Wednesday, August 22, 2012

Tàn cuộc hoa này


» Tác giả: Phạm Thiên Thư
Ngày huấn luyện ở Quang Trung, SQHQ K22. (Nguồn:denhinamduong.net)
Truyện viết dựa theo bài thơ
“Bà mẹ điên” của Trần Trung Đạo
Đợi nhau tàn cuộc hoa này,
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ...

Phạm Thiên Thư
Đầu mùa hè 1981, từ một trại cải tạo ở Phan Rang tôi được thả về.

Sáu năm dâu bể đã đổi thay bộ mặt Sài gòn. Một vài con đường tự dưng được mang những cái tên lạ hoắc. Chợ búa, phố xá tiêu điều và người ngợm tang thương. Nhìn đâu cũng chỉ thấy những khuôn mặt vô cảm. Sự nhẫn nhục chịu đựng, những lo sợ không tên làm cho bầu không khí Sàigon ngột ngạt khó thở.
Việc đầu tiên sau khi trình diện công an phường là mượn chiếc xe lọc cọc của thằng em, một sáng thật sớm, tôi đạp chầm chậm một vòng thăm thành phố cũ.

Hết đường Hai Bà Trưng đến công trường Mê Linh, rồi quẹo trái vào cổng Bộ Tư Lệnh Hải quân. Tôi ngơ ngẩn nhìn quanh, những hình ảnh yêu dấu ngày nào bây giờ chỉ còn là lãng đãng sương mù quá khứ. Toà nhà Bộ Tư Lệnh xám xịt cũ kỹ. Vườn hoa sát bờ sông trước cổng Bộ Tư lệnh đã biến ra một mảnh vườn nham nhở với vài ba luống rau lang úa vàng cùng những cọng sắn ốm nhom, èo uột.

Mấy ngày kế tiếp tất bật qua đi. Tôi tìm gặp một số anh em trong tù đã được tha ra từ trước để dò hỏi đường đi nước bước. Tôi hối hả gia nhập đám vô công rỗi nghề này, tối ngày hết tụ tập cà phê đến rảo các chợ trời, tìm cách mua đi bán lại mọi thứ thượng vàng hạ cám, trong lúc hai tai vểnh lên hết cỡ để nghe ngóng tuy dô.
Không thể là một người nào khác mặc dù chị đã thay đổi đến độ kinh hoàng. Tôi gặp lại vợ Tuấn vào một buổi trưa hè trên đường Hoà Hưng, người đàn bà trẻ, đội chiếc nón lá, bộ quần áo bạc màu tơi tả trên một thân mình khẳng khiu, hai tay ôm chặt một cái bọc nhỏ ở ngực, đang kéo lê đôi dép trên đường.

Tôi đạp xe sát vào lề rồi gọi lớn:

– Chị Tuấn, chị Tuấn!

Người đàn bà vẫn không quay lại, cũng không ngừng bước, tôi dừng xe, sững sờ. Không lẽ Lan Khanh, cô nữ sinh hoa khôi lớp 12 A3 Lê văn Duyệt ngày nào đây sao, vợ của một ông Hải quân trung úy đây sao?

Bên kia đường, người đàn bà đã lẫn vào đám đông hỗn độn gần chợ. Tôi nhìn quanh quẩn một hồi, rồi lặng lẽ đạp xe đi.

Chiều vừa về đến nhà, tôi xuống bếp hỏi Tâm ngay:

– Em có nhớ Khanh vợ Tuấn không, trưa nay anh vừa gặp ai như chị ấy.

– Em không liên lạc với Khanh từ hồi đó đến giờ.

– Anh cũng không gặp Tuấn từ ngày ra trường, rồi thêm sáu năm cải tạo, cũng gần cả chục năm rồi còn gì.

Tôi kể sơ cho Tâm nghe chuyện gặp Khanh lúc trưa này trên Hoà Hưng, Tâm gặng:

– Mà anh có chắc là Khanh không?

– Chắc mà, không thể có còn ai khác. Em còn nhớ nhà Khanh ngày xưa không?

– Em nhớ mang máng hình như trong khu Ngã ba Ông Tạ, nhưng đó là nhà Khanh trước khi lấy Tuấn chứ em sợ sau này Khanh không còn ở chỗ ấy.

– Hay là mình đến tìm thử xem, biết đâu.

Ngay chiều hôm đó, tôi chở Tâm đến khu Ngã ba Ông Tạ, sau một hồi lộn đi lộn lại, lách từ ngỏ này qua ngỏ khác, hỏi han đủ cả mọi người, cuối cùng chúng tôi cũng kiếm ra nhà.

Đúng là Lan Khanh. Lan Khanh của 12 A3 Lê văn Duyệt ngày nào.

Khanh ngồi đó trước hàng hiên nhà mình, trong bộ áo quần cũ bạc màu. Khuôn mặt xanh, gầy ốm đến thảm hại, nhưng trên khuôn mặt, trong ánh mắt vô hồn ấy vẫn còn phảng phất bóng dáng xinh đẹp của Khanh ngày xưa. Tâm bấu chặt vào lưng tôi run rẩy.

