“…Câu chuyện sắp kể, dù tôi vẫn chưa thể xác quyết, đã liên quan đến việc sống chết của 2 người lính thuộc bộ chỉ huy Thiết Đoàn 2, Sư đoàn 9 Bộ binh. Hy vọng thân nhân của các anh sẽ đọc được câu chuyện này..”
“…Ngày đó có những anh hùng, những tên hèn và kẻ chịu hèn. Tôi là loại người sau cùng…”
Trước 75, đoạn Mỹ Thuận Trung Lương thuộc về Quốc Lộ 4 chỉ có 60 km, chạy qua các quận Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành của tỉnh Định Tường. Tuy ngắn nhưng đây là đoạn huyết mạch nối thủ đô Saigon với các tỉnh Miền Tây. Do đó, khi Cộng quân bao vây Saigon trong những ngày cuối, Sư đoàn 9 đã di chuyển Bộ Chỉ Huy nhẹ về thị xã Mỹ Tho, Phối hợp với Sư đoàn 7 để bảo vệ mạn nam của Saigon. Sáng hôm định mệnh, tôi được lệnh rời Bộ Tư Lịnh ở Vĩnh Long để đi Mỹ Tho. Như thế, tôi sẽ phải vượt qua đoạn đường vừa nói.
Từng năm từng năm cứ đến 30 Tháng Tư, tôi lại trăn trở với những điều đã mục kích. Nay có hai lý do khiến tôi quyết định phải viết ra: Trước tiên, câu chuyện sắp kể, dù tôi vẫn chưa thể xác quyết, đã liên quan đến việc sống chết của 2 người lính thuộc bộ chỉ huy Thiết Đoàn 2, Sư đoàn 9 Bộ binh. Hy vọng thân nhân của các anh sẽ đọc được câu chuyện này, và xin tha thứ cho sự chậm trễ của tôi, nếu như một rủi ro tận cùng đã đến với các anh. Sau là, đã bao tháng đợi năm chờ, tôi chưa nghe ai kể điều gì xảy ra trên đoạn Quốc Lộ 4, từ Mỹ Thuận đến Trung Lương ngắn ngủi này, dù chắc chắn không thiếu gì nhân chứng.
Ngày đó có những anh hùng, những tên hèn và kẻ chịu hèn. Tôi là loại người sau cùng, mang nặng món nợ làm chứng nhân, nay trung thực kể lại sự kiện được nhìn thấy. Xin đọc với trái tim rộng lòng chia sẻ, không phải bằng khát khao thưởng thức một áng văn chương. Và bất cứ ai nhận ra mình có mặt trong bài viết này, tôi tha thiết xin cho được một lần tái ngộ.
Rời Vĩnh Long bằng phương tiện của Thiết đoàn 2. Cả xe GMC 7 người: ngồi buồng lái gồm tài xế và trưởng xa là bên thiết giáp; ngồi khoang sau 5 người, kể cả tôi, thuộc Bộ tư lịnh Sư đoàn 9. Cấp sĩ quan: chỉ có mình tôi. Vũ khí: súng trường M16, với cấp số đạn gấp đôi, cùng một ít lựu đạn. Ngoài nón sắt, chúng tôi đều mặc áo giáp. Đêm hôm trước theo dõi đài VOA và BBC, tình hình đã rất bi đát.Xe đến ngã ba quẹo vào Bắc Mỹ Thuận phải chậm dần lại, vì đầy chật đủ loại xe đò cùng hành khách. Những người buôn bán rong vẫn hối hả tới lui réo gọi rao bán. Sinh hoạt không khác chi ngày thường, ngoại trừ gương mặt mọi người đều đậm nét lo lắng hoang mang. Quân xa chúng tôi được ưu tiên qua phà. Nước sông lúc này đục trắng; phải sang giữa mùa mưa, nước phèn từ ruộng đồng đổ ra mới làm nước sông trong lắng hơn. Nhìn Lục bình trôi nổi, tôi bồi hồi nhớ lại kỷ niêm 3 năm trước, lần đầu tiên trong đời qua khúc sông này lúc cận tết, để về trình diện Sư đoàn ở Sadec. Khi đứng trên phà, nhìn những đài hoa Lục Bình màu tím nhạt, trôi nổi trên sông nước mênh mông, rồi nghĩ lại hoàn cảnh phiêu bạt, sau bao năm sớm rời ghế nhà trường, mà không khỏi chạnh lòng..
“Có buổi nào về bên kia sông,”
“Thấy thương hoa tím Lục Bình không?..”
“Để lòng chạnh nhớ người xưa ấy,”
“Duyên kiếp phận đời cũng long đong.”
Tạm biệt Lục Bình, tạm biệt hoài niệm. Bây giờ xe đã rời phà, bắt đầu lăn bánh vào Quốc lộ 4. Tình hình bến bắc bên này hoàn toàn khác hẳn. Dân chúng xôn xao, hành khách nháo nhác, đủ các loại xe nằm ụ lại bên đưòng tắt máy chờ đợi. Chiều ngược lại, không một bóng xe. Thình thoảng tiếng súng và đạn pháo nổ đâu đó vọng đến, lại làm mọi người chộn rộn chỉ trỏ bàn tán. Hỏi ra thì biết rằng phía trưóc bị đắp mô, phải chờ công binh giải tỏa. Xe dân sự không được phép di chuyển.
Khá xa, qua khỏi cầu và ngã ba An Hữu thì gặp đơn vị công binh lập rào cản ngăn chận. Khúc này nhà cửa dân cư thưa thớt, căn cứ quân sự cũng không. Thỉnh thoảng một chiếc xe Zeep trang bị máy truyền tin, được đích thân một viên Đai úy công binh cầm lái chạy tới lui lăn xăn. Hình ảnh này nói lên một tình huống nghiêm trọng bất thường. Lần cuối khi dừng lại bên cạnh xe chúng tôi, gương mặt ông đầy vẽ căng thẳng với ống nghe áp chặc trên tai. Rồi đột nhiên với dáng vẻ đầy hối hả, ông bấm còi inh ỏi vừa ra dấu vừa hét to cho chiếc xe công binh ủi đất, khoảng trăm mét phía trước, quay đầu cùng chạy về phía bắc Mỹ Thuận. Tôi gọi với theo hỏi, nhưng không kịp. Chẳng hiểu mô đã phá xong chưa, và tại sao lại hối hả rút về. Chúng tôi bỗng dưng lạc lõng giữa đất trời. Nhìn tới nhìn lui, phía nào cũng ruộng đồng hoang vắng giống nhau.
