Monday, July 2, 2012

Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân


Vũ Văn Ước
Khi tôi còn phục vụ trong Không Quân của Pháp năm 1952 tại Bắc Việt thì tất cả các hoạt động của Không Quân Chiến Thuật Pháp tại Đông Dương (Việt, Miên, Lào) đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của Bộ Tư Lệnh Hành Quân Pháp tại Đông Dương (CAEO), trụ sở đóng tại Hà Nội và toàn thể không phận được chia ra làm ba vùng gọi là (GATAC) 'Group Aerien Tactique D'Appui Au Combat Nord, Centre, Sud' tạm dịch là ba vùng Không Yểm Chiến Thuật Lực Lượng Diện Địa.

Bắc Việt (GATAC NORD)

Trung Việt (GATAC CENTRE)

Nam Việt (GATAC SUD)

Thời gian này không dó sự đe dọa về phòng không của các quốc gia trong liên bang Đông Dương nên chưa có đài kiểm báo nào được thiết kế, do đó tất cả các nhu cầu không trợ đều do các GATAC liên hệ đảm nhiệm.

* 1954 -1960

 Sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Geneve chia đôi Việt Nam làm hai miền: Bắc, Nam. Năm 1954, quân lực Pháp tại Đông Dương dần dần triệt thoái khỏi Việt nam và giao trách nhiệm lại cho Việt Nam. Đây là thời kỳ KQVN khởi sự tiếp nhận quân trang, quân dụng của Hoa Kỳ do KQ Pháp để lại gồm một số ít phi cơ như C-47, MD-315, MS-500, Bearcat-F .v..v..

Khi Hoa Kỳ lãnh vai trò cố vấn cho VN thì tất cả các văn kiện, tài liệu điều hành và bảo trì phi cơ cũng như tổ chức được dần dần cải tổ theo tổ chức của KQ Hoa Kỳ. Các tài liệu bằng tiếng Pháp được thay thế bằng tiếng Anh. Đặc biệt Hoa Kỳ chú trọng đến 'Hệ thống kiểm soát Chiến Thuật' (Tactical Air Control System) TACS. Và đơn vị KQHK đầu tiên tại miền Nam VN là Sư Đoàn 2 KQHK (2nd Air Division) trực thuộc Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đồn trú tại Tân Sơn Nhất. Đây là một đơn vị đặc nhiệm Hoa Kỳ lo việc không yểm cho toàn thể lãnh thổ Việt, Miên, Lào bằng phương tiện của KLHK phối hợp với KLVNCH qua văn phòng cố vấn KQ. Thời gian này KLVNCH đã có sẵn một số phi cơ Bearcat, T-28 và số ít A-1H... Vì nhu cầu phối hợp hành quân Việt-Mỹ để yểm trợ các lực lượng diện địa VNCH nên một trung tâm hành quân không quân (TACC) được thành lập tại TSN. Tại đây ban cố vấn Hoa Kỳ và các sĩ quan VN làm việc song song với nhau để điều hành việc yểm trợ bằng không quân. Trung tâm có một bộ phận hành chánh nhỏ điều hành nội bộ, phần còn lại do Tổng Hành Dinh thuộc Bộ TLKQ đảm trách.

Đây là giai đoạn đầu tiên KQVN có một hệ thống điểu kiểm chiến thuật tuy nhiên vẫn cần phải có sự giúp đỡ của cố vấn Hoa Kỳ lúc đầu vì các phương tiện điều kiểm như radar, truyền tin, hệ thống cao tần... phần lớn do Hoa Kỳ bảo trì. Và thời gian này các chuyên viên VN đã học hỏi rất nhiều điều lợi ích. Vị sĩ quan chỉ huy đầu tiên của trung tâm là Đại Úy Trần Văn Minh, phụ tá là Đại Úy Nguyễn Ngọc Loan và trưởng phòng hành quân là tôi, Vũ Văn Ước.