Không kịp đợi tôi ngừng xe, Tâm đã vội nhảy xuống, chạy lại bên Khanh, ràn rụa nước mắt:

– Khanh, Khanh, sao lại ra nông nỗi này. Khanh có nhận ra Tâm không?

Vài người hàng xóm tò mò nhìn sang, rồi một người đi lại gần tôi nói nhỏ:

– Tội nghiệp, cô ấy điên nhưng hiền lắm.

Tâm nắm tay Khanh đi vào nhà, căn nhà tối đen, có giọng một bà cụ già cất lên:

– Ai đấy?

– Dạ con là bạn của Khanh hồi còn đi học và anh Hải chồng con là bạn cùng khóa với anh Tuấn, chúng con đến thăm Khanh và bác.

– Anh chị đợi chút nhé, để bác đốt ngọn đèn lên tí đã, hồi này điện cứ bị cúp hoài.

Ngọn đèn dầu thắp lên soi sáng nhờ nhờ một căn phòng nhỏ. Căn phòng trống trơn chỉ có chiếc divan và một cái bàn con. Khanh đến ngồi im lặng bên cạnh mẹ, Tâm nghẹn ngào:

– Sao Khanh lại ra nông nỗi này hở bác?

Mẹ Khanh không trả lời, đưa mắt nhìn lên bàn thờ, tôi nhìn theo mắt cụ, hình hai vợ chồng Tuấn tay bồng một đứa con khoảng vài tháng đang tươi cười bên nhau. Tôi chợt lạnh cả sống lưng...

Có tiếng động ở cửa, một người thanh niên lách vào, nhìn thấy chúng tôi, anh lên tiếng chào rồi quay qua nhìn cụ như có ý hỏi, mẹ Khanh nhìn chúng tôi:

– Đây là em Tín, em của Khanh, còn đây là anh chị bạn của Khanh Tuấn nhà mình đó con.

Tín quay qua chúng tôi lễ phép thưa hỏi một lần nữa, rồi xin phép ra sau thay đồ, chưa đầy năm phút em đã trở ra, ngồi xuống ghế đối diện chúng tôi.

– Em chưa gặp anh chị bao giờ. Anh cùng khóa với anh Tuấn em hở? Anh ở tù mấy năm? Ra cải tạo lâu chưa?

– Cũng gần 6 năm đó Tín, ở một trại ngoài Trung, anh mới được thả gần một tháng. Anh với Tuấn không gặp lại nhau từ hồi hai đứa ra trường vì duyên đoàn anh đóng ở vùng 1, còn Tuấn thì đi giang đoàn ở vùng 4 từ ngày ra trường cho đến 75.

Tâm nóng ruột chen vào:

– Khanh bị... thế này từ hồi nào hở Tín.

– Gần năm rồi chị ạ, từ hồi cháu Uyên mất.

– Thế anh Tuấn mất hồi nào, ở đâu?

– Chắc anh bị tù ở ngoài miền Trung nên không hay. Anh Tuấn mất cuối năm 76 tại trại Long Giao. Vụ đó họ xử tử tới ba người, trong đó có anh Tuấn.

Đầu năm 77 tôi có nghe phong phanh về vụ này, tại trại Long Giao, có ba sĩ quan trẻ bị xử bắn vì tội tổ chức trốn trại vào dịp tết, đâu ngờ một trong ba người là Tuấn khóa tôi.

Bà cụ nghe nhắc đến tên cháu Uyên và Tuấn thì thút thít khóc. Bên kia, Tâm ôm lấy hai bàn tay gầy guộc của Khanh mà nước mắt đầm đìa, còn Khanh thì vẫn cứ im lặng vô hồn. Chuyện vãn một hồi lâu, tôi quay sang nhắc khẽ Tâm:

– Mình về thôi em.

Tâm ngập ngừng đứng dậy, miệng méo xệch:

– Thưa bác tụi cháu về.

Quay qua cô bạn học ngày xưa, Tâm nghẹn ngào:

– Khanh ơi, Tâm về đây, hôm nào mình lại thăm Khanh nhé.

Tôi nhìn lên bàn thờ lần nửa, hình Tuấn tươi cười bồng con đứng bên vợ. Chiếc cầu lon Trung úy Hải quân vàng óng hai vai …

Sau lần đó, tôi bận rộn tất bật tìm đường vượt biên, không có dịp trở lại ngã ba ông Tạ. Chỉ có Tâm lâu lâu lại lấy xe đạp, đạp lên nhà, lần nào đi thăm Khanh về, mắt Tâm cũng đỏ mọng vì khóc, mỗi lần thế tôi lại thấy lòng mình xốn xang như có tội với bạn bè.

Tám tháng sau, mùa biển êm, chúng tôi quyết định ra đi.

Tâm và tôi lên thăm Khanh lần cuối, Khanh càng ngày càng gầy, tám tháng dài như tám năm cho một người góa phụ, và tám năm thì có lẽ dài như... tám mươi năm cho một người đàn bà điên loạn. Tôi xót xa nhìn Khanh mà không biết phải nói gì, phải làm gì. Tôi bất lực nhìn lên bàn thờ, nhìn lên ảnh Tuấn, ngậm ngùi nhớ lại Tuấn của một thời sinh viên sĩ quan và Khanh của một thời con gái mới lớn. Như mới ngày nào …

Tâm ôm lấy vai Khanh rồi chúng tôi chào mẹ Khanh để ra về. Cụ chợt bảo chúng tôi đợi nán một chút. Vói lên bàn thờ mẹ Khanh lấy xuống một cuốn tập nhỏ trao cho Tâm.