Lách qua “con ngựa gổ” làm rào chắn tượng trưng, xe liều lỉnh tiếp tục hành trình. Đến Xã Mỹ Đức Tây, xe phải dừng ngay trước dốc cầu, vì đang có chuyện ở phía trước. một vài xe đò nằm ụ bên đường tự bao giờ, khách tản lạc đi đâu cả, trên xe chỉ vài chị bạn hàng, căng võng nằm, ra dấu và nói cho biết “các ổng” đang cắm cờ chận đường phía trước. Các em bán rong chạy tới chào mời chúng tôi mua trái cây, giá rẻ như đem cho! Xuống xe, rảo bộ vào chợ xã, nằm trên một vùng gò đất. Người buôn kẻ bán chỉ hơi hối hả một chút. Trong các quán ăn uống, cũng có vài anh lính đia phương ngồi sẵn. Tôi vào một quán, gọi tô mì. Xem lại, chỉ là mì gói bột nêm trụng nước sôi, thêm vài miêng thịt luộc thái mõng!
Ăn xong, trên đường trở ra xe, vừa bước xuống lòng đường thì bên kia một chiếc lam ba bánh chạy trờ qua mặt vội vàng. Trên xe đầy tiếng ồn ào ngưòi lớn con nít kêu khóc. Người tài xế mặt mày hớt hơ hớt hãi xanh lè, nhảy bắn ra khỏi xe đứng thở hổn hển quên cả việc thu tiền. Hành khách tuôn chạy tứ tán. Một bà chị cứ vừa đi vừa chấp tay bái lậy tứ phía, miệng líu ríu lầm rầm gì không rỏ. Một bác gái lớn tuổi ngồi té bệt dưới đất, vừa khóc vừa gào “trời ơi tội nghiệp người ta quá mà! Người ta có làm gì đâu mà bắn người ta!” Tôi đến gặp anh tài hỏi chuyện. Đi theo hướng tay anh, tôi nhìn thấy trên cản và kính chắn phía trước còn nhiều những vệt máu và óc trắng chưa khô. Anh run rẩy kể lại, một người lính ngồi ngay bên tay phải của anh trên băng ghế lái bị “mấy ông” chận lại kêu bước xuống, rồi không hỏi không gì bắn luôn vô đầu. Tôi cũng biết thêm, bà cụ gào khóc kia không liên quan thân thích gì với người lính bị bắn.
Bưóc về đến xe của mình, quay lại thấy những người lính ở đồn Địa Phương Quân gần đấy chạy tới xôn xao thăm hỏi những khách đi xe và anh tài. Một chốc sau, còn đang nghĩ ngợi về cái chết của người lính và tình huống tiến thoái lưỡng nan, thì bất chợt tiếng radio từ một nhà dân bên đường được mở lên thật lớn. Lệnh “bàn giao” từ Tổng Thống Dương Văn Minh đang được phát đi. Mọi người trên xe đều lộ vẽ ngỡ ngàng căng thẳng. Đoạn băng phát đi phát lại không thể nghe nhầm lẫn được. Chữ nghĩa “bàn giao” tuy còn đầy sĩ diện, nhưng không che dấu được hàm ý “đầu hàng”. Biết chữ nghĩa nào diễn tả cho hết nỗi buồn và đau xót cùng cực trong lòng tôi, và mọi người khi ấy trên nét mặt.
Thời gian trôi qua khá lâu. Bây giờ thì tiếng radio đã được nhiều nhà nối tiếp nhau mở lớn, vang vọng cả khu chợ. Dân chúng gọi nhau báo tin và xôn xao bàn tán. Những người lính địa phương cũng đã chạy hết về đồn trại. Nơi đây, chúng tôi đã xa bắc Mỹ Thuận 10km, còn 50km mới đến Trung Lương. Nơi an toàn gần nhất có thể đến được là quận Cai Lậy, cũng phải 25km. Mọi người đang phân vân, bất chợt nhiều tràng súng nổ ròn rả từ phía đồn trại, tiếng la báo động inh ỏi, và những người lính lúp xúp cầm súng dàn ra bờ công sự phòng thủ. Trên khu nhà chợ, hàng quán xầm xập đóng cửa, dân chúng tán loạn, có người vừa chạy vừa hô “Mấy ổng tới! Mấy ổng tới!’ Chị bạn hàng nhảy tháo khỏi xe, luống cuống nhặt dép lên vừa khóc lóc than van vừa chạy trốn vào một nhà bên đường “Chết rồi! hàng họ của tôi sao nè trời!” Rồi trong phút chốc, sự ồn ào náo loạn biến mất; kể cả tiếng radio cũng tắt ngúm. Trên quốc lộ chỉ còn trơ trọi bảy người chúng tôi! Còn “mấy ổng”, theo cách người dân Miền Tây gọi VC (việt cộng), thì chưa thấy đâu cả.
Không chần chừ thêm, người tài xế cho nổ máy và đạp ga lút tới. Xe nhảy chồm lên cầu rồi đổ dốc; qua cầu không xa, chúng tôi đã ra khỏi khu dân cư. Bắt đầu từ đây, hai bên đồng ruộng tít tắp. Chúng tôi 5 người sau xe ghìm súng ra hai bên, sẵn sàng với mọi tình huống bất ngờ. thỉnh thoảng xe phải chậm lại vì những ổ gà hoặc mô gò do VC đào đắp, cố gắng theo dấu của một xe nào trước đó đã qua, để tránh mìn. Có những đoạn bị cắm cờ VC xanh đỏ, dù là xa lề cả trăm mét, để chứng tỏ chủ quyền. Có lúc đạn bắn ra đâu đó từ những bờ vườn, đành nhờ ơn phúc ông bà. “Đường ta.. ta cứ đi.”
Chạy độ chừng 10km đến địa hạt của một xã kế tiếp. Tình hình ở đây hoàn toàn khác hẳn, hàng quán mở cửa xôn xao, dân chúng đi lại trên đường tấp nập, không thấy bóng dáng một người lính nào. Từ những căn nhà bên lề, radio được mở thật lớn, có cả đài VC, phát đi bằng giọng nữ xướng ngôn viên miền Bắc, và những bài “nhạc đỏ”. Chưa hết nỗi ngỡ ngàng, thì xe đã dừng lại ở một ngã ba đường rẻ lên trụ sở Xã, cách hơn trăm mét. Tôi thấy dân chúng quần áo mới đủ màu, nhộn nhịp như hội chợ, và cờ VC lớn nhỏ treo đầy quanh trụ sở. Thì ra xã này đã được “bàn giao”! Đúng lúc ấy, một anh du kích gầy gò nhỏ thó trong bộ bà ba đen và chiếc mũ tai bèo từ một quán bên lề bước ra, trên tay khẩu AK chúc xuống, chậm chạp đi quanh xe nhìn chúng tôi với dáng vẻ bất ngờ và tò mò. Chúng tôi đứng trên xe, cũng súng cầm tay trong tư thế tương tự. Cảm giác lạ lùng, cứ như thật như mơ. Một vài phụ nữ ngang qua nói lớn “hòa bình rồi mấy anh ơi! Hết đánh nhau rồi!” Sợ tình thế này kéo dài không biết có điều gì xảy ra, người tài xế vội vã cho xe chạy. Anh du kích chỉ lặng lẽ nhìn theo không phản ứng.
