Tuesday, February 19, 2013

Đơn Vị 101: Thề chết cho quê hương - Anh vẫn sống






“Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn, Chỉ Huy Trưởng Đoàn 67-Đơn Vị 101, tuẫn tiết bằng súng lục ngày 30-4-1975 tại Bộ Chỉ Huy Đoàn 67 Bến Hàm Tử-Sài Gòn, và Trung Tá Vũ Đình Duy,
Quốc Hương/Viễn Đông

 
GARDEN GROVE - “Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn, Chỉ Huy Trưởng Đoàn 67-Đơn Vị 101, tuẫn tiết bằng súng lục ngày 30-4-1975 tại Bộ Chỉ Huy Đoàn 67 Bến Hàm Tử-Sài Gòn, và Trung Tá Vũ Đình Duy, Chỉ Huy Trưởng Đoàn 66-Đơn Vị 101, tuẫn tiết bằng độc dược ngày 30-4-1975 tại Bộ Chỉ Huy Đơn Vị 101 đường Nguyễn Tri Phương-Sài Gòn”. Hội Trưởng Danh Dự, cựu Đại Tá Lê Đình Luân, Chỉ Huy Trưởng Đơn Vị 101 đến từ Dallas, Texas, cựu tù chính trị cộng sản 17 năm, xúc động nhắc nhở vinh danh lần nữa hai anh hùng chiến hữu trên sân khấu hội ngộ Hội Ái Hữu Đơn Vị 101 tại nhà hàng Diamond chiều tối ngày 6-8-2011. “Tôi tin vào tâm linh”, ông nói, và nhân dịp hội ngộ là “lời chúc sức khỏe”. Nhạc phẩm Đáp Lời Sông Núi “ta thề chết cho quê hương” của nhạc sĩ Trúc Hồ (Asia Entertainment) cũng được ông nhắc đến với ban nhạc chi nhánh Dallas của hội từng hòa âm trình diễn.

Cựu chỉ huy trưởng Lê Đình Luân, hội trưởng danh dự, vinh danh anh hùng tuẫn tiết Nguyễn Văn Hoàn (trái) và Vũ Đình Duy (phải) trên sân khấu hội ngộ ái hữu Đơn Vị 101 - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Ngày 30-4-1975, ngay chính Chỉ Huy Trưởng Đơn Vị 101, Đại Tá Lê Đình Luân, và Chỉ Huy Phó Đơn Vị 101, Trung Tá Trương Văn Tỷ, cũng tuẫn tiết bằng độc dược nhưng được cứu sống. Cựu Đại Tá Lê Đình Luân đến dự hội ngộ ngồi cạnh cựu Thiếu Tá Võ Thành Tường (Los Angeles), người kịp thời ngăn cản cứu sống ông ngày xưa. “Bấy giờ vùng trời Sài Gòn Chợ Lớn trở nên âm u, ảm đạm và đổ trận mưa xuân 1975 cách biệt vào sáng sớm. Mọi người tại Bộ Chỉ Huy Đơn Vị 101 hốt hoảng ngược xuôi và đầy lệ với một số sĩ quan quặn đau, ói mửa vì ngấm độc dược tự tử do Ban Y Tá Đơn Vị 101 phân phát sau 10 giờ sáng ngày 30-4-1975. Lá Quốc Kỳ nền vàng, ba giòng huyết quản Nam Trung Bắc bị ướt rũ rượi, cuốn chặt trên đỉnh cột cờ tại sân chào cờ của Bộ Chỉ Huy Đơn Vị 101 vào mỗi buổi sáng Thứ Hai không chịu bay theo chiều gió sầu từ phương Bắc vào” (“Những Ngày Cuối Cùng”-Nội San 22 Hội Ái Hữu Đơn Vị 101).
Hội cũng tưởng niệm Đại Tá Lê Quang Nhơn, cựu chỉ huy trưởng Đơn Vị 101; Trung Tá Bùi Ngọc Chơn, cựu chỉ huy phó Đơn Vị 101; Trung Tá Trương Văn Tỷ, cựu chỉ huy phó Đơn Vị 101; Thiếu Tá Nguyễn Văn Viên, cựu chỉ huy phó Đơn Vị 101 Biệt Đoàn 300, Trung Tá Võ Văn Hai, cựu trưởng Đoàn 60, Trung Tá Lục Phương Ninh, cựu trưởng Đoàn 69; cùng hơn cả trăm chiến hữu Đơn Vị 101.