– Đây là nhật ký của Khanh, cháu mang đi làm kỷ niệm. Tín bảo đốt đi để gửi về theo anh Tuấn nhưng bác vẫn mãi chần chừ. Bác vẫn hy vọng một ngày Khanh tỉnh trí trở lại, nhưng nay thì bác sợ ngày ấy sẽ không bao giờ đến.

Bỏ cuốn nhật ký của Khanh vào túi xách, chúng tôi lặng lẽ đạp xe về.
Ngày ...

Anh mới đến nhà chiều nay. Buồn cười qúa, cái đầu trọc lóc, bộ đồ Hải quân màu xanh nước biển rộng thùng thình, cái nón cát kết đen xì như cái nồi úp trên đầu, trông anh ngố như mán rừng. Coi bộ anh có vẻ khoái chí về bộ đồ lính Hải quân của mình lắm.

Mình cứ ngắm mãi cái đầu trọc lóc mà thương anh ghê.

Ngày ...
Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang. (Nguồn: HQ VNCH)
Lên thăm chàng trên Quang Trung, chao ôi, chàng đen còn hơn thằng Hynos. (1)

Anh thật là ẩu tả làm mình xấu hổ muốn chết. Chung quanh vuờn Tao ngộ toàn là người và người, thế mà anh cứ ôm mình sát rạt làm nhỏ Tâm phải quay mặt đi giả bộ nhìn chỗ khác. Hải, bạn của anh thì đeo theo tán nhỏ Tâm tới tấp, đúng là... Đường nào dài bằng đường Trần Hưng Đạo, Lính nào xạo bằng lính Hải quân...

Ngày ...

Mới đó mà anh đã mãn khóa quân sự Quang Trung. Vài tuần nữa thì anh sẽ ra Nha trang, nghe bảo là sẽ đi ra đó bằng tàu Hải quân. Dạo này mình cũng hơi quen với những danh từ về lính tráng của anh nhưng vẫn mù tịt chả biết cái nào là Hải vận hạm, cái nào là Dương vận hạm. Đã vậy mà số tàu thì cứ đánh lung tung, không cứ theo thứ tự 1,2,3 cho người ta dễ nhớ. Hỏi thế thì anh giải thích lòng vòng là mỗi thứ tàu có một loại số riêng …

Mẹ bảo anh gầy nhưng trông có vẻ rắn chắc chứ không babylac như hồi trước. Mình thì thấy càng ngày anh càng giống ông già Hynos...

Ngày ...

Sáng nay... Lên xe tiễn anh đi, chưa bao giờ buồn thế ...

Tức anh muốn chết. Mình thì buồn muốn khóc, còn anh thì có vẻ hí hửng, hay lại tính chuyện ra Nha trang làm quen thêm vài cô ngoài ấy. Đã thế mình sẽ không thèm viết thư xem ai sẽ năn nỉ ai.

Ngày ...

Mới vừa nhận thư anh, thư gì mà ngắn cũn cỡn có mấy dòng. Anh dặn là khoan gửi thư cho anh đã, anh sợ mấy ông đàn anh phạt vì tội có thư đào. Sao mấy cái ông đàn anh này ác vậy...

Anh kể sơ về sinh hoạt của anh trong hơn hai tuần qua, nghe mà thương. Anh nói cái này là truyền thống Nha Trang. Truyền thống gì mà phạt người ta tả tơi?
Anh kể về cái ông đàn anh tên Hiền, có biệt danh là đệ út đao phủ thủ. Tên thì hiền mà người chẳng hiền chút nào. Ông này phạt anh mệt nghỉ. Buồn cười thật, mình tự dưng thấy cái tên đệ út đao phủ thủ nghe cũng hay hay. Anh kể có gặp lại người bạn học cùng lớp ngày xưa bây giờ là đàn anh. Ông đàn anh này không phạt bạn bè nhưng lại xúi mấy ông đàn anh khác phạt bạn mình.

Anh còn kể chuyện ăn cơm chan với nước trà và nước mắm ớt mà cũng thấy ngon, anh bảo bị phạt chạy nhiều nên anh đang đi tango. Nghe cứ là như đang đi... Đêm màu hồng. (2)

Ngày ...

Nhớ anh qúa, mới gửi đại một lá thư cho anh hôm qua, không biết khi nhận thư anh có bị phạt không?

Hôm qua, mẹ hỏi chừng nào anh về phép, mình giải thích là anh đang trong thời kỳ huấn nhục, mình kể là anh ăn cơm chan với nước trà, mẹ bảo sao không làm một ít ruốc bông gửi ra cho anh để anh có đồ ăn ăn thêm.

Ngày ...

Mới nhận thư anh và mấy tấm hình anh bận tiểu lễ trắng. Anh bảo là vừa được gắn alpha tuần qua. Ừ trông cũng oai lắm đấy chứ.