Suốt đoạn đường sau đó, không có tiếng súng tấn kích, hoặc dấu vết lửa đạn trên những vùng đất đi qua. Ngoài chuyện đào hố đắp mô và treo cờ xa xa, tuyệt nhiên không một chốt ngăn chận được thiết lập, mà lẽ ra phải có. Xét ra, áp lực quân sự của đối phưong không lớn, chỉ ở mức quấy rối, vậy mà quốc lộ đã bị cắt đứt từng đoạn, do bởi áp lực tâm lý của tình hình chung. Cái không khí “chiến tranh và hòa bình” thay nhau ẩn hiện, vì thỉnh thoảng lại gặp một khu phố chợ đã “bàn giao” treo cờ xanh đỏ lác đác. Gần đến ngã tư thị trấn Quận Cai Lậy, các căn cứ đồn trú hai bên vẫn còn phất phới cờ vàng.
Dừng ở ngã tư rẻ vào thị trấn, đường phố vắng tanh dân chúng, nhà cửa đóng im ỉm. Nhưng đằng sau công sự chiến đấu, những người lính địa phương vẫn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Tiếng đạn nhỏ và đạn pháo binh bắn đi xa gần còn nghe thấy vang vọng bầu trời. Bây giờ đã vài giờ sau lệnh bàn giao. Cai Lậy chưa đầu hàng! Lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc. Có lẽ cũng cần nhắc lại một việc, thị trấn Cai Lậy đã được biết đến rất nhiều trong vụ VC pháo kích vào một trường tiểu học ngày 9 tháng 3 năm 1974, đã khiến 32 học sinh tử vong và 55 học sinh khác bị thương. Và hơn 2 năm trước, tôi cũng đã đồn trú và hành quân vùng này hơn 3 tháng.
Sau suy tính, anh trưởng xa lại quyết định chạy tiếp. Chỉ còn 25km là sẽ an toàn hơn, nếu về đến được ngã ba Trung Lương, thị xã Mỹ Tho. Đường đi bây giờ êm ả, không còn thấy màu cờ xanh đỏ. Nhưng nhìn bên phải, các trụ điện cao thế tròn dài cả chục mét, đúc bằng xi măng cốt sắt, bị đặt chất nổ nằm ngã gục, thậm chí có nơi đến 3 trụ nằm xếp kề nhau, vì cứ thay cái mới là lại bị cho nổ phá tiếp. Tỉ lệ trụ điện bị hủy hoại cũng phải 1/3, nhiều hơn rất nhiều so với cách đây một tuần tôi cũng đã qua đây. Chạy 8km thì xe ngang qua đồn bảo vệ xã Điềm Hy, anh em bính sĩ trong đồn đang lố nhố trên tuyến chiến đấu nhìn ra. Cột cờ giữa sân vẫn lồng lộng lá cờ vàng. Xe chạy thêm chừng 1/2km, từ xa chúng tôi đã nghe tiêng súng nổ, và trông thấy một chiếc xe đò dài nằm lật ngửa đưa tất cả các bánh lên trời tự bao giờ. May mắn chiếc xe chỉ nằm ngửa dài gọn về bên phải, nên người tài xế xe chúng tôi vẫn giữ nguyên tốc độ với toan tính vượt qua. Nhưng vừa khỏi tầm che khuất bởi căn lầu gạch bên phải, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng diễn ra mà suốt đời không bao giờ quên được...
Bên phải Quốc Lộ nơi chiếc xe đò lật ngửa là một thửa ruộng trơ trụi. Cách lề độ 50m là một Thiết vận xa M113 nằm quay mặt vào một bìa vườn nằm cách đường khoảng 200m. Đạn 12ly8 từ trong vườn bắn ra từng nhịp, âm thanh nặng nề chát chúa. Nhờ chen lẩn với đạn lửa mà tôi có thể thấy rỏ những tia đạn phóng đi găm nhắm vào thân chiếc thiết vận, và vút cả ngang qua mặt lộ. Cứ theo vũ khí sử dụng, tôi đoán chừng đây phải là đơn vị lớn của cộng quân. Quanh xe M113, không thấy một đơn vị bộ binh tùng thiết nào cả, duy nhất một người lính thiết giáp đơn độc trên nóc xe, đầu đội nón sắt, cúi ôm khẩu đại liên ngồi sau hai tấm thép chắn đạn, đang từng nhịp bắn trả về phía bờ vườn. Hai bên cứ thay phiên bắn “giao hữu” qua lại rất bình tỉnh từ tốn. Hình ảnh người lính Thiết Giáp ấy đẹp và hào hùng làm sao. Sau này tôi mới biết, giờ đó bao nhiêu tướng lĩnh công chức cao cấp đã ra nằm yên ngoài hạm đội rồi!
Đang phóng nhanh đột nhiên trưởng xa khẩn cấp cho dừng lại, rồi cả hai người nơi buồng lái đồng loạt nhảy ra khỏi xe. Mọi người ở khoang sau vừa bị ngã chúi vì bất ngờ, cũng nhất tề xốc dậy ôm súng nhảy theo, tấp xuống bờ đường bên trái. Quân trang tài vật vẫn còn nguyên vẹn trên xe. Nằm trên bờ ghìm súng nhìn qua, cuộc so đạn giữa hai khẩu đại liên đang tiếp tục. Cố quan sát bìa vườn, tôi vẫn không thể nhìn thấy ra quân đối phương. Bây giờ tôi mới thật sự quyết định nắm lấy quyền điều động. Cần nói thêm ở đây, các anh em quân nhân tuy là lính thiết giáp và sư đoàn nhưng toàn là dân hậu cứ văn phòng, người của các phòng ban, lại vốn không trực thuộc quyền chỉ huy của tôi.Hình minh họa (Nguồn: internet) |
Dặn dò hai người lính thiết giáp ở lại coi chừng xe, tôi dẫn bốn người còn lại đi vòng dãy nhà lá thưa thớt sau lưng để quan sát địa thế. Phía sau này chỉ toàn đồng trống. Quan sát xa hơn về bên phải, khoảng ba bốn trăm mét, tôi nhận ra có một đơn vị bạn đang đóng các chốt trên bờ ruộng nằm cặp sau nhà dân. Nhìn theo cách đóng quân trong tình huống và khu vực này, tôi đoán chắc đó phải là tiểu đoàn của Sư Đoàn 7. Bây giờ thì hiểu ra, tại sao Cộng quân đã không dám tấn công một chiếc thiết vận xa đơn độc bên kia, nằm tênh hênh như một chiếc mồi nhử. Và giờ tôi có thể đoán biết, người lính và chiếc M113 kia phải thuộc về đơn vị Thiết Đoàn 6 Kỵ Binh, SĐ7BB. Cài hết bốn người ở lại dàn ra canh chừng mặt sau, tôi quay lại cận thận vỗ vào liếp cửa sau của căn nhà lá.