“Đơn vị chúng ta xưa kia là một đơn vị đặc biệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Chúng ta luôn tự hào là những chiến sĩ âm thầm chiến đấu và hy sinh trong bóng tối như những chiến sĩ vô danh, trong cuộc chiến tranh bí mật chống cộng sản bảo vệ tổ quốc VNCH. Chúng ta tự hào là gia đình 101, một gia đình cũng rất đặc biệt vì con cái, anh em trong nhà, chẳng ai biết ai, và cũng không nên mà cũng chẳng cần biết nhau. Nay thì chúng ta thật sự là một gia đình: Hội Ái Hữu 101. Chúng ta đã nhận anh, nhận em, nhận thầy, nhận đệ tử qua các buổi họp mặt tân niên, đại hội, đám cưới, đám tang… và qua Công Ty Bách Hóa và Quán Phượng group mail” - Hội trưởng của ban chấp hành được bầu lưu nhiệm Lưu Anh Dũng (Los Angeles) chào mừng hội ngộ nhân đại hội 3 năm một lần ra mắt ban chấp hành nhiệm kỳ mới từ tháng 8-2011 đến 8-2014. Các quý vị trong ban chấp hành ra mắt trên sân khấu, ngoài vị hội trưởng, còn có Trần Ngọc Điềm, Châu Cứ Thành, Đặng Ngọc Nhàn, Trần Đức Vịnh, Vũ Bảo.

Hội trưởng Lưu Anh Dũng trong ban nhạc The Soldiers cùng phu nhân là ca sĩ Tuyết Dung của ban nhạc Ba Trái Táo cũng là những nghệ sĩ cùng với các cựu chiến sĩ Hội Ái Hữu 101 tham gia Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH kỳ 5 ngày 7-8-2011 tại sân vận động trường Trung Học Bolsa Grande. Hội cũng từng tưởng niệm Quốc Hận 30-4 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (Westminster), tham gia diễn hành Ngày Quân Lực Hoa Kỳ 19-6 (Torrance), diễn hành Tết Việt Nam trên đại lộ Bolsa (Westminster), liên lạc tương trợ giữa chiến hữu 101 ở hải ngoại và quê nhà… Hội có các chi hội ở San Jose, Oakland, Los Angeles, Orange County, San Diego, Washington, Colorado, Virginia, Tennessee, Massachusetts, Pennsylvania, Minnesota, Houston, Dallas, Canada, Pháp, Úc. Cùng với hội trưởng Lưu Anh Dũng và ban chấp hành và một số chiến hữu phụ giúp ban chấp hành (Nguyễn Trọng Minh, Huỳnh Tấn Lộc, Trương Đình Liêm, Lâm Thủ, Phạm Minh Đức), hội đặc biệt có hội trưởng danh dự (Lê Đình Luân và Phạm Văn Hai), ban cố vấn (Phan Hồng Điệt, Huỳnh Văn Phú, Nguyễn Thiện Sang, Lê Xuân Quang, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Văn Đột, Lê Trị). Cố vấn Lê Trị nay là một nhiếp ảnh gia nhưng còn là cựu Trưởng Lưới Tình Báo tại Long An 1966-1975 tổ chức mật báo nội tuyến đường dây giao liên Đồng Tháp-Long An ngụy tích giáo sư, 5 lần Ưu Dũng Bội Tinh.

Hội trưởng Lưu Anh Dũng và ban chấp hành lưu nhiệm 2011-2014 - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Ngày xưa 101 với những biệt danh Hai Lửa, Ba Mu Rùa, Tư Gấu, Năm Sói, Bảy Teo, Bò Cạp, Hổ Cáp… Nay hội lại có các nghệ sĩ nhiếp ảnh gia Hoàng Liên người bên cạnh các giải nhiếp ảnh còn từng nhiều lần liên tiếp chiếm giải nhất trang trí đèn Giáng Sinh cho ngôi nhà ở Laguna Niguel, có nhiếp ảnh gia Thảo Đỗ, ca sĩ cộng đồng Ái Liên, ban nhạc Trương Ngọc Thanh… cùng giúp vui văn nghệ hội ngộ. Hội Ái Hữu Đơn Vị 101 tương thân tương trợ lẫn nhau để lưu niêm dĩ vãng - những anh hùng Đơn Vị 101 thề chết cho quê hương nhưng vẫn sống trong lòng ái hữu, quê hương.