Anh cho hay mới được đi bờ lần đầu, sao lại gọi là đi bờ nhỉ, cứ làm như đang nằm dưới nước nay được lên bờ, đúng là danh từ Hải quân.

Anh kể mấy cô gái Nha trang vì ở ngay biển nên cô nào cô ấy đen thui, trông chả hấp dẫn. Chà điệu này anh đang tính mưu kế gì đây mà lại đánh đòn hỏa mù.

Ngày ...

Anh vừa gửi về mấy tấm hình ngày làm lễ gắn alpha omega. Thế là khóa của ông đệ út đao phủ thủ sắp ra trường. Anh nao nức chờ ngày khóa đàn em nhập quân trường. Đừng phạt họ nhiều, tội nghiệp họ anh nhé.

Còn mấy hôm nữa toàn khóa anh sẽ về Saigon tham dự diễn hành ngày quân lực 19 tháng 6. Vui ơi là vui...

Ngày ...

Hôm qua, mình đưa mẹ và Tín đi xem diễn hành ngày Quân lực. Trời nóng qúa, người đâu mà đông thật là đông, mình đứng tận đầu đường Thống Nhất nên đỡ phải chen, đoạn này lề đường có nhiều cây to nên đỡ nắng cho mẹ. Đoàn sinh viên sĩ quan Hải quân bận đại lể trắng diễn hành coi đẹp ghê. Mình thấy anh trong hàng quân. Tín nó gọi tên anh thật to nhưng nhạc quân hành lớn quá át tiếng thằng bé. Nó đòi chạy theo toán diễn hành mà mình không cho.

Ngày ...

Còn ba tuần nữa là đám cưới. Mình thì tất bật như điên mà mẹ cứ đi ra lại nhắc cái này, đi vào lại nhắc cái kia. Anh thì bặt tăm, mãi sát ngày cưới mới chịu về. Đàn ông sướng thật chả phải lo gì cả, mà nhất lại là lính, cứ đổ thừa cho quân vụ.

Mấy đứa bạn ngày nào cũng tới nhà phụ giúp trang hoàng, sửa soạn. Đám cưới mình cũng đơn gỉan thôi – nhà anh cũng nghèo và nhà mình cũng nghèo. Anh cũng mới ra trường đâu có tiền bạc gì nhiều.

Ngày ...

Anh vừa về lại Vĩnh long hôm qua. Anh muốn mình xuống dưới ấy thuê nhà ở gần đơn vị nhưng mình không muốn xa mẹ. Thôi kệ cứ mỗi tháng mình xuống thăm anh một lần cũng được, Saigòn Vĩnh long đâu có xa gì.

Bây giờ mình đã là bà Tuấn rồi. Nhớ hồi nào mới quen nhau.

Ngày ...

Mấy hôm nay cứ thấy mâm cơm là buồn nôn. Hôm qua đi khám, bác sĩ cho hay là mình đang mang thai. Định thứ sáu cuối tuần này đi Vĩnh long báo cho anh tin mừng. Chắc anh vui lắm.

Ngày ...

Bụng đã bắt đầu hơn lớn, cả tuần nay chả ăn gì được, tối ngày cứ nôn ra mật xanh mật vàng. Chao ôi, sao con hành mẹ thế này.

Đêm hôm qua hai đứa nhất định đặt tên con, nếu con trai là Vũ, Trần Nguyên Vũ, nếu con gái là Tú Uyên. Trần Tú Uyên.

Ngày ...

Uyên yêu dấu của mẹ. Cảm ơn con, con đến với mẹ bằng tất cả nhớ thương mẹ dành cho bố. Con là giọt máu của bố đang lớn lên trong thân thể mẹ để mẹ thấy rằng lúc nào bên mẹ cũng có bố, có con không rời.

Con sẽ xinh như mẹ và thông minh như bố, Uyên nhé, đứa con gái đầu lòng yêu dấu của ta.

Ngày ...

Tất cả những biến động dồn dập trong mấy ngày qua làm mình như nghẹn thở, may mà có Tuấn bên cạnh. Như một phép lạ, Tuấn đã từ Vĩnh long chạy về Saigon bình yên với hai mẹ con trong những ngày dầu sôi lửa bỏng cuối tháng 4.

Tuấn trình diện để đi học tập hôm qua. Mười ngày sau anh sẽ về. Tuấn chỉ mang theo có hai bộ đồ và một ít tiền đóng cho 10 ngày ăn. Mình cố nhét thêm lọ ruốc bông mà Tuấn không cho. Anh cười bảo rằng nghe nói nhà hàng Đồng Khánh thầu nấu ăn trong 10 ngày ấy, ai lại mang ruốc bông ra ăn chung với cao lương mỹ vị bao giờ.

Mình cũng mừng. Tạ ơn trời đất, Việt nam rồi cũng có lúc thanh bình. Từ nay mình sẽ không còn ngay ngáy lo lắng cho Tuấn nữa. Uyên ơi, lớn lên con sẽ thôi không còn nghe tiếng đạn bom như thời bố mẹ. Con sẽ cắp sách đến trường trong hạnh phúc của một đất nước thịnh.

vượng hoà bình. Ngày ...