Một sự im lặng tuyệt đối, tôi ghé mắt nhìn qua khe. Căn nhà xơ xác nghèo quá, chỉ có một cái kệ tre đựng chén đũa, vài cái nồi đen đúa móp méo treo trên vách, và một nồi cơm lớn nằm trơ trỏng giữa nhà. Một cái hầm nổi, vừa làm nơi trú ẩn vừa làm giường bên trên, chiếm mất gần nửa căn. Chợt nghe tiếng động bên trong, tôi lên tiếng lần nữa và quyết định gở cọng dây kẽm cột cánh cửa. Từ trong hầm tiếng rục rịch lao xao, và vài đứa con nít khóc ré lên. Một bà cụ nhô đầu ra sợ hải “súng đâu mà bắn quá chú ơi!” Tôi mĩm cười trấn an “xa xa thôi bác ơi, ở đây lính tụi con không hà! Tội nghiệp quá, bác cho mọi người ra đi, mấy đứa nhỏ trong đó ngộp chết!” Tử tế bà cụ chỉ vào nồi cơm mời tôi và quyết giữ mọi người ở lại trong hầm. Tôi dùng cái gáo dừa, múc nưóc từ trong lu đổ đầy một cái nồi, rồi cầm cái rá đựng chén đũa, tất cả cùng nồi cơm nguội đóng cục, lần lượt đưa đến ngoài miệng hầm dặn dò “bác và cả nhà ăn đi nghe! Thôi con đi!” Bước ra, tôi lo lắng không cột cửa lại vì nhớ đến mấy loạt đạn lửa bên kia bờ vườn, biết đâu có thể làm cháy nhà.
Quay về bờ đường phía trước, chợt đâu bên phải, một chiếc zeep bất ngờ từ xa phóng nhanh tới, bên trên là hai quân nhân. Nhưng chỉ vừa qua khỏi chiếc GMC của chúng tôi, trước khi đến chiếc xe đò lật ngửa, thì họ vội vã dừng xe, phóng nhảy xuống bờ lề, khi trông thấy cuộc đọ súng giữa hai khẩu đại liên, với những tia đạn chạy quét lên cả mặt lộ. Bây giờ đối phương đổi trò chơi mới. Khẩu 12ly8 chuyển hướng nhắm vào chiếc zeep và GMC. Đạn bắt đầu bay ngay trên đầu chúng tôi, từng nhịp ngắn hai ba viên. Tiếng đạn đi xé gió cùng với tiếng nổ đùng đùng đầy uy hiếp. Chỉ trong vòng mười phút, cả hai xe đều bị bể hết một bên bánh, sau những tiếng xì hơi như tiếng thở dài áo nảo. Riêng chiếc zeep bị trúng đạn làm chập điện, khiến còi xe rú vang kéo dài cái âm thanh rú rít thê lương cho đến khi yếu dần ngèn nghẹn và tắt hẳn. Đột nhiên, một người lum khum rón rén quay lại, chồm nửa người vào xe, bới lấy khẩu M16 và dây đựng băng đạn trong lúc vội vã không kịp cầm theo, rồi nhảy trở ra thật nhanh gọn.
Thời gian lại cứ từ từ trôi qua, cho đến lúc bất chợt có một chiếc M113 thứ hai từ phía xã Điềm Hy xuất hiện, chạy rầm rập qua chỗ chúng tôi. Có tiếng súng bắn và tiếng réo gọi vang dội. Chiếc thiết vận dưói ruộng bắn một loạt đạn cuối cùng về phía bìa vườn, rồi lui lại quay chạy theo chiếc kia về phía Long Định. Tôi cho tập họp tất cả lại và đưa ra ý định: quay trở lại xã Điềm Hy. Tôi trình bày qua kế hoạch và được mọi người tán thành. Chúng tôi 5 người dàn ra nằm trên bờ lộ, ghìm súng về phía bìa vườn nơi có khẩu 12ly8. Hai người trưởng xa, và tài xế nhanh chóng nhảy lên xe cho nổ máy chạy lùi lại một đoạn khá xa rồi quay đầu xe. Chiếc xe chạy lệt bệt xiêu vẹo thiệt tội nghiêp, tuy nhiên sự việc diễn ra suôn sẻ. Khi đã qua tới chỗ che khuất bởi căn lầu gạch bên kia đường, theo kế hoạch họ phải dừng lại chờ đón chúng tôi. Nhưng không, họ cho xe chạy đi luôn! Mọi người đều ngỡ ngàng rồi quay nhìn tôi chờ đợi. Nhanh chóng tôi quyết định cần phải đi tránh xa ngay địa điểm này. Theo chiến thuật “di động và hỏa lực”, chúng tôi thay phiên di chuyển dần về xã Điềm Hy. Khi gần đến đồn, tôi mới biết còn có một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến phòng thủ ngay trong khu vườn thưa bên ngoài.
Đến gần cổng rào của đồn, tôi thấy chiếc GMC giờ vẫn còn tiếp tục chạy cách trước mặt gần 200m. Cũng đúng lúc đó, lố nhố bên lề và dưới ruộng, mười mấy du kích quần áo bà ba đen xuất hiện nhốn nháo với súng ống. Tôi nghe tiếng súng nổ râm ran, nhưng chiếc xe vẫn nghiêng ngã chạy ngang qua đám du kích. Tôi thấy rỏ một người đưa khẩu B40 lên ngang vai, lửa và khói trắng bùng lên ngay bên hông xe trước khi âm thanh đạn nổ đến được tai tôi. Rồi đám người bu bám nhảy lên, quăng ném những ba-lô quân trang trên xe xuống. Bên trong đồn, nhiều người đứng ở công sự cùng chứng kiến. Lúc ấy, một người lính chạy ra mở cổng rào. Len qua những hàng kẽm gai concertina, tôi thấy nhiều cọc cắm gắn mìn claymore. Phải hơn 50m mới vào tới bờ đất phòng thủ bên trong. Những người lính bên trong thấy chúng tôi mang phù hiệu sư đoàn thì có vẻ chăm chú đặc biệt.