* Tiểu Sử Đơn Vị 101 (nguồn gốc của Biệt Đoàn Sưu Tập)
Thành lập: Sau khi Nha Tổng Nghiên Huấn (cơ quan phản gián Bộ Quốc Phòng) giải tán vào năm 1956, Sở Liên Lạc thay thế trực thuộc Phủ Tổng Thống do Đại Úy Lê Quang Trung chỉ huy. Đến tháng 8-1960, một cơ quan tình báo đặc biệt được thành lập mang tên Biệt Đội Sưu Tập (BĐST) trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH do Đại Úy Nguyễn Văn Trọng chỉ huy. Bộ chỉ huy BĐST tạm thời đặt tại Trường Quân Báo Cây Mai, sau lần lượt dời về đường Mặc Thiên Tích, đường Nguyễn Tri Phương cạnh Trung Tâm Quân Báo, cuối cùng đối diện Trung Tâm Quân Báo gồm có cơ sở toán thông dịch cố vấn, một trại gia binh và phòng huấn luyện võ Teakwondo.

Nhiệm vụ: Cơ quan tự trị yểm trợ nhân viên tài chánh, huấn luyện với nhiệm vụ sưu tầm tin tức chiến lược và chiến thuật trong quần chúng tại chiến trường tại các quốc gia lân bang Lào, Kampuchea, Hồng Kông; trinh sát, khám phá các mục tiêu mới trong vùng địch, phối kiểm các tin tức do mật báo viên tại hậu tuyến địch cung cấp và toán dù xâm nhập chuyển về.

Huấn luyện: Đầu năm 1961, Hoa Kỳ phối hợp với BĐST bắt đầu huấn luyện ngành sưu tập tin tức chiến trường Field Operation Intelligence (FOI) tại Quân Báo Cây Mai do các huấn luyện viên Hoa Kỳ giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Việt. Mỗi khóa 2 tháng. Khóa 1 gồm 16 sĩ quan, khóa 2 gồm 25 sĩ quan. Các khóa kế tiếp về sau được gởi đi du học tại Okinawa, Nhật Bản, trường FOI USARPACINT, do toán thông dịch BĐST hướng dẫn. Hàng hạ sĩ quan, binh sĩ, mật báo viên và một số sĩ quan trưởng lưới được huấn luyện bổ túc kỹ thuật tại Căn Cứ 49 tại Núi Nhỏ Vũng Tàu.



Anh vẫn sống cùng ái hữu, quê hương - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Tổ chức: Hệ thống chỉ huy điều hành BĐST từ trung ương đến địa phương có chỉ huy trưởng cấp đại tá ở Bộ Chỉ Huy bên cạnh Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu; trưởng đoàn sưu tập cấp trung tá bên cạnh mỗi vùng chiến thuật gồm các đoàn 60, đoàn 65, đoàn 66, đoàn 67, đoàn 68, đoàn 69; trưởng đoàn sưu tập cấp thiếu tá bên cạnh mỗi tỉnh, thị trấn, tại các quốc gia lân bang, trưởng toán dù xâm nhập, trưởng Căn Cứ 49/ BĐST huấn luyện; trưởng lưới sưu tập cấp đại úy bên cạnh mỗi quận, vùng hậu tuyến địch.

Chỉ huy: Đệ I Cộng Hòa bị đảo chánh, Đại Úy Trọng ra đi năm 1963, Đại Úy Triệu tạm quyền. Thiếu Tá Lung và Thiếu Tá Lời tạm thời thay nhau chỉ huy BĐST. Thiếu Tá Lời bàn giao BĐST cho Thiếu Tá Kiệt và BĐST đổi tên thành Biệt Đoàn 300, trực thuộc Phủ Tổng Thống thay vì Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Sau cuộc chỉnh lý, Thiếu Tá Kiệt ra đi năm 1965, Đại Tá Nhơn thay thế và đổi tên Biệt Đoàn 300 thành Liên Đoàn Yểm Trợ 924, lại trực thuộc Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu, không còn trực thuộc Phủ Tổng Thống. Đầu năm 1972, Đại Tá Nhơn sau khi học khóa Cao Đẳng Quốc Phòng, đi làm phụ tá đặc trách AN/TB cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, đã soạn thảo kế hoạch hành quân tái chiếm Quảng Trị. Liêm Đoàn Yểm Trợ 924 một lần nữa đổi tên thành Đơn Vị 101. Trung Tá Luân (sau lên Đại Tá) từ Đoàn 65 về làm Chỉ Huy Trưởng từ tháng 8-1970 cho đến ngày 30-4-1975.