Đã hơn năm tuần mà vẫn chưa thấy anh về, hôm nọ thông cáo trên radio là chỉ đi học tập có 10 ngày thôi mà.

Ngoài phố đã bắt đầu nghe tiếng xôn xao, một số gia đình chạy lên phường, lên quận hỏi thăm nhưng chả có ai trả lời. Tuấn chỉ mang đi có hai bộ đồ làm sao đủ đễ thay đồi cả tháng nay.

Ngày ...

Đúng ba tháng trôi qua từ ngày Tuấn đi trình diện. Không một tin tức. Sài gòn bắt đầu ồn ào về những xầm xì. Lạ là không một ai chịu cho biết cả trăm ngàn sĩ quan đang học tập ở đâu.

Hôm qua, mình chứng kiến tận mắt một cuộc hành hình ngay trên đường phố. Tên giật đồ bị điệu đến qùy trước mặt người công an. Anh công an móc súng kê vào màng tang của tên cướp và lẩy cò. Một số bà cụ đứng gần đó vội vàng nhắm mắt làm dấu thánh giá. Mình ngạc nhiên đến sững sờ, sao lại thế này, luật pháp nào mà cho một người công an có quyền tiền trảm hậu tấu như kiểu tướng cảnh sát Nguyễn ngọc Loan dạo tết Mậu Thân. Mà hồi đó là đang lúc đánh nhau, còn bây giờ đã hoà bình rồi cơ mà.

Ngày ...

Sắp đến Noel rồi, mình cũng như hàng trăm ngàn thân nhân của các sĩ quan khác đành chịu thua, không một lời giải thích từ phía chính quyền, lạ thật, không một tin tức nào gửi về từ những người đi học tập, tựa hồ số người này đã bốc hơi biến mất.

Cuộc sống đã bắt đầu khó khăn, cũng may là sạp hàng của mẹ ở chợ ngã ba ông Tạ vẫn còn đủ nuôi sống cả nhà.

Ngày ...

Hào quang của những ngày đầu giải phóng đã bị lột trần trơ trụi. Dối gạt đã lòi ra. Sài Gòn bắt đầu ăn độn cơm với khoai sắn.

Vẫn chưa biết chính xác anh đang ở đâu. Một số dân ở miệt Long Thành, Suối máu cho hay là họ gặp các người tù sĩ quan mình trên ấỵ

Hôm qua, đám công an kinh tế làm khó dễ mẹ và các bạn hàng ở chợ. Họ bảo rằng vài tháng tới tất cả dân chúng không có nghề nghiệp sẽ được đưa về những vùng kinh tế mới. Mẹ hỏi thế nghề buôn bán của tôi thì sao thì họ nạt rằng buôn bán không phải là nghề nghiệp lao động. Em lo qúa, Tuấn ơi.

Ngày ...

Tuấn đi tròn đúng một năm, một năm với hai bộ đồ mang theo và ba ngàn đồng trong túi. Không một tin tức, không một lá thư.

Saigon bây giờ không còn xầm xì nữa, đã có những tiếng chửi bóng gió. Một số bài hát đã được đổi lời.

Ngày ...

Lại thêm một Noel đau thương. Tuấn vẫn chưa về...

Ngày ...

Tuấn yêu dấu của em

Cả hơn một tháng nay em không phút nào nằm xuống mà không thấy Tuấn. Em gọi tên Tuấn trong những giấc ngủ chập chờn. Em ôm chiếc áo kaki xanh của Tuấn vào lòng mà tim quặn đau. Sao Tuấn bỏ em và con vội thế hở anh?

Em không biết sức mạnh nào đã nâng em dậy sau những giờ phút nghiệt ngã ấy. Hôm mẹ và em lên trại Long Giao nhận lại những di vật của Tuấn, họ mắng là Tuấn đã phản động tổ chức trốn trại làm ảnh hưởng đến tinh thần các trại viên khác. Đã thế khi bị bắt còn lớn tiếng chửi rủa cách mạng nên toà án nhân dân đã tuyên án tử hình Tuấn và hai người bạn.

Họ đã chôn xác Tuấn vội vàng bên đám cỏ tranh. Nhìn mộ Tuấn, em xỉu đi không biết bao lâu đến khi tỉnh lại thấy mẹ đang ngồi bên cạnh. Còn em thì đang nằm chơ vơ trên một chiếc chõng tre.

Nhìn chiếc lon gô và cái muỗng nhôm của Tuấn để lại, ôm vào lòng manh áo rách bạc màu của Tuấn, em như không còn hồn vía nữa. Đầu óc lãng đãng mê muội không biết mình đang ở nơi nào, thiên đàng hay địa ngục Chung quanh tiếng người nói lao xao mà em nghe như tiếng của loài ngạ quỷ. Em mở mắt nhìn mà chẳng thấy ai ngoài Tuấn của em, Tuấn yêu dấu của em.