Một anh chuẩn úy ra chào đón chúng tôi rất thân tình niềm nở, Sau tự giới thiệu nhau, nay tôi vẫn còn nhớ, anh tên Hòa, Phân Chi Khu trưởng Điềm Hy; gia đình anh sinh sống ở vùng ngã tư Bảy Hiền, Saigon. Chúng tôi trao đổi qua lại với nhau về tình hình trong ngoài căn cứ. Bây giờ chúng tôi có hơn năm mươi tay súng, còn lại cũng bằng số ấy là đàn bà con nít, vợ con của các anh em binh sĩ. Bên ngoài, quân số Cảnh Sát Dã Chiến nhiều hơn. Mọi người cũng đã nghe biết lệnh “bàn giao”. Anh hỏi tôi ý kiến, tôi xác định chỉ tuân hành theo lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp. Anh cho biết vẫn còn giữ được liên lạc âm thoại với chi khu, trên Quận vẫn còn tử thủ. Nhưng cũng đúng lúc ấy, anh trung sĩ truyền tin vội vã trao ống nói máy PRC25 cho anh Hòa “Thiếu úy ơi! Tụi nó xâm nhập vào hệ thống mình rồi!”
Gọi các đơn vị bạn, tất cả đêu đã bị cướp tần số. Gọi qua căn cứ Long Đinh, cách đó 8km, thì cũng đã bị xâm nhập, hai bên đang thách đố chửi nhau loạn xạ trên máy. Cũng cần nói rỏ, CC Long Đinh là nơi thiết đặt bộ chỉ huy chiến thuật của Tiểu Khu Định Tường. Gọi trở lại Chi khu lần nữa, thì không còn nghe trả lời. Chi khu đã thất thủ hay đã “bàn giao”!? Cũng lúc ấy, có tiếng súng nổ bên ngoài đồn, rồi tiếng loa gọi “Tên Dương Văn Minh đã đầu hàng! Để bảo vệ sinh mạng, các anh phải buông súng ngay! Miền Nam đã được Cách Mạng hoàn toàn giải phóng! Các anh sẽ được đối xử nhân đạo theo đúng chính sách hòa giải dân tộc của chính phủ cách mạng..” Trên công sự chiến đấu, binh lính vẫn dàn ra cầm súng chờ lệnh. Bên ngoài nhóm du kích ban nảy, giờ thấy đông hơn, đang tự tin đắc thắng ngang nhiên đi tới lui trên mặt lộ, có người tay cầm cây cờ xanh đỏ chạy quơ phất phới. Tình hình đó, nếu chuyện nổ súng xảy ra, tôi cam đoan họ sẽ phải tổn thất nặng ngay trong loạt đạn đầu.
Tình trạng căng thẳng và khẩn cấp, Anh Hòa đích thân cầm máy gọi Chi khu, lần này bên kia có tiếng nạt nộ đe dọa “bọn ‘ngụy’ ở đây đã đầu hàng cả rồi, các anh còn ngoan cố đến chừng nào?” Cùng lúc ấy, một trái đạn B40 bắn vào mái tôn của căn nhà sau lưng chúng tôi. Quay lại tôi còn kịp nhìn thấy khói lửa òa lên. Tiếng đàn bà con nít la khóc inh ỏi. Chúng tôi được báo cáo ngay có vài người bị thương. Anh Trung sĩ nhất truyền tin đứng cạnh tôi nổi máu, lúc này đã bỏ máy, cầm trên tay khẩu M79, anh đưa lên nhắm và bóp cò không chờ lệnh lạc. Trong lúc vội vã anh quên rằng khẩu M79 luôn luôn tự động khóa an toàn sau khi nạp đạn, nên súng không kích hỏa. Đó cũng là một điều định mệnh. Vì nếu không, hy vọng gì bạn được đọc câu chuyện hôm nay!
Tôi vỗ nhanh vào vai anh, ra hiệu không được bắn. Anh Hòa nhìn tôi giọng xúc động “Chi khu mất rồi! Mình tính sao đây Thiếu úy?” Nếu phải đánh nhau, chúng tôi thắng là cái chắc, vì quân số vũ khí áp đảo, đối phương lại khinh địch phơi mình trên mặt quốc lộ. Nhưng sau đó là gì ai cũng biết. Tôi ngậm ngùi nhìn anh Hòa giữ nguyên tắc “căn cứ và sinh mệnh mọi người nơi đây tùy thuộc anh. Anh quyết định thế nào tôi sẽ làm theo” Anh hỏi lại lần cuối “Mình buông súng Thiếu úy?” Tôi gật đầu muốn bật khóc.
Lệnh buông súng được loan ra, một chiếc áo thun làm cờ trắng được cột trên đầu một nhánh tre, khua lên trên nóc lô-cốt chỉ huy. Phía du kích yêu cầu chúng tôi phải hạ cờ Vàng xuống trước. Anh Hòa cho người phụ tá của anh ra tháo dây, hạ cờ. Không ai ra lệnh, nhưng toàn thể mọi người đứng nghiêm lặng lẽ như chào lần vĩnh biệt. Cờ chưa xuống hết, tôi đã cúi mặt để che dấu dòng lệ đang ứa ra. Trong diễn tiến đau lòng ấy, chúng tôi chua xót ý thức rất rỏ thấy mình đang phải đầu hàng, làm gì có chuyện mơ màng hai chữ “bàn giao”! Một du kích xông xáo mở các rào cản chạy vào, vài người nửa vào theo. Số du kích chia ra. Một người chạy đến cột cờ giữa sân, trước lô-cốt chỉ huy nơi chúng tôi đang đứng, tháo hẳn lá cờ Vàng ra khỏi dây, ném bỏ nằm rũ dưới mặt đất, rồi thay vào bằng lá cờ xanh đỏ, kéo lên . Một vài người khác lùng xục reo hò “Súng..! Súng..! Nhiều quá!” Một dãy người đứng ngay trên lối ra vừa dùng mắt dò xét, vừa liên tục nói lời trấn an “Hòa bình rồi, các anh đừng có lo, không có trả thù trả oán gì hết, tất cả sẽ được đối xử đúng theo chính sách nhân đạo..”