Nhân viên: Tất cả sĩ quan và hạ sĩ quan được tuyển chọn về BĐST là căn cứ vào hồ sưu tra lý lịch tại quân trường hoặc sở an ninh liên hệ và phải có bằng FOI mới chính thức hoạt động. Đa số được phân phối về địa phương cư ngụ để hoạt động trong quần chúng. Tại vùng hậu tuyến địch phải cải trang và bảo mật tối đa. Tại các quốc gia lân bang phải thạo ngôn ngữ và tập quán của quốc gia liên hệ. Toán Dù xâm nhập phải có thêm bằng nhảy dù và xung phong tình nguyện.
 
Trích Báo Viễn Đông

 

Nỗi Bất Hạnh Đời Tôi
Tác Giả: Thùy Nhiên
 
 
     Đôi lời vào truyện:
    Tôi tên Nguyễn Bá Quang, là một sĩ quan QLVNCH cấp bậc Đại Úy thuộc đơn vị 101 P2/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Ở tù CSVN tại trại tù Tiên Lãnh, Quảng Nam, Đà Nẵng suốt hơn 12 năm. Qua Mỹ với diện H.O.5 năm 1991. Hiện cư ngụ tại Rếda, Califonia. Trong thời gian tôi ở tù chưa được thả, gia đình vợ con tôi vượt biển tìm tự do tại Cà Mau tỉnh Minh Hải. Trong chuyến vượt biển hãi hùng ngày 22-2-1985 vợ và sáu người con trai của tôi đã bỏ xác trên biển cả vì bọn hải tặc làm đắm thuyền. Ngoài ra còn có cả nhạc phụ của tôi và các em vợ cùng các cháu đạ chết một cách tức tưởi trên chuyến tàu đau thương ấy. Chỉ còn sống sót người con gái yêu thương của tôi tên Thùy Nhiên và dì ruột của cháu là Phạm Thị Sa. Năm 1975 mất nước con giá tôi mới có tám tuổi, khi CS Bắc Việt chiếm miền Nam chúng dọa nạt, đấy ải gia đình của các sĩ quan QLVNCH đi cải tạo tại các trại lao động khổ sai. Vợ con tôi phải đi kinh tế mới tại Cà Mau, Minh Hải, việc học hành khó khăn, cháu chỉ học tới lớp bảy rồi phải bỏ lỡ dở đi buôn cá tại vùng ven sông thuộc Cà Mau để kiếm tiền nuôi gia đình và các em trai còn nhỏ tiếp tục đi học, vì thế nên cháu chỉ có thể thuật lại “Nỗi bất hạnh của đời tôi” một cách trung thực. Là ba của cháu tôi cũng chỉ sửa những lỗi văm phạm, chính tả. Qua sự thúc bách của tôi, cháu mới có thể thuật lại câu chuyện thương tâm, vì mỗi lần nhớ lại những cảnh đau thương tang tóc của gia đình thì cháu đâm thẫn thờ, ngơ ngẩn hết mấy ngày, và lòng tôi cũng quặn đau vô vàn. Hiện cháu đã lập gia đình và sống với chồng con tại Úc.
    * Viết để kính dâng linh hồn mẹ Phạm Thị Khanh, Ông ngoại Phạm Văn Đình, Cậu Phạm Văn Tiếng, các Anh: Nguyễn Bá Liêm, Nguyễn Bá Chương, Nguyễn Bá Long, cá em, Nguyễn Bá Phú, Nguyễn Bá Đạt, Nguyễn Bá Hoài, Chú nguyễn Văn Dậu, các em con dì Nguyễn thị Minh Châu, Nguyễn thị Minh Xuân, Nguyễn Minh Toàn, và Linh mục Hồ Quang Liêm, chú Hồ Quang Lập và các anh bà con với cha Liêm mà tôi không nhớ tên.
    * Viết cho Ba là Nguyễn Bá Quang, ba và con cùng NỔI BẤT HẠNH trên cuộc đời này.
    Sau bao tháng ngày mẹ và các anh chuẩn bị ghe thuyền, từng can dầu, tom góp từng gói lương khô như gạo sấy, thuốc men v. V...mọt cách bí mật. Ông ngoại, gia đình bà dì ruột, gia đình của cha Liêm, từng tốp, từng tốp len lỏi trong đêm tối lần lượt đến điểm tập trung tai bãi Đá Bạc Cà Mau thuộc tỉnh Minh Hải.
    Tất cả chúng tôi yên lặng lên thuyền, gồm có 22 người đã có mặt đầy đủ. Tiếng nổ dòn của máy lướt sóng ra khơi, mọi người chúng tôi nín thở hồi hộp.