Mẹ ôm em vào lòng và bảo em hãy khóc đi, nhưng lạ sao mắt em ráo hoảnh. Em không còn cảm gíac. Em không còn là người nữa, đau đớn đã làm em hóa đá. Bây giờ thì em tin là chuyện hòn vọng phu có thật. Tận cùng của nỗi đau là những câm nín. Tận cùng của oan khiên, của tuyệt vọng là sự im lặng kinh hoàng. Em đã nếm biết cái tận cùng của tận cùng đó, Tuấn ơi.

“Khóc cho vơi đi những tội tình …” Tuấn nhớ không, bài hát của Vũ Thành An ngày nào. Ôi hạnh phúc thay cho những người còn được khóc...

Ngày ...

Tuấn yêu dấu của em.

Hôm nay là ngày tròn năm năm mình lấy nhau, và gần đúng hai năm kể từ ngày anh cúi xuống hôn con để lên đường đi trình diện học tập cải tạo. Đâu có ai biết chuyến đi tưởng chỉ 10 ngày nhưng lại biến thành thiên thu Tuấn nhỉ.

Tuấn yêu dấu , Tú Uyên con mình lên hai tuổi rồi đó, tuần qua nó mới bập bẹ ba ba ba. Nghe con kêu ba mà em đứt ruột. Trách ai đây hở Tuấn, định mệnh cay nghiệt hay những con người không tim đã giết Tuấn của em.

Ngày ...

Sinh hoạt Saigon càng ngày càng khó khăn. Bo bo đã bắt đầu thay cho khoai sắn. Sạp hàng của mẹ ngoài chợ đã gần cạn vốn. Tín đã bị gọi đi thanh niên xung phong, nghe nói đi đào kênh đào mương gì đó.

Nhà bây giờ chỉ còn mẹ, em và con. Tú Uyên bây giờ là lẽ sống của em, và là nguồn vui của mẹ. Mẹ dạo này yếu lắm, tội nghiệp cụ cũng đã gần bảy chục, suốt cuộc đời cặm cụi cho con, những ngày cuối đời tưởng sẽ hưởng chút thảnh thơi…

Ngày ...

Tuấn yêu dấu của em.

Đã hơn cả năm em không còn thì giờ đụng đến nhật ký. Cơm gạo, bạc tiền, sữa, thuốc cho con đã quay em như con vụ. Sáng sớm em ra chợ, mãi đến trưa mẹ ra thay cho em để em về lo cơm nước cho con. Cũng may là nhà mình gần nên chạy đi chạy lại cũng tiện.

Tín đã đi nghĩa vụ quân sự và bị đưa sang Cam pu Chia. Mẹ khóc hết nước mắt vì sợ nó ra trận có mệnh hệ nào. Đến bao giờ thì nước mình thật sự hết binh đao anh nhỉ?

Uyên con mình mỗi ngày mỗi lớn và càng giống anh kinh khủng, nhất là miệng cười. Tuấn phù hộ cho mẹ con em nhé.

Ngày ...

Tú Uyên bị sốt cả tuần nay, mới bệnh có mấy hôm mà trông con tiều tụy qúa.

Đồ đạc trong nhà đã bán hết đến món cuối cùng. Chiếc nhẫn cưới Tuấn mang vào ngón tay em ngày nào, em cũng đã phải cắn răng bán đi để chữa trị cho con.

Hôm qua đưa con vào bệnh viện Nhi đồng, đợi cả nửa ngày và sau khi khám qua loa, bác sĩ cho một toa thuốc, uống đã hai ngày nay mà sao chưa thấy bớt.

Cả tuần qua, không có đêm nào chợp mắt quá hơn hai tiếng. Ôm con vào lòng mà em sợ quá, Tuấn ơi, nếu con mình có mệnh hệ nào làm sao em sống nổi.

Ngày ...

Sáng nay vừa lên bệnh viện bán máu thêm lần nữa để mua thuốc cho con. Lần đầu không thấy mệt lắm nhưng lần này mình phải nằm lại mấy tiếng mới đứng lên nổi để loạng chọang đi về.

Vẫn dấu không cho mẹ hay là mình đang đi bán máu, không còn đường xoay sở nữa. Thuốc tây cho Tú Uyên đắt qúa, mà nhà mình không còn gì để bán. Vay mượn thì cũng chẳng còn ai có để cho vay...
Tú Uyên yêu dấu ơi, ba con đã bỏ mẹ con mình mà đi. Bây giờ con là lẽ sống của mẹ, con là linh hồn của mẹ. Sá gì đôi ba lít máu, cả thân thể này, cả cuộc đời này nếu phải đánh đổi cho con thì mẹ vẫn vui lòng.

Ngày ...

Bệnh của Tú Uyên vẫn không thuyên gỉam. Hôm qua, lại bồng con lên Nhi đồng, và lại bị đuổi về vì không tiền đóng viện phí...

Lại bán máu thêm lần nửa... không nhớ lần này là lần thứ mấy.

Uyên ơi, con đừng bỏ mẹ mà đi, con nhé. Mẹ làm sao sống nổi nếu con bỏ mẹ con đi.
......

Cuốn nhật ký bỏ ngang ở đây.