*Điều hành tổng quát Trung Tâm Hành Quân Không Quân TACC
Khi KLVNCH phát triển và trưởng thành thì trách nhiệm và nhu cầu không yểm cũng gia tăng, TACC được tổ chức đặt nhẹ vần đề hành chánh, đặt nặng vần đề phối hợp hành quân, phản ứng mau lẹ và uyển chuyển, phối hợp các lực lượng không quân chiến thuật toàn lãnh thổ để thỏa mãn nhu cầu hành quân diện địa, do đó việc bảo mật truyền tin, lệnh hành quân, hệ thống kiểm báo và các cuộc điện đàm vô tuyến không không cũng như không địa phải được triệt để bảo mật tối đa và thay đổi mật mã cũng như danh hiệu thường xuyên, nhân viên được chọn lựa phải có hồ sơ an ninh trong sạch, có khả năng chuyên môn đầy đủ và nhất là những nhân viên phi hành từ các đơn vị thuộc các ngành khu trục, quan sát, trực thăng, vận tải, radar. v..v.. phải được lựa chọn trong số những phi công có nhiều kinh nghiệm hành quân tại các vùng chiến thuật, am hiểu tường tận về từng loại phi cơ cũng như các loại vũ khí đang được xử dụng tại chiến trường Việt Nam. Với địa thế của VN, vấn đề thời tiết rất quan trọng, nên sự hiểu biết về thời tiết của từng vùng một sẽ giúp cho đoàn viên dễ hoàn tất một phi vụ hành quân có kết quả.

Những nhân viên nói trên đượclàm việc trong phòng kế hoạch hành quân và phòng hành quân trực 24/24 để phối hợp và theo dõi các cuộc hành quân không yểm trên toàn lãnh thổ VNCH. Tại phòng kế hoạch hành quân tất cả các tình trạng bom đạn, phi cơ khả dụng hành quân, túc trực hành quân khẩn cấp, tình trạng nhân viên phi hành, trực cấp cứu của tất cả các sư đoàn KQ và được cập nhật hoá 24/24. Dựa vào tình trạng trên, TACC mỗi buổi chiều nhận được từ các DASC 'Direct Air Support Center' (một trung tâm không yểm trực thuộc TACC đặt ngay tại TOC trung tâm hành quân quân đoàn hay vùng chiến thuật, những đơn vị xin không yểm của từng quân khu một sẽ được chuyển thẳng về TACC bằng hệ thống viễn ấn, hot line nếu khẩn cấp; riêng việc không yểm cho các quân binh chủng biệt lập: Hải quân, Dù, TQLC .v..v..trong những cuộc hành quân đặc biệt thì TACC sẽ phối hợp với phòng ba Bộ TTM. Tại mỗi vùng chiến thuật đều có các sư đoàn hay không đoàn chiến thuật để không yểm cho các đơn vị diện địa.

Điều hành một TACC 24/24 rất bận rộn và tinh thần luôn luôn căng thẳng đối với các sĩ quan trực hành quân nhất là các chỉ huy trưởng, ngoài việc theo dõi các phi vụ hành quân từ lúc phi cơ cất cánh cho đến khi hoàn tất phi vụ qua hệ thống kiểm báo (radar) TACC còn phụ trách cấp cứu các phi cơ và các phi hành đoàn lâm nạn trên toàn lãnh thổ. Phụ giúp đắc lực cho hệ thống không yểm có các đài kiểm báo (Radar) được phối trí tại Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất (CRC), Ban Mê Thuộc (CRP), Pleiku và Cần Thơ. Theo hệ thống tổ chức của KLHK thì các đài kiểm báo được đặt dưới quyền chỉ huy và xử dụng của TACC; KQVN vì lý do muốn đặt hệ thống kiểm báo thành một đơn vị biệt lập để dễ xin cấp số nhân viên và cấp bậc.

Sau khi thiết kế hành quân hoàn tất vào mỗi buổi chiều ngày hôm trước, trước giờ các cuộc hành quân khởi sự, thường thường là 12 giờ đồng hồ, trung tâm hành quân KQ tại TSN gởi lệnh hành quân đến mỗi DASC tại các vùng chiến thuật hoặc quân khu và các đơn vị hành quân không quân sư đoàn, không đoàn và trung tâm kiểm báo TSN. Tại đây các đơn vị không quân khai thác lệnh hành quân nói trên và chuẩn bị phi cơ, bom đạn cho từng phi vụ một. Trường hợp các quân khu, quân đoàn vì nhu cầu khẩn cấp TACC được thông báo tức tốc bằng hotline từ các DASC thì TACC phải cứu xét các lực lượng trừ bị khả dụng của các sư đoàn KQ để thỏa mãn nhu cầu khẩn cấp sau khi phối hợp với phòng ba Bộ TTM và đồng thời thông báo cho Bộ TLKQ biết. Đôi khi có những phi vụ oanh kích tự do được chuyển hướng để thi hành các phi vụ khẩn cấp này.