    Qua mấy giờ lầm lũi chạy trong đêm, trời đã sáng, ánh nắng chan hòa, chúng tôi đã rời khỏi hải phận Việt Nam, mọi người thở ra nhẹ nhỏm, vui mừng, bồi hồi xúc động vì đã thoát qua được chặng đường đấu đầy nguy hiểm và bất trắc nhất, vì nếu chẳng may mà bị VC bắt lại, thì bị tù tội, tịch thu tài sản, tất cả đều mất sạch. Niềm vui thoát được khỏi bọn công an VC đang miên man trong đầu óc mọi người, bỗng nhìn đằng xa có chiếc tàu lớn hiện ra, tim tôi đánh thình thịch, tàu của ai đây? Của CS hay của thế giớ tự do? Càng lại gần thì càng hồi hộp, một thoáng chán nản và sợ sệt hiện rõ trên nét mặt mọi người khi nhìn rõ màu cờ máu Liên Xô, Thuyền của chúng tôi cố ý lái chệch hướng chiếc tàu lớn, cứ thế tiến thẳng, đã qua thêm một sự nguy hiểm, và cũng vì thế thuyền đã chệch hướng đi như ban đầu đã định trước của mình. Chạy thêm vài giờ nữa thì đằng trước hiện lên một chiếc thuyền đánh cá treo cờ VC (cờ đỏ sao vàng), bên hông tàu thấy hai chữ Kiên Giang, giây phút trọng đại, mọi người như nín thở, từ thuyền bên kia phát loa yêu cầu thuyền chúng tôi ngừng lại để cho họ kiểm soát.
    Không thể để bị bắt, rồi phải ngồi tù, tài sản bị mất sạch, nên thuyền chúng tôi quyết định mở hết tốc lực. Một loạn đạn AK nổ dòn bắn về phía chúng tôi, tái công lúc đó là anh Hai Liêm của tôi bị thương ở cánh tay, Mẹ bị thương ở bả vai, ông Ngoại bị thương nhẹ ở đầu. Thuyền bắt buộc phải ngừng lại. Tất cả bàng hoàng chờ đợi những gì xấu nhất sắp xảy ra. Thuyền Kiên Giang là thuyền đánh cá nhưng có cán bộ VC, công an mang theo súng, bọn chúng bước qua thuyền chúng tôi lục soát từng người một kể cả những em bé 3, 4 tuổi, tịch thu một số vàng và tiền bạc (đô la) mà mọi người mang theo, chúng lấy một máy lớn của thuyền chúng tôi và dọa sẽ đưa trở lại vào bờ giao công an địa phương “xử lý”. Ông ngoại tôi là người lớn tuổi nhất trong thuyền, ôm vết thương còn chảy máu trên đầu loang xuống mặt, cố gắng năn nỉ giải thích: “ Các anh cho chúng tôi đi, nếu đưa chúng tôi trở lại bờ Việt Nam thì các anh chẳng có lợi gì cả, chúng tôi bị tù tội, tiền, vàng của các anh vừa tịch thu thì cũng phải giao nạp cho công an thôi.” Sau đó bọn họ cho chúng tôi đi, và chỉ hướng cho tàu chạy.
    Còn lại một máy nhỏ, thuyền tiếp tục chạy một cách nặng nhọc, chạm chạp lướt sóng tiến về vùng biển Thái Lan. Chạy được một giờ đồng hồ nữa thấy có một chiếc thuyền giống thuyền đánh cá xuất hiện, khi chiếc thuyền này tiến lại gần không thấy treo cờ nước nào cả, nhưng dấu hiệu trên mạn thuyền được bôi lem, chạy với tốc độ nhanh rồi quay đầu chận ngang thuyền chúng tôi. Đã trải qua nhiều hiểm nguy, lần này tôi hồi hộp và lo sợ, tất cả như nín thở, những đứa nhỏ cũng biết được những gì quan trọng sắp xảy ra nên chúng ngồi thu mình vào thành ghe im re trông thật tội nghiệp. Tất cả không một tiếng động.
