, luôn luôn muốn chiến thắng mà không bao giờ chịu bại, luôn luôn coi trọng sự giàu có hay sức mạnh mà không biết rằng sự đơn giản hay sự hèn yếu cũng có cái hay riêng của nó, và nhiều khi, còn là nền tảng của sức mạnh. Ai cũng giàu có mạnh bạo hết thì ai sẽ là người nghèo khổ yếu hèn trên thế giới này đây?
Hôm nay, bỗng dưng ngồi nhớ lại những kỹ niệm xưa ở thành phố Houston với anh Thành, anh Hoàng mun và những người bạn khác, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi. Ngậm ngùi và đau đớn và tiếc thường nhiều lắm, không nói bằng lời được...
Mới ngày nào đây còn vui vẻ bên nhau, còn chén thù chén tạc, còn cười còn nói, còn kể chuyện ngày xưa bay bổng đánh đấm như thế nào, du hí ra sao... Thế mà, ngoảnh mặt đi một cái, tôi đau đớn nhận ra là hơn một chục năm, thậm chí hai chục năm rồi đã trôi qua. Trôi qua, như người ta thường nói, như một giấc mộng. Nhiều người đã ra đi vĩnh viễn, nhiều người đã âm thầm và đau đớn rút vào bóng tối, và dĩ nhiên, cũng còn nhiều người may mắn khác như tôi đây vẫn còn xuất hiện và vui chơi với anh em...
Thôi thì chúng ta hãy vui hưởng những giờ phút quý báu còn lại của cuộc đời mình, và hãy ráng làm vui lòng nhau, làm cho nhau cười, nói tốt cho nhau, nói cho nhau vui, và cuối cùng, quan trọng lắm, hãy tha thứ cho nhau khi mình còn có thể...
Phải, hãy làm những việc đó cho nhau khi mình còn có thể bạn ơi, bởi vì, sau cái "Một Thời Để Nhớ" này thì mình chẳng còn “Một Thời" nào cả...
Viết để nhớ lại "Một Thời Để Vui", và để sống trọn "Một Thời Để Nhớ..."
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
August 2013
No comments:
Post a Comment