Thường thường tại phòng hành quân của TACC có các sĩ quan đại diện cho Bộ TTM, Hải quân .v..v.. ngồi trực song hành với sĩ quan KQ để tiện việc phối hợp và thông báo các diễn tiến không yểm đến các quân binh chủng của họ. Vì nhiệm vụ quan trọng, hệ thống không yểm chiến thuật phải tuyển chọn các sĩ quan thật lanh lẹ, tháo vát hiểu biết vấn đề mới hoàn tất nhiệm vụ được giao phó.

*Điều hành một DASC (Direct Air Support Center) Trung Tâm hành Quân Không Trợ
Nói một cách khác, DASC được tổ chức như một TACC nhỏ nằm ngay bên cạnh TOC (Trung tâm hành quân quân đoàn). Sự khác biệt ở chỗ là DASC có sĩ quan liên lạc tới cấp tỉnh hoặc sư đoàn tuỳ theo nhu cầu. Do đó tất cả các diễn biến nhỏ từ cấp quận, tỉnh .v..v.. DASC đều biết và thông báo cho TACC những tin tức cần thiết. Sĩ quan liên lạc KQ còn lo việc phụ trách các phi cơ biệt phái cho sư đoàn hoặc những cuộc hành quân đặc biệt và những vấn đề yểm trợ phi hành đoàn như nơi ăn, ở, việc di chuyển của PHĐ.v..v..

*Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân AOC
Trong giai đoạn 'Việt Nam Hóa' chiến tranh, KQVN phát triển mạnh với việc thành lập các sư đoàn KQ, các Bộ Chỉ Huy, riêng Trung Tâm Hành Quân Không Quân TACC được nâng lên thành Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân (AOC: Air Operations Command),với bảng cấp số gần 1000 ngàn nhân viên và chỉ huy trưởng với cấp bậc Trung Tướng.

Tôi đã nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy và điều hành BCH/HQKQ trên 5 năm trong những giai đoạn sống còn của dân tộc, với gần 35 đại tá dưới quyền và nhân viên rải rác khắp bốn vùng chiến thuật. Đôi lúc tôi cảm thấy thật hãnh diện vì những gì mình đã phục vụ, đóng góp cho quân chủng và đất nước. Rất tiếc vì nhiều nguyên nhân phức tạp, khả năng chuyên môn về hành quân của các sĩ quan và binh sĩ các cấp thuộc BCH/HQKQ đã không được tận dụng và với những chuyển biến về chính trị của nước Mỹ đã đưa tới những đổ vỡ khôn lường trong những ngày tháng chót của công cuộc chiến đấu chống Cộng sản tại VN.

Nhiều người cho rằng thất bại này là lẽ đương nhiên. Yếu tố chính trị, bè phái và lệ thuộc vào ngoại bang là một bài học cho toàn dân cũng như cho riêng KQVNCH và các thế hệ mai sau.


Vũ Văn Ước

1 comment:

  1. Nhiều người cho rằng thất bại này là lẽ đương nhiên. Yếu tố chính trị, bè phái và lệ thuộc vào ngoại bang là một bài học cho toàn dân cũng như cho riêng KQVNCH và các thế hệ mai sau

    Ông Vũ văn Ước rất cam đảm để nói lên kết luân.. điều này...
    Cho đến ngày hôm nay.
    Dân Hoa kỳ vẫn còn truyền trong dân gian nói rằng :
    HOA KỲ ĐÃ THÀNH CÔNG Ở TIẾU BANG THỨ 50.
    NHƯNG HOA KỲ ĐÃ THẤT BẠI Ở TIỂU BANG THỨ 51.
    TƯỞNG CŨNG NÊN NHẮC LẠI LÀ :
    HAWAI VÀ VIỆT NAM LÀ 2 CHIẾN TRẬN MÀ HOA KỲ ĐÃ PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU CÙNG LÚC.

    ReplyDelete