... mà nếu nó không chấm dứt ở đó, thì tôi cũng không còn đọc nổi nữa vì hai mắt tôi đã nhạt nhoà…

Lang Le
Mẹ đã già và con còn thơ dại. (Nguồn: viewimages.com)
Bài thơ Bà Mẹ Điên
Trần Trung Đạo
Có lần tôi đi ngang
Qua vỉa hè Ðồng Khởi
Một bà ôm chiếc gối
Ðứng hát như người say

Khoan chết đã con trai
Mẹ còn chờ mua sữa
Mai Ba về có hỏi
Mẹ biết nói sao đây

Người biết chuyện cho hay
Chồng bà đưa ra Bắc
Từ khi con trai mất
Bà trở thành người điên

Nhà bà là mái hiên
Tấm vải dầu che nắng
Sớm chiều khoai với sắn
Heo hút với bầy con

Bà ngày một héo hon
Bỏ vùng kinh tế mới
Về Sài Gòn chen lấn
Giữa cuộc đời đắng cay

Ðứa con út ốm đau
Vẫn hằng đêm đòi sữa
Chẳng còn gì bán nữa
Ngoài giọt máu mẹ cha

Khi trời vừa sáng ra
Bà lại lên Chợ Rẫy
Lần nầy lần thứ mấy
Bà bán máu nuôi con

Trên đường về đi ngang
Ghé cửa hàng mua sữa
Bà gục người trước cửa
Suốt đêm mà không hay

Ðứa con út đang đau
Chờ mẹ về chưa tới
Qua đời trong cơn đói
Thiếu cả một vòng tay

Khi bà về tới nơi
Thì con mình đã chết
Bà ôm con lạnh ngắt
Ðứng hát như người say

Khoan chết đã con trai
Mẹ còn chờ mua sữa
Mai Ba về có hỏi
Mẹ biết nói sao đây

Ðêm qua tôi nằm mơ
Thấy mình ôm chiếc gối
Ðứng trên đường Ðồng Khởi
Và hát như người điên.
Phạm Thiên Thư

2 comments:

  1. “Thượng Đức” là cái tên giản dị mà nhà văn, đại tá - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội Nguyễn Bảo làm tiêu đề cho cuốn tiểu thuyết sử thi vừa nhận Tặng thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2006. Nói về cuốn tiểu thuyết, cũng như nói về những mất mát, hy sinh của quân ta trong trận Thượng Đức tại Quảng Nam - Đà Nẵng, ông không giấu được những xúc cảm nhân dịp kỷ niệm 32 năm ngày chiến thắng lịch sử 30/4 đang tới.

    “Thượng Đức” là một bản hùng ca bi tráng của quân ta trong trận chiến tại Thượng Đức. Ông đã dồn bao nhiêu tâm huyết cho cuốn tiểu thuyết này?

    Cuốn “Thượng Đức” dày hơn 600 trang là tâm huyết của tôi trong suốt hơn 30 năm qua. Đây là cuốn tiểu thuyết sử thi tôi viết cho dự án sử thi của Bộ Quốc Phòng với sự tham gia của 28 nhà văn.

    Sở dĩ tôi phải mất từng đó thời gian để viết bởi tiểu thuyết này mô tả trận đánh tổn thất, dai dẳng tại Thượng Đức vào tháng 4/1971. Nếu ngay hồi đó viết đúng sự thật có thể người ta không in hoặc có bản thân tôi có thể bị liên lụy tới. Đến giai đoạn này là thời điểm thích hợp dựng được một cách trung thực nhất về thời điểm lịch sử có ý nghĩa đó. Với vị trí lãnh đạo như tôi thì việc viết thực sự không có nhiều thời gian. Tôi có thời gian cho cuốn “Thượng Đức” này là nhân dịp tham gia hai trại sáng tác do nhà xuất bản Quân Đội tổ chức tại Quảng Ninh và Đại Lải trong thời gian 40 ngày.

    Trận Thượng Đức có ý nghĩa thế nào với quân ta vào chiến thắng lịch sử 30/4 năm đó?

    Sau Hiệp định Paris , trận Thượng Đức có ý nghĩa là một trận trinh sát chiến lược xem chủ lực của Ngụy sau khi Mỹ rút có chọi nổi với lực của ta hay không. Và nếu mình chiến thắng Thượng Đức - cửa ngõ vào Đà Nẵng thì liệu Mỹ còn quay lại để dành đất. Sau này Mỹ huy động quân dù, quân tinh nhuệ nhất cùng lính Nguỵ tái chiếm, sư 304 bị thiệt hại nặng nề.

    Trận quân khu 5, trận Thượng Đức quân Ngụy nổi tiếng vì sự phản trắc và gian ngoan của kẻ địch. Đó là trận đánh ta huy động quân chủ lực của miền Bắc, quân khu 5 và Quảng Nam – Đà Nẵng để đánh. Đó là trận đánh hy vọng nhất, sẽ thành công sớm nhất vì có quân chủ lực của Bộ, tin tưởng vào thắng lợi.

    Không ngờ trận đó diễn ra cực kỳ khó khăn, dai dẳng, phải hy sinh quá nhiều. Lần đầu do chủ quan, lần hai do sai lầm chiến thuật, hy sinh nhiều. Ngỡ sẽ không có cách thắng nhưng do mình kiên trì và quyết tâm sau trận đánh lần 3, chúng ta đã chiến thắng.