    Tiếng nói ở thuyền bên kia là một tiếng lạ không ai hiểu gì, lúc đó cha Liêm là người biết tiếng Anh nói xin họ giúp đỡ. Toán người kia như không nghe biết, với cử chỉ hung hăng dữ tợn, cặp vào thuyền chúng tôi la hét lục soát từng người một. Một lần nữa vơ vét sạch những gì tàu Kiên Giang VC vơ vét còn sót lại. Thấy kết quả lục soát chúng chẳng được là bao, chúng đi tìm những bộ mặt một, nhất là nhìn chằm chằm vào những người đàn bà con gái. Mẹ tôi còn trẻ đẹp nhưng vừa bị thương mất máu co ro, mặt mày tái mét nên chúng bỏ qua không để ý tới. Chúng đến gần tôi và chị H, bạn gái của anh Hai, chúng liền nắm áo chúng tôi kéo qua thuyền chúng nó.
    Trước cảnh dã man này mấy anh tôi không kềm hãm được nên đã có phản ứng binh vực em mình (tôi lúc đó mới được 18 tuổi, cô kia xấp xỉ tuổi tôi hoặc lớn hơn một tuổi ) Nên đã la ó phản đối. Mẹ tôi cúi lậy xin chúng tha. Ông ngoại, cha Liêm năn nỉ nài nỉ chúng chẳng nghe. Chúng đẩy chúng tôi qua thuyền chúng. Phẫn uất trước hành động tàn bạo này, mấy anh tôi đánh trả lại chúng. Chúng rút súng lục ra uy hiếp và chế ngự mấy anh. Lúc đó chúng lôi chúng tôi xuống nhốt dưới hầm tàu tối đen. Từ đó không hay biết chi nữa những việc xảy ra bên ngoài.
    Sau khi bắt chúng tôi, chúng nổ máy cho tàu chạy, sau đó quay trở lại đâm vào thuyền chúng tôi làm vỡ thuyền, thuyền chìm, chuyện xảy ra tôi sẽ kể tiếp phần sau khi tôi gặp lại người dì ruột tại trại SongLa.
    Ngồi trong hầm tầu tối đen mà lòng tan nát, tôi chấn tĩnh mình bằng lới cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, hiện ra trước mặt tôi là hình ảnh của mẹ, các anh, em tôi và ba tôi. Ba mẹ, các anh em tôi giờ đây trên biển cả mênh mông đã trôi dạt về đâu rồi? Đã được tàu của thế giớ tự do vớt chưa? Ba tôi trong trại tù CS tại trại Tiên Lãnh, Quảng Nam Đà Nẵng, ba là sĩ quan QLVNCH ở tù 10 năm rồi tương lai sẽ ra sao đây. Tôi nhớ hết những người thân thương, đầu óc tôi rối bời như có trăm ngàn mũi kim nhọn đâm vào quả tim bé nhỏ của tôi tan nát. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến hoặc tưởng tượng ra hoàn cảnh mà tôi phải gánh chịu như hôm nay. Nước mắt tràn đầy ra má mà chẳng hay biết gì, nước mắt đã làm dịu cơn khủng hoảng của tôi. Một niềm hy vọng loé lên trong đầu, chắc mẹ và các anh em của mình còn sống sẽ được tàu vớt, sẽ vượt qua nguy hiểm để đến bến bờ tự do và mình sẽ được gặp lại.
    Ở trên tàu của bọn cướp được vài hôm, chúng chuyển tôi qua tầu đánh cá thứ hai, còn chị H.thì ở lại trên tầu của chúng nói tiếng Thái cới nhau tôi không hiểu một tí giò cả chỉ biết cảm nhận theo linh tính của mình, thấy tầu này chuyên lo đánh cá, chắc là họ vừa đánh cá vừa làm hải tặc ăn cướp chăng? Một tuần sau chúng lại chuyển tôi qua tầu khác, cứ thế lênh đênh trên biển cả qua ngày thứ 51, ngày này chúng chuyển qua một tàu khác nữa, người trên tàu có vẻ hung tợn dữ dằn hơn những chiếc tàu trước đây.
    Váo khoảng nửa đêm một tên đàn ông vào kéo tôi dậy, nhìn cặp mắt nó, thấy dễ sợ như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Người tôi run bần bật, miệng thầm đọc kinh xin ơn trên phù hộ cứ giúp. Chúng nó sờ mó và bắt cởi hết quần áo, chúng nói gì với nhau tôi không hiểu, chỉ biết kẹp hai chân cứng lại, hai tay ôm chặt lấy ngực, và nhìn vào vết thẹo nổi đỏ trên cánh tay tôi. Lúc nhỏ khoảng hai tuổi bị tai nạn phỏng dầu làm đường đến 50% khi chữa lành vẫn còn vết thẹo luôn ửng đỏ. Không biết ai xui khiến cho tôi cứ nhìn vào vết thẹo ấy và kêu la thảm thiết. Bọn chúng nói với nhau những điều gì, tôi cảm nhận như chúng e ngại về vết thẹo cảu tôi là bị bệnh phong cùi gì chăng? Sau khi bàn bạc chúng đã xô tôi xuống biển không cho một vật gì có thể trôi nổi trên mặt biển.