Lúc này anh Hòa và vài anh em thân tín đã thay đổi trang phục áo dân sự. Các anh làm như thế là đúng, buông súng thì trước mắt chỉ là cứu sinh mệnh anh em binh sĩ và thân nhân của họ, chứ ai bảo đảm điều gì với chính anh và ban chỉ huy. Phần tôi còn hơi tự ái, nhưng sau này ra đến cổng, nghĩ lại sống còn là trên hết, đành cũng phải chịu hèn thôi. Lợi dụng đông đảo nhốn nháo không ai để ý, tôi cởi áo cuộn lại ném sâu vào lổ cống ngay trên lối ra sát lề đường. Trong túi áo, còn một chiếc máy ảnh Minota chụp phim 8mm, nhỏ gọn bằng gói thuốc lá. Tiếc mà không dám giữ vì sợ bị nghi lầm làm gián điệp. Tội này nặng hơn tội làm quan! Kinh nghiệm Mậu Thân dạy mình phải biết sợ! Vật duy nhất, tôi còn gan giữ lại, là tấm thẻ căn cước quân nhân bọc nhựa, nhét trong vớ giầy.
Đi ra gần sau cùng, qua lá cờ bị bỏ nằm dưới đất ngay trên lối đi, tôi xúc động nhận rỏ một điều, trong lúc tuôn ra cổng, dù vội vã mọi người đêu thận trọng bước tránh một bên, không một ai dẫm đạp lên cờ.
Mọi người nằm dài trên mặt lộ. Tôi bị ép vào một chỗ gần bờ đường. Bình tỉnh quan sát để dự đoán tình huống. Du kích cầm súng chia ra bốn góc, hò hét chỉ chỏ chỗ nằm, không phân biệt lính hay phụ nử trẻ con. Một số du kích lần lượt đi lục soát thân thể từng người, xem còn cất dấu vũ khí gì không. Khi khám xét tới tôi, sờ thấy ở túi quần đầu gối có gói tiền hai tháng lương hơn 40 ngàn, anh ta hỏi lớn dồn dập “cái gì đây? cái gì đây?” Tôi trả lời “Tiền! Tiền! Tôi mới lảnh lương!” Anh ta chỉ bóp nắn thêm bên ngoài và yên tâm nói “Tiền hả? Anh cứ giữ đó để xài nghe!” Rồi lại tiếp tục lục soát qua người khác. Chi tiết này giúp tôi cũng cố thêm phán đoán tình thế. Anh lính nằm cạnh tôi trẻ măng, run lập cập, có thể nghe được tiếng đầu gối của anh va đập trên mặt đường. Lần đầu tiên tôi thấy nổi sợ của con người trước cái chết tưởng rằng sắp tới. Tôi khe khẽ trấn an “Tụi nó đứng bốn góc là chưa bắn được đâu!” Anh lính ngước nhìn tôi rồi hổn hển bất ngờ “chắc nó bắn quá Thiếu úy ơi!” Tôi xấu hổ quá, vì anh lính còn nhận nhớ ra tôi trong tình trạng cấp hiệu đã chạy đi theo chiếc áo ban nảy rồi, chỉ còn áo lót trên người.
Rồi mọi điều diễn ra yên ả. Toàn bộ đàn bà trẻ con được giữ lại. Số anh em quân đội và cảnh sát dã chiến, gộp lại lẫn lộn nhưng vì đông phải chia làm hai nhóm đi trước sau. Chúng tôi xếp hàng hai, đi dọc bờ lộ một đoạn chưa tới chiếc GMC thì bước xuống thửa ruộng khô. Tôi cố quan sát, chỉ thấy xe với lổ chỗ vết đạn, không thấy xác người đâu. Đoàn người lầm lủi đi, tay để xuôi, hai bên là du kích. Chợt một anh du kích nhận diện ra anh Hòa và chạy tới hô lớn “Anh Ba ơi anh Ba! Thằng Hòa Phân Chi Khu nè!” Ngưòi được gọi anh Ba nạt lại “Ngụy quân không có phân biệt, cho đi chung với nhau hết”. Qua dãy nhà dân đầu tiên nằm trên một thửa đất dài, tôi thấy phụ nữ người già trẻ nít đứng lóng ngóng nhìn chỉ trỏ khúc khích kêu gọi du kích. Rỏ ràng hai bên đã từng thân biết nhau. Trong đoàn chúng tôi có những tiếng xì xào, vì họ cũng từng tới lui quen biết những người trong xóm đó, làm sao tránh được nỗi ngỡ ngàng!
Đi khá sâu vào trong, quay lại không còn nhìn thấy quốc lộ. Cả đoàn dừng lại ở một xóm nhà chờ đợi. Nơi đó cũng đã có vài người bị bắt tự bao giờ. Lúc này trời cũng đã xế chiều. Một người du kích cao ráo từ xa đi nhanh tới trong bộ bà ba đen ủi phẳng mới tinh, khẩu K54 đeo bên hông, dáng vẻ chỉ huy. Nạt lớn “Thằng xã bắt được chưa?” Và tiến đến một người đứng cách tôi vài mét, nhìn trừng vào mặt và ra lệnh “Trói thằng cảnh sát này lại!” Ngưòi bị trói dáng vẻ khắc khổ, xương xương, đầy chịu đựng chứ không tỏ vẻ sợ hãi. Đứng cạnh anh là một chị phụ nữ, giờ đó vẫn quyết đi theo bên anh. Về sau tôi mới biết, anh là Cành Sát trưởng của xã, còn chị kia chỉ là bạn gái sống cặp theo anh mà thôi.
Đi theo cùng anh “xếp” du kích, với gương mặt lúc nào cũng hầm hè làm điệu làm dáng, là một người tròn mập bệ vệ hiền lành, với gương mặt như đang cười. Trong anh em có người nhận ra “Trời ơi cha này là Tư Mập, chủ quán cà phê ngoài ngã tư Cai Lậy đây mà! Chắc nó là cán bộ kinh tài rồi!” Trong cái không khí căng thẳng chờ đợi đó, một anh du kích nhỏ tuổi, đảo qua đảo lại trưóc mặt chúng tôi như phụ tuồng. Anh ta đặc biệt chăm chú nhìn tôi từ trên xuống dưới, bước đi rồi bất chợt quay lại chỉ vào tôi “anh này!”. Dù không phải là quát nạt mà tôi giựt thót người, phen này chắc là mình cũng được vào sổ đen. Đầu óc tôi “scan” thật nhanh: có tên nằm vùng nào đã chỉ điểm mình rồi!
Khi ấy anh du kích đưa tay chỉ xuống đôi giầy, nói với giọng rầy rà “Bây giờ mà anh còn mang giầy này nửa sao!” Thì ra.. Tôi cũng phải xin vài dòng về “câu chuyện một đôi giầy đã cởi”. Đó là loại “giầy bố Mỹ”, nửa da nửa bố rất đẹp, mang dịu chân, đi bộ nhiều không mỏi. Tôi đã mua lại từ một anh Đai Úy của Chi Khu Cai Lậy cách đấy 2 năm, khi làm việc chung với nhau trong bộ chỉ huy Trung đoàn 16. Như là định mệnh, ngày tàn cuộc chiến đôi giầy “trở về mái nhà xưa”, có chăng là khác chủ đổi phe! Tuy nhiên, khi cởi đôi giầy, tôi còn có nổi lo; vì tấm căn cước quân nhân còn cất dấu trong vớ. Vừa cởi ra là tôi rủ ống quần xuống ngay, cẩn thận đẩy đôi giầy ra xa trước mặt. Nhân tiện tôi gở lại bằng câu hỏi “người bị trói này làm sao vậy anh” Anh ta trả lời dứt khoát, thản nhiên “bọn tề ác ôn như thằng Xã, và cảnh sát sẽ phải tử hình thôi!” Ôi mạng người mong manh làm sao khi thù hận và cái ác lên ngôi!