    Là một phóng viên chiến trường, nghiệp viết đã vận vào thân từ khi nào?

    Tôi đang theo học năm thứ 3 khoa Văn – Đại học Tổng hợp thì có lớp đào tạo phóng viên chiến trường gần 1 năm. Tháng 4/1971 vào chiến trường khu 5 và theo trận đánh Thượng Đức. Lúc đó vừa chiến đấu, vừa trồng bắp để tự cung, tự cấp, vừa phải ghi chép cho Tạp chí Quân Giải phóng Trung Trung Bộ.

    Sáng tác đầu tay của tôi là truyện ngắn “Kỷ niệm một người bạn”, và sau đó đi với đại đội đặc công, được nghe đọc trên đài phát thanh để cổ vũ tinh thần chiến sĩ. Đó là kỷ niệm khó quên vì đó là sáng tác đầu tay đã nguồn kích thích cho tôi có thêm tự tin để đi theo nghiệp viết.

    Tôi đã có thành tựu ít nhất là 10 cuốn truyện, tiểu thuyết và ký với những cái tên “Thượng Đức”, “Người ở thượng nguồn”, “Những cuộc tình đi qua”, “Giám định của đất”... Trong đó có những tiểu thuyết ngấp nghé dựng thành phim. Nhưng có lẽ vì nó quá tốn kém nên vẫn đang nằm trong dự án.

    Sau chiến tranh, dường như ông không tập trung vào đề tài hoà bình mà vẫn thấm đẫm đề tài về chiến tranh?

    Có những lúc tôi cũng nghĩ chỉ phản ánh cuộc sống người lính thời bình với đời sống, làm ăn kinh tế của họ. Tôi cũng không định tập trung về đề tài chiến tranh nhưng mảng sống chiến trường vẫn đậm đặc trong tôi. Chỉ có duy nhất “Đất đang reo” là một sáng tác nói về chiến sĩ sau hoà bình đi làm ăn kinh tế.

    ReplyDelete


  2. Có thể nói tôi tham gia vào chiến tranh không dài, nhưng càng viết mới thấy hóa ra vốn sống kỹ lưỡng nhất, dồi dào, sinh động mênh mông nhất là thời chiến tranh, là một dòng sông không bao giờ vơi cạn.

    Theo ông, “Thượng Đức” được đánh giá cao trong giải thưởng của Hội Nhà văn ở điểm gì?

    Tôi nghĩ đó là tái hiện lại đúng số phận của nhân vật tham gia vào trận đánh đó. Với tư cách là người chứng kiến, thu thập tài liệu và giữ vốn sống đó trong suốt 30 năm qua khiến cho cuốn tiểu thuyết này viết theo tinh thần dựng lại sự thật.

    Viết trong thời điểm này có cái thuận lợi là viết khách quan, không đề cao địch nhưng cũng không hạ thấp địch. Nếu viết cách đây nhiều năm thì phũ phàng quá, toàn thấy mất mát, đau thương và những hy sinh của quân ta. Mình phải chấp nhận thực tế đó, phản ánh sự thật đó không có nghĩa là ca ngợi địch và ca ngợi ta. Nếu chỉ viết anh hùng, tốt đẹp thì phiến diện, không khách quan.

    Toàn bộ tiểu thuyết sử thi, toàn bộ khung cảnh chiến dịch, thời gian là trung thành với nó. Nhân vật giữ hầu như trung thành với các cán bộ cấp cao, chính ủy sư đoàn, tư lệnh sư doàn. Phần hư cấu trong tiểu thuyết này không đáng kể.

    “Thượng Đức” mới lột tả được sự mất mát và những hy sinh của quân ta trong trận đánh lịch sử đó, ông có ấp ủ viết tiếp cuốn thứ hai nói về chiến thắng Thượng Đức?

    Sau Thượng Đức tôi không ở lại với Sư đoàn 304, quân đoàn 2 nữa. Tôi theo chân tiểu đoàn 6, Lữ đoàn 52 của anh Phạm Văn Thánh vào chiến trường miền Nam và ghi chép giai đoạn lịch sử hào hùng đó. Nhưng với vốn sống có được từ trận chiến mất mát đó, cùng với việc sưu tầm tài liệu cho cuốn “Thượng Đức” này, tôi cũng đã nghĩ đến viết tiếp cuốn thứ hai nói về chiến thắng Thượng Đức oanh liệt.

    Tiểu thuyết thứ hai sẽ viết về điểm cao 1062, chỗ thuận lợi nhất để có thể quan sát Thượng Đức và nhìn ra tận Huế. Cứ khi địch chiếm đóng được thì giao cho Nguỵ ta lại đánh chiếm lại. Cuốn thứ 2 tôi đã gặp được những người chứng kiến lịch sử, toàn bộ tướng lĩnh tham gia trận đánh và kể cả những lính dù. Tôi cũng có dịp vào Đà Nẵng gặp sĩ quan dù đánh trận 1062. Tôi hy vọng sẽ sớm cho ra mắt cuốn tiểu thuyết sử thi “Thượng Đức” thứ hai.

    Xin cảm ơn ông!

    ReplyDelete