    Nước lạnh làm tỉnh hẳn người, tôi đã thoát qua những bàn tay con quỷ dữ, cố gắng vợi hai chân để người mình nổi lên trên mặt nước ( ở Cà Mau tôi sống bên sông nên bơi lội cũng khá giởi. Trên biển giữa đêm đen, có gì ghe rợn bằng. Tôi cố sức mình chống chọi với bao ý nghĩ bi thương, bản năng sinh tồn lại đến với tôi mãnh liệt, tôi kêu xin mẹ Maria bổn mạng hãy cứu giúp tôi. Một lần nữa hình ảnh của mẹ, anh, em và Ba tôi ở trại cải tạo lại hiện ra như khuyến khích tôi hãy ra sức cố gắng chống chọi với tử thần để ráng sống may đau có người cứu vớt. Vì thế mà đã qua được năm tiếng đồng hồ dưới biển lạnh.
    Trời đã hừng đông, một tia hy vọng đến với tôi, nhưng người càng ngày càng bị lạnh cóng, sắp sửa không chịu đựng nổi nữa rồi, thì may thay, nghe có tiếng động cơ của thuyền chạy đến. Tôi cố giơ tay lên nhưng thân hoàn toàn cóng cứng, tất may trên thuyền nhìn thấy, dừng thuyền lại và vớt tôi lên. Nguyện xin đây là một chiếc thuyền làm ăn lương thiện để tôi còn được sống an bình. Thật quả như lòng mong ước, tôi được những người này săn sóc tận tình, cho quần áo để mặc, cho ăn uống đàng hoàng và dùng máy vô tuyến gọi police (cảnh sát ) Thái cho tàu ra đón tôi vào bờ và đưa đến trại Song La và đến trại Sikiw.
    Hằng ngày ở trại, cô đơn lạc lõng, thân gái dặm trường, hằng đêm nguyện cầu cho lòng vơi đi ít niềm đau. Mong chờ mẹ, anh em sẽ đến với mình, nhưng càng ngày càng thấy bặt tăm vô âm tín, lòng buồn rười rượi. Mỗi khi có người mới nhập trại tôi thường đến để cầu mong gặp người thân. Hôm nay bất thần tôi thấy dì Sa em mẹ thất thểu bước vào trại, dì cháu gặp lại nhau, nước mắt tuôn trào như mưa, và Dì đã kể lại những gì xảy ra kế tiếp khi tôi bị hải tặc bắt qua tàu của chúng.
    “Sau khi bọn hải tặc bắt con và H qua tàu của chúng. Vì không chịu nổi những uất ức các anh con đã phản ứng mãnh liệt đánh lại chúng nó. Nhưng chúng có súng, nên các anh con đánh thúc thủ. Chúng lồng lộn lên lục soát nát bét trên tàu, bắt mọi người cởi bỏ hết quần áo chỉ cho mặc một quần lót mỏng, lấy hết những gì còn lại trên tàu, rồi rú máy cho tàu chạy.
    Mọi người chư kịp hoàn hồn thì thấy tàu hải tặc quay đầu trở lại, và chạy rất nhanh đâm thẳng vào hông thuyền của mình đánh rầm, thuyền vỡ làm đôi, một số người văng xuống biển. Đồ vật nặng chìm xuống nước, những vật nhẹ nổi lềnh bềnh. Trong lúc hỗn loạn, mỗi người đều bơi lội, vớ lấy can đựng dầu, đụng nước làm phao. Các anh con, Chương, Long bơi vớt những tấm ván để kết làm bè, kèm lên phần thuyền cón lại nổi trên mặt nước. Phần bè và thuyền nổi cho mẹ, dì, con của dì và Đạt, Hoài, hai em con. Ông ngoại và anh Liêm đã ra đi trong lúc thuyền bị đánh chìm vì cả hai đều bị thương.