Đoàn người tiếp tục đi sâu vào trong, gần đến nơi thì đã chạng vạng tối. Chúng tôi phải qua một con kinh nhỏ bằng xuồng thì tới trạm dừng chân cuối cùng. Chưa kịp vẹt mấy cành dừa nước bước chân lên bờ, tôi đã thấy và nghe tiếng năm sáu cô con gái rất nhỏ nhắn xinh đẹp cười khúc khích, chỉ chỏ nói năng xôn xao, nhưng toàn là giọng miền Bắc đặc sệt! “Dù chúng mày ơi!” “Dù ? Dù đâu?” Thực ra thì làm gì có Dù, chỉ có các anh em bên Cảnh Sát Dã Chiến mặt đồ bông thôi. Rồi đưa tay sờ lấy áo, một cô reo lên “vải tốt quá chúng mày ạ!” Lúc ấy một anh bộ đội già xuất hiện hét lớn “Các cô có biết là ai đây không? Đây là ngụy! Yêu cầu tất cả cảnh giác!” Các cô cười rúc rích, lui xa lại một khoảng, tiếp tục bàn tán.
Bây giờ trời đã tối hẳn. Khu dừng chân này là một xóm nhỏ, có duy nhất một quán tạp hóa với đèn măng-xông sáng rực. Tôi vào hỏi và mua thuốc đau bụng để phòng ngừa, vì bụng dạ tôi yếu lắm; chỉ còn một hộp duy nhất chưa đủ 10 ống “Lục Thần Thủy”. Tôi hỏi cả trụ sinh nhưng không có. Sau cùng, mua vài bao mì gói và kẹo bánh. Nhìn ra, mọi người cũng đang lục tục mua sắm này nọ. Biết anh Hòa, người phụ tá, và anh truyền tin không còn bao nhiêu tiền, tôi lấy xấp 40 ngàn chẵn chia đều cho cả tôi, mỗi người 10 ngàn phòng thân. Dò hỏi chị chủ tiệm, tôi biết mình đã gặp Văn Công Miền Bắc, cùng lực lượng bảo vệ.
Nghe có tiếng đài BBC phát ra, tôi và nhóm anh Hòa lân la đi đến. Qua khỏi một khúc quanh tôi thấy một sân phơi lúa được dùng làm chỗ đóng quân của Bộ Đội. Có khoảng chừng hai chục chỗ nằm trên nền đất ngay ngắn. 4 đầu nằm là những ống tre chôn thấp dưới mặt đất, đang được dùng để cắm cọc treo những chiếc mùng nilon ngắn thấp chừng 60cm. Ban ngày mà lấp đất lai, thì hành quân ngang qua cũng không có thể ngờ! Gần đó là mười mấy người bộ đội, nhỏ thó trẻ măng như đám con trai mới lớn, đang ngồi xen lẫn những khẩu AK, xếp chụm đầu từng 3 cây một, trong tư thế nghĩ. Họ quá tự tin vào tình hình và sự đắc thắng của mình đến độ không hề cẩn thận đề phòng.
Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, anh bộ đội đang cầm máy có vẻ dễ dãi đắc ý “Vào đây! Vào đây!”. Chưa đợi chúng tôi ngồi xuống, anh đi tiếp một bài “Hòa bình rồi! Đất nước đã hoàn toàn được giải phóng. Bắc Nam một nhà, chúng mình là máu thịt Việt Nam cả! Các anh không phải lo lắng, không có việc trả thù. Đường lối Cách Mạng là khoan hồng nhân đạo, trước sau như một. Di chúc của Bác đã dạy rồi, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Chúng tôi bở ngỡ bất ngờ với cách nói bài bản thao thao như vậy, không lẻ đây là chính trị viên cộng sản. Anh trẻ quá, sợ chưa tới tuổi 18. Thấy chúng tôi phân vân, anh hăng hái nói tiếp “Rồi mai này đất nưóc giàu có, kinh tế phát triển, miền Nam không còn bất công xã hội nữa, tiêu chuẩn nhà nhà đều sẽ có một chiếc xe đạp!”
Tôi còn đang nhìn anh Hòa ngụ ý không biết mình có nghe lầm không, anh bộ đội già ở đâu lại chạy tới quát nạt “Các đồng chí chủ quan khinh địch thế này à! Súng vào tay! Phân tán ngay!” Chúng tôi lặng lẽ rời chổ. Ra ngoài xa tôi hỏi lại anh Hòa, xem có đúng mình nghe như thế không. Anh chưa kịp nói thì người trung sĩ đã buông tiếng chửi thề. Lời cuối cùng của người bộ đội trẻ ám ảnh tôi suốt đêm đó, và nhiều ngày tháng sau này. Tội nghiệp anh, miền Nam những nơi anh và đồng đội đi qua, chỉ là ruộng vườn với đầy kinh rạch, nên không thấy nhà nào có xe đạp cả! Và đó là cái tiêu chuẩn cao nhất mà anh có thể tưởng tượng ra được cho mỗi mái nhà sau sự nghiệp “giải phóng Miền Nam”!
Không lâu sau, lại được lệnh di chuyển; địa điểm cuối cùng chúng tôi đến là một căn nhà lá nhỏ, cửa để mở, ngọn đèn hột vịt bên trong hắt hiu một vũng sáng yếu ớt lù mù. Trước nhà là sân đất rộng. Giữa sân có ổ rơm cao bằng đầu người. Tất cả chúng tôi tập trung nằm nghĩ quanh đó. Nhóm chúng tôi ngồi dựa vào ổ rơm, cái âm ẩm, âm ấm của rơm thấm vào lưng. Cả một ngày căng thẳng và mệt mỏi. Bây giờ chúng tôi mới nhớ ra cái đói. Lặng lẽ chia nhau những bánh kẹo và mì gói vừa mua ra nhai sống. Phần anh Hòa, chạy đi thăm hỏi và chia tiền bạc bánh kẹo cho một số ngưòi. Nhớ ra từ chiều đến giờ không thấy măt mủi mấy ông bạn cùng chuyến xe định mệnh với mình đâu cả. Có lẽ họ đã tấp hết qua bên kia khi đoàn người bị chia hai. Một người lính địa phương nằm gần nhận ra tôi vội nói “Thiếu úy, lấy áo em mặc nè Thiếu úy!” Tôi nghẹn ngào muốn bật khóc. Giữ tay anh lại, không cho cởi áo, tôi lí nhí lời cám ơn.
Về đêm, trăng hạ tuần càng lúc càng lên cao. Mọi người vẫn còn rục rịch, chắc chắn là không một ai ngũ được. Trong đêm tiếng đạn vẫn còn nổ đâu đó lẹt đẹt. Tôi bồi hồi nhìn những pháo sáng xa xa bắn lên từ phía căn cứ Long Định cách đó 8km. Bấy giờ trí nhớ mới bắt đầu đi xa, nhớ đến cha mẹ và các em đang ở Saigon, rồi vợ ở tận Rạch Giá với con gái đầu lòng chưa đầy 4 tháng tuổi. Bất chợt môt góc trời phía Long Định bùng sáng lên, rồi âm vang đạn lớn nhỏ khá lâu sau đó vọng đến. Trận đánh cuối cùng này kéo dài hơn nửa giờ thì tiếng súng bắt đầu thưa thớt rồi tắt hẳn. Tôi cảm thấy tim mình cũng như chậm lại và tắt dần theo. Trời bổng lấm tấm mưa, pha loãng đi dòng lệ vừa ngập ngừng nơi khóe mắt tôi.
Ba ngày sau, chúng tôi mới được cấp giấy đi đường để về. Trong lúc chờ nhận giấy, tôi hỏi các anh em binh lính đi về đâu, rồi tùy theo xa gần tôi chia tiền còn lại cho mọi người. Chỉ giữ vừa đủ đi đường. Phải giơ tay nhiều lần mới đón được một chiếc xe đò dài, một phần vì hành khách đông nghẹt, một phần vì bạc bẻo tình đời, người ta sợ tôi xin quá giang! Lên được xe, anh lơ tử tế móc cái ghế nhỏ dưới gầm ra cho tôi ngồi ngay phía trước, nơi có thể quan sát toàn cảnh. Chạy một đỗi, vẫn không thấy anh nhắc chuyện tiền xe, tôi phải lên tiếng. Anh nhìn tôi trong áo lót, quần nhà binh, và chân không giầy dép, giọng ái ngại “anh cho bao nhiêu cũng được”. Tôi móc túi đưa anh số tiền đã dự trù sẵn. Anh trù trừ rồi cầm, không nói gì thêm. Sau này, về đến Saigon, xuống xe anh nằng nặc trả lại tôi “Gia đình em cũng đi lính mà anh!” Chúng tôi lặng nhìn nhau, chung một nỗi nghẹn ngào.
Trên xe hành khách pha trộn những gương mặt khác nhau. Đa số im lìm lặng lẽ, một số không nhỏ cười nói huyên thuyên. Cứ qua đó mà có thể đoán biết là dân phe nào. Xe chạy qua một đoàn quân miền bắc, đang đóng trò di hành trên đường, người nào cũng chất thật nặng vũ khí và quân trang. Toàn là thanh niên thấp lùn, tuổi trên dưới 17, Trên xe dưới đường dơ tay vẩy nhau. Niềm vui phe “được cuộc” lớn bao nhiêu, thì trong tôi, niềm đau người “bỏ cuộc” cũng không kém. Xe chạy một đoạn thì chầm chậm lại, vì trên đường lổn ngổn quần áo giầy nón mang phù hiệu của Sư Đoàn 7. Rồi cái tôi chờ đợi đã đến.
Vừa đến cầu Long Định, hành khách trên xe nhốn nháo ngó nhìn. Dấu đạn lớn nhỏ lổ trổ trên khắp các tường vách mái tôn và công sự chiến đấu, ghi dấu tích của một trận chiến đấu quyết tử. Đêm đầu tiên đã nghe, nhưng giờ được nhìn, tôi ngậm ngùi không biết bao nhiêu người lính Địa Phương Quân đã nằm xuống trong trận đánh cuối cùng này. Những hành khách im lặng ban nảy đã có người mắt đỏ hoe, người nhẫn nhục lấy khăn che nước mắt. Lúc đó tôi mới thấy mình còn có một nỗi đau lớn hơn cái đau thân phận cá nhân, đó là nỗi đau trong niềm ân hận với đồng bào, đã ủy thác niềm tin nơi những người cầm súng như mình. Đồng bào ơi! Tổ quốc ơi! Xin tha thứ cho tôi đã không tròn trách nhiệm!
Xe chạy còn 200m nữa thì đến ngã ba Trung Lương, bên tay phải là doanh trại đồn trú của Lực Lương Cảnh Sát Dã Chiến, và một đồn Địa Phương Quân nằm kế tiếp. Khung cảnh tan hoang cho thấy đã diễn ra ở đây một trận đánh kiểu đường phố. Không có những bờ đất đắp cao làm công sự phòng thủ. Mặt trưóc doanh trại là bức tường gạch cao ngang ngực, trang trí với khung gạch thưa rộng, đủ để gác súng bắn ra. Cách khoảng là những ụ chiến đấu đắp bằng bao cát. Bên trong là những dãy nhà gạch. Giờ đây tất cả đều tan tác đổ nát. Bảng hiệu đơn vị xụm xuống một chân, Hàng chữ “Cảnh Sát Dã Chiến” còn ẩn hiện dưới những vết đạn li chi. Dãy nhà gạch bên trong không còn treo sót lại được một cánh cửa lớn hay cửa sổ nào, tường vách trong ngoài xụp đổ từng mảng. Đồn lính Địa Phương Quân, cũng cùng số phận tan hoang, kiêu hùng nghiệt ngã. Hai đơn vị khác lề khác gốc, đã sát cánh nhau ở một đầu vào Quốc lộ, cùng đánh một trận cuối cùng trước khi giã từ vũ khí; và không biết có bao nhiêu sinh mệnh đã giã từ luôn cả cuộc sống mà tôi đã cam chịu tiếp tục.
Đã qua 40 mươi năm! Hôm nay, ngồi viết lại nhửng sự kiện ngày ấy, lòng tưởng nhớ thương kính tri ân các đồng đội, những người đã nằm xuống, để lại hào khí cho chúng tôi tiếp tục một cuộc đấu tranh khác. Dòng lệ hôm nay có cạn kiệt hơn, nhưng chắc chắn vẫn ấm mặn như buổi sáng hôm nào.
Kỳ Ngọc Thanh Vân(Liên lạc: kyngocthanhvan@gmail.com)
No comments:
Post a Comment