    Trời bắt đầu sập tối, nỗi kinh hoàng xâm chiếm lòng người. Màn đêm đem đến sự sợ hãi cho mọi người trong cảnh thập tử nhất sinh, lạnh đói và khát, nhưng vẫn cố gắng bu lấy bên nhau, cùng nhau sống chết. Thấy các em con vì đói khát và lạnh, quá tội nghiệp nên Chương liều bơi, lặn xuống lòng thuyền may ra tìm được nước uống hoặc thức ăn. Nhưng đã lâu khong thấy Chương trở lại, mẹ và Dì kêu gào thật lâu chẳng có tiếng trả lời. Hễ người nào chịu không nổi buông tay ra là đi vĩnh viễn. Thấy những người thân lần lượt ra đi, lòng mẹ và dì tan nát nhưng biết làm sao đây hỡi trời, chỉ biết đọc kinh cầu nguyện Chúa, Mẹ cứu giúp, hộ phù. Phía bên kia có Linh mục Hồ Quang Liêm và người em Hồ Quang lập cùng mấy người bà con của cha trong đêm đó cũng ra đi.
    Ngày thứ hai kể từ ngày đắm thuyền chỉ còn có dì, mẹ và mấy đứa nhỏ vì được ngồi trên bè, nên chống được sự lạnh cóng. Mẹ con bị thương máu ra nhiều, không ăn, không uống nên người mệt lả đi, hơi thở yếu dần, dì gọi mẹ không trả lời nổi, mẹ tức tưởi ra đi. Đạt, Hoài hai em của con ôm mẹ khóc thảm thiết, dì đứt cả ruột gan. Các cháu cứ muốn giữ mẹ lại bên cạnh không xa rời, dì khuyên nhiều lần các cháu mới chịu để mẹ con xuống lòng đại dương. Còn lại con Châu, con Xuân của dì mềm người vì đói khát lặng lẽ ra đi. Dì như người mất hồn, không còn biết gì nữa, đặt con mình xuống nước cho dòng nước trôi xuôi, đau đớn vô cùng.
    Ngày thứ ba chỉ còn lại Dì, Em Đạt của con, mệt quá gục trên tấm ván, bỗng nó ngồi nhổm dậy nói: “ Để con lấy nước cho dì, con thấy có dòng suối trong xanh, nước ngọt lắm dì ơi” nó định bước xuống nước để đi Dì cầm tay nó kéo lại: “ Con ơi không có đâu, đó chỉ là ảo ảnh mà thôi, con ngồi xuống đây đọc kinh với với dì xin ngài ban phước”. Sau khi kinh nguyện, yên tĩnh được một lúc, nó lại kêu lên khát nước quá dì ơi con chịu hết nổi rồi. Dì nói trong vô thức hay con uống đại một hớp nước biển xem có chống chọi được không? Sau khi uống một miếng nước vào bụng, tức thì cháu ôm bụng rên la khủng khiếp, nước bọt trào ra nơi, nước bọt giống như bọt xà phòng trào ra, trào ra, cháu lịm người dần và nằm bất động, người cuối cùng ở bên cạnh dì cũng ra đi.
    Còn lại một mình đang nằm chờ chết dưới ánh nắng như thiêu như đốt bỗng thấy có đám mây đen kéo đến trời đột nhiên dịu xuống, một vài giọt mưa rơi trên mặt dì, dì liếm từng giọt nước, nhưng người dì đã kiệt sức không còn hay biết gì nữa cả. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên thuyền đánh cá của người Thái Land. Theo táu họ trên biển, 15 ngày sau thì được đưa vào trại Batani, qua trại SongLa và dì gặp con tại đây.
    Ôi ! Những biến cố đó trong đời tôi làm toi điên dại, sống dưới ánh nắng mặt trời mà như trong hang âm u. Tôi đã mất mẹ, mất anh, mất em, mất ông ngoại, cậu, cháu và những người than yêu 18 người đã chết tức tưởi, bỏ mình trên biển cả đó là tất cả NỖI BẤT HẠNH CỦA ĐỜI TÔI.
    Mẹ ơi ! Sao mẹ nỡ xa lìa con, xa lìa ba, ba đã chịu bao nhiêu điều cay đắng tủi nhục trong ngục tù Cộng Sản. Các anh ơi ! Các em ơi ! Tất cả đã xa lìa tôi, vĩnh viễn li biệt tôi một cách tức tưởi: Khổ đau tột đỉnh, hận thành non cao, “Biển xa sóng lớn dạt dào, nhớ anh, em, mẹ có ngày nào nguôi”.

No comments:

Post